Ngan có phần thịt đỏ hơn gà nên đôi khi gây hiểu lầm rằng có thể ăn tái giống như thịt bò. Tuy nhiên, ngan vẫn là gia cầm và có thể chứa các vi khuẩn nguy hiểm như Salmonella, Campylobacter hoặc E. coli nếu không được nấu chín.
Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến cáo rằng thịt ngan cần được nấu chín đến nhiệt độ bên trong ít nhất là 74 độ C để đảm bảo tiêu diệt hết vi khuẩn gây bệnh. Dấu hiệu nhận biết ngan chưa chín kỹ: Thịt có màu đỏ tươi, nước đỏ chảy ra khi cắt; da còn mềm, không giòn; có mùi tanh, không thơm.

Phần da ngan rất hấp dẫn vì giòn và đậm đà, tuy nhiên đây cũng là nơi chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol xấu. Mặc dù thịt ngan nhìn chung ít mỡ hơn các giống vịt khác nhưng lượng mỡ trong da vẫn rất cao, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tim mạch nếu bạn ăn quá mức.
Người đang mắc các bệnh lý như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch hay tiểu đường nên gỡ bỏ da trước khi chế biến để giảm tổng lượng chất béo hấp thụ vào cơ thể. Ngoài ra, bạn nên nướng hoặc quay ngan để giảm hấp thụ mỡ dưới da; ăn kèm với rau luộc, rau sống.
Thói quen hâm nóng lại đồ ăn thừa là điều phổ biến trong nhiều gia đình. Với thịt ngan, nếu không được hâm kỹ hoặc để ngoài không khí quá lâu, món ăn có thể trở thành ổ chứa vi khuẩn, gây ra ngộ độc với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn sau vài giờ ăn.
Bởi vậy, bạn không để ngan đã nấu ngoài nhiệt độ phòng quá 2 tiếng. Tránh hâm lại nhiều lần, chỉ nên làm nóng một lần ở nhiệt độ trên 74 độ C.
Thịt ngan nạc, thơm ngon, có hàm lượng chất béo thấp hơn nhiều so với các giống vịt thông thường. Tuy nhiên, một số đối tượng nên hạn chế hoặc tránh ăn thịt ngan vì lý do sức khỏe:
- Người mắc bệnh tim mạch hoặc cholesterol cao: Dù ít béo hơn vịt, thịt ngan vẫn chứa chất béo bão hòa, đặc biệt trong phần da. Ăn quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol xấu, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo những người có bệnh lý tim mạch nên giới hạn chất béo bão hòa ở mức dưới 6% tổng lượng calo mỗi ngày.
- Người bị gout hoặc có axit uric cao: Thịt ngan chứa nhiều purin - hợp chất chuyển hóa thành axit uric. Những người dễ bị lên cơn gout nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu purin.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu: Những người đang điều trị ung thư, ghép tạng hoặc mắc bệnh suy giảm miễn dịch nên cẩn trọng khi ăn thịt gia cầm chưa được nấu chín kỹ, vì có thể dễ nhiễm khuẩn từ thực phẩm.

Theo VietNamNet