Tôi đi học... thuê

Vừa kết thúc 5 tiết học ở trường thì tôi nhận được điện thoại của nhỏ bạn thân từ hồi học phổ thông: “Tôi có vụ làm ăn này hay lắm, bà có muốn tham gia không? Chỉ cần bỏ ra 2 tiếng đồng hồ mỗi tối là bà có trong tay 30.000 đồng, công việc chẳng có gì nặng nhọc lại có thêm “đồng ra đồng vào”. Tôi bắt đầu “hành trình” đi học thuê của mình từ đó.

Đi học chỉ vì lo bị đuổi việc

Thuê tôi đi học thay là một chị tên Loan, làm kế toán cho một công ty tư vấn xây dựng. Do công ty của chị ngày càng đưa ra yêu cầu cao về trình độ chuyên môn cũng như bằng cấp của nhân viên, chị lo sợ với mảnh bằng trung cấp của mình sẽ có ngày bị sa thải. Vậy là chị đăng kí đi học một lớp tại chức buổi tối của trường Đại học Kinh tế quốc dân. Vì cả ngày bận việc công ty, lại đang có bầu gần đến ngày sinh, chị Loan không thể tự mình đến trường học. Nói là đi học thay cho oai chứ thực ra công việc của tôi chỉ là mỗi buổi tối đến lớp điểm danh thay chị.

Trong lớp học tại chức, sinh viên vô tư... ngủ

Buổi đầu đi học, vì nhỡ xe bus nên tôi đến lớp muộn 5 phút, may quá giáo viên chưa vào lớp. Điều ngạc nhiên là tôi có thể dễ dàng tìm được chỗ ngồi tốt ngay trên bàn đầu. Hỏi ra mới biết, không phải chỉ ở lớp này mà hầu như các lớp tại chức bên cạnh học viên đều thích ngồi bàn… cuối. Khác hẳn với lớp tôi đang học, hôm nào cũng phải đi sớm 10 phút chỉ để “xí” chỗ ở bàn đầu. Có hôm, tôi phải đi sớm cả 20 phút mà vẫn phải ngồi bàn cuối.

Học viên của lớp có đến 40% là những người đã đi làm. Ngồi cạnh tôi là một chị tầm 30 tuổi. Sau một hồi lân la làm quen, tôi mới biết chị tên Hà, làm kế toán của một công ty may xuất khẩu. Chị nhìn tôi rồi phán: “ Nhìn em lạ lắm. Chắc lại được thuê đi học thay hả. Ở lớp này có 120 học viên thì phải đến 15% là người đi học thay.

Anh bạn của chị không thuê được một người học cố định nên mỗi hôm phải thuê một người”. Tôi ngạc nhiên hỏi chị: “Thế chẳng nhẽ thầy cô không phát hiện ra?”. Chị cười: “Có chứ, cũng có thầy cô vừa vào lớp là cảnh cáo: “Tôi biết lớp này có những thành phần được thuê đi học thay. Nếu không muốn bị ảnh hưởng đến học tập của chính mình thì xin mời tự giác ra khỏi lớp”, thế là lục tục phải đến chục người đứng lên ra về. Nhưng hầu hết thầy cô biết mà vẫn làm ngơ”.

Tôi lại hỏi: “Ai cũng thuê người học thì kiến thức làm sao tiếp thu được?”. Chị trả lời: “Cô em ngây thơ quá! Đa phần những người học tại chức đều đã đi làm, thậm chí đã có thâm niên trong công việc. Nhưng nay bắt buộc phải có thêm tấm bằng chuyên ngành để đủ điều kiện phát triển sự nghiệp vì vậy họ cần gì kiến thức. Cái họ cần chỉ là tấm bằng thôi”. Chị tiếp: “Dạo này công việc của chị bận bịu, đi làm về lại phải lo bữa tối cho chồng và hai cậu nhóc xong mới đi học. Em có bạn nào cần việc làm không giới thiệu cho chị một người đi học thế cho chị. Mệt quá rồi…”.

Lớp học như cái chợ

Hai chị em đang say sưa nói chuyện thì cô giáo bước vào. Việc đầu tiên là cô phát cho mỗi học viên chúng tôi một mảnh giấy đề nghị viết tên để cô điểm danh. Vì quên họ tên đầy đủ của chị Loan nên tôi phải điện thoại hỏi lại. Giờ học bắt đầu sau đó khoảng 5 phút. Tôi đưa mắt nhìn quanh lớp, dường như ai cũng có việc để làm, nhưng chắc chắn việc đó không phải là nghe giảng hay ghi chép bài. Người thì hí hoáy với cái điện thoại, người lại quay ra kể chuyện làm ăn của mình với bạn cùng bàn. Cuối lớp còn có “đôi chim cu” đang nhỏ to tâm sự.

Chị Hà khẽ nói: “Ôi dào, anh chị nào cũng đi học chỉ vì muốn kiếm được tấm bằng cao hơn chứ thực ra có ai chịu nghe giảng đâu. Đến trước kì thi, mỗi người đóng cho lớp trưởng khoảng 100 nghìn... Thế là nhẹ tênh, môn nào cũng qua…”. Vậy là, thầy cứ giảng, trò cứ tự do làm việc riêng, không ai làm ảnh hưởng hay gây cản trở đến “công việc” của ai.

Giờ giải lao, tôi bắt quen với người đi học thuê như mình. Anh Hòa, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Quốc gia kể với tôi: “Gia đình mỗi tháng cung cấp cho 1,2 triệu đồng, với con trai bọn anh như thế là quá hạn hẹp. Thế là anh đi học thuê. Ở xóm trọ của anh có tới 10 người làm công việc này. Với sinh viên, mỗi tối bỏ ra 2 giờ đồng hồ chỉ để đến ngồi chơi mà có thêm 30 - 50 ngàn đồng thì ai cũng muốn. Anh bắt đầu công việc này từ đầu năm thứ 2 đại học…”.

Một chị khác tên là Trang, cũng đi học thuê như tôi, nhưng hoàn cảnh lại khác. “Làm ơn phải trả ơn mà, mình đi học cho con gái của sếp. Cô ấy đang là tiếp viên hàng không, thời gian học không có, vậy là ngày ngày, hết công việc mình lại cắp sách tới trường như thế này, cũng vất lắm. Có lẽ mình chỉ học cho một vài năm thôi, làm sao học hết được…”, chị Trang kể.

Phải nhập cuộc đi học thuê mới hiểu hết được “bằng thật kiến thức giả” hiện nay.

PGS. TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I: Trường đã có một số biện pháp, nhưng dường như chưa triệt để

Tôi biết chuyện học thuê và việc này không chỉ diễn ra ở các lớp tại chức, mà có trường đến học chính quy, sinh viên cũng thuê người học. Thực trạng này ngày càng phổ biến, nhưng lỗi không thuộc về riêng học viên, mà với cả các thầy cô trực tiếp quản lí.

Làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo tại chức là vấn đề luôn khiến tôi trăn trở. Tại trường ĐH Nông nghiệp I hiện nay, những học viên lớp đào tạo tại chức 80% là những người đã đi làm, đang công tác ở các tỉnh, huyện. Trước mắt, trường đã có một số đổi mới trong việc đào tạo nhằm quản lí học viên dễ hơn. Chẳng hạn như chia lớp học ra thành từng nhóm, có nhóm trưởng là người trực tiếp quản lí những bạn còn lại trong nhóm, nhưng dường như biện pháp này cũng chưa triệt để.

TS Lê Văn Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội: Học thuê vì cách giảng dạy của giáo viên chưa gây hứng thú

Hiện tượng thuê người học thay ngày càng trở nên phổ biến. Một phần lí do đối tượng theo học đều là người đã đi làm, một phần khác là do cách truyền thụ của giảng viên chưa gây được hứng thú cho người học. Nếu giáo viên chủ nhiệm đi sâu đi sát đến tình hình lớp học do mình quản lí, giáo viên bộ môn quan tâm hơn đến vấn đề điểm danh thì tình trạng sẽ được giảm thiểu.

Một lí do nữa của “học thuê” là tình trạng chạy theo thành tích của các trường. Nhiều trường tuy đề ra yêu cầu đối với người tham gia học tại chức, như: những người đã đi làm phải có từ 2 năm kinh nghiệm làm việc về chuyên ngành cần học trở lên, có xác nhận của cơ quan chủ quản, có một trong các văn bằng tốt nghiệp: Phổ thông trung học, bổ túc trung học… thì mới đủ điều kiện dự thi. Nhưng việc thi tuyển lại chỉ mang tính hình thức, tuyển sinh một cách tràn lan khiến việc quản lí càng trở nên khó khăn…

GS. TS Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân: Học thuê có cả ở bậc trung học

Trường Đại học Kinh tế quốc dân hiện có 35 cơ sở đào tạo hệ tại chức và được đặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Việc quản lí sinh viên, do đó, càng không phải là điều dễ làm. Theo tôi nghĩ, tình trạng thuê người học không chỉ có ở những người đã đi làm, mà cả những người thi từ bậc trung học lên. Họ có quá nhiều thú vui khác ngoài học. Việc sinh viên trong lớp thuê người học thay thì các thành viên trong lớp đó đều biết, nhưng họ không bao giờ tố giác nhau. Điều này chứng tỏ ý thức tự giác của sinh viên chưa cao. Nhà trường cũng đã có rất nhiều cách để quản lí sinh viên, nhưng hiệu quả không đáng kể. Chúng tôi kêu gọi nhiều sự tự giác trong ý thức học tập của sinh viên.

TS Nguyễn Thị Hồi, giáo viên trường Đại học Luật: Giáo viên phải thường xuyên tiếp xúc với sinh viên mới ngăn chặn được phần nào tình trạng này

Học thuê đang là một thực trạng vấn đề phổ biến. Lớp học thì đông, thời lượng trên lớp thì ngắn, phát hiện ra các trường hợp đi học thuê là rất khó. Có trường hợp một sinh viên ở Thái Nguyên là cán bộ Đoàn đã nhờ cấp dưới đi học hộ. Nhà trường tiến hành kỉ luật và đình chỉ học một năm theo quy chế của Bộ GD-ĐT.

Giảm thiểu tình trạng này không chỉ phụ thuộc vào quy chế của Bộ GD-ĐT mà các trường phải có phương pháp kiểm tra học trình để theo dõi sự chuyên cần của sinh viên. Các bài kiểm tra của 1 người thường được xếp lại với nhau, đối chiếu các bài kiểm tra xem có nhiều nét chữ khác nhau không. Nếu có sự trùng lặp nét chữ, tiến hành xử lí cả 2 người. Tuy nhiên hình thức này không phải giảng viên nào cũng làm, bởi rất mất thời gian và sinh viên sẽ… oán mình. Vậy nên chỉ có giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tiếp xúc với sinh viên của lớp thì mới đóng vai trò tích cực để phát hiện ra người nào đi học thật, người nào đi học thuê.

Theo Hồng Duyên



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.