Chồng đầu của tôi mất sớm, khi tôi mới ngoài bốn mươi. Để lại tôi một mình với đứa con thơ dại. Những năm tháng đó, tôi không nghĩ nhiều đến chuyện tái hôn. Tôi sợ con tủi thân, sợ cảnh “mẹ ghẻ con chồng” éo le như trong những câu chuyện ngày xưa. Vậy nên tôi tự mình gồng gánh, vừa làm cha vừa làm mẹ, nuôi con khôn lớn.

Mãi cho đến năm nay, khi con đã trưởng thành, yên bề gia thất, lòng tôi mới chợt thấy trống trải. Ban ngày còn đỡ, chứ đêm về, căn nhà rộng quá mức im lìm. Tôi bắt đầu nghĩ, nếu có một người bạn đời lúc tuổi xế chiều, cùng bầu bạn sớm hôm, thì cuộc sống sẽ ấm áp hơn biết bao.

Rồi tôi gặp anh, một người đàn ông 54 tuổi, làm việc trong một cơ quan nhà nước. Anh hiền lành, có công việc ổn định, con cái đã trưởng thành cả. Một đứa đã lấy chồng, đứa kia cũng đi làm xa. Anh sống một mình, nhà cửa khang trang, tính tình điềm đạm.

Gặp gỡ, trò chuyện rồi yêu mến lúc nào không hay. Cả hai đều đã qua những mất mát, nên càng trân trọng sự có mặt của nhau. Tôi ngỡ mình tìm được bến đỗ bình yên sau bao năm dâu bể. Không do dự, chúng tôi quyết định đăng ký kết hôn chỉ sau năm tháng tìm hiểu.

Ngày nhận giấy chứng nhận kết hôn, tôi còn vui đến rưng rưng nước mắt. Trong lòng thầm nhủ: "Từ nay mình đã có người cùng sẻ chia sớm tối, không còn cô đơn nữa".

59 tuổi tái hôn với người đàn ông kém mình 5 tuổi sau 3 tháng sống chung tôi đã muốn ly hôn vì chưa từng có một đêm ngon giấc
Ảnh minh họa

Những ngày đầu chung sống, anh đối xử với tôi rất tốt. Anh để tôi toàn quyền quyết định chuyện trong nhà, thuê người giúp việc theo giờ để tôi không phải vất vả. Cuối tuần, anh cùng tôi đi dạo phố, thưởng thức những món ngon, hay đơn giản chỉ là nắm tay nhau đi giữa những con đường lát đá cũ kỹ.

Anh quan tâm tôi đến từng chi tiết nhỏ: mua quần áo đúng size, chọn món ăn hợp khẩu vị, luôn cố gắng khiến tôi cảm thấy mình được yêu thương.

Thế nhưng, cuộc đời đâu có gì hoàn hảo.

Tôi là người thính ngủ. Chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng đủ khiến tôi bừng tỉnh, rồi trằn trọc suốt đêm. Còn anh - vì tuổi tác, sức khoẻ giảm sút nên mỗi đêm thường dậy đi vệ sinh vài lần. Cứ mỗi lần anh cựa mình, tiếng dép lẹp xẹp vang lên trong đêm tối, là tôi lại tỉnh giấc. Ban đầu tôi cố nhắm mắt giả vờ ngủ, nghĩ mình rồi cũng sẽ quen thôi.

Nhưng không. Ba tháng trôi qua, tôi chưa có nổi một đêm ngon giấc. Mắt thâm quầng, tinh thần kiệt quệ, ban ngày đầu óc lơ mơ, lòng lúc nào cũng bực bội vô cớ.

Tôi từng nghĩ đến chuyện để anh ngủ riêng, nhưng lại sợ tổn thương tự ái anh, sợ rạn nứt tình cảm vợ chồng mới gầy dựng. Tôi cứ gồng mình chịu đựng, cho đến một ngày không thể chịu nổi nữa, buột miệng đề nghị ly hôn.

Anh sững sờ. Rồi giận dữ. Anh nói dù có thế nào cũng không muốn ly hôn. Thấy tôi rơi nước mắt, anh mới dịu xuống, ôm lấy tôi mà dỗ dành.

Biết được nguyên nhân là do bệnh lý tuổi già, anh tự mình đến bệnh viện khám. Anh chịu điều trị, thay đổi thói quen sinh hoạt, kiêng nước buổi tối, chăm chỉ đi khám bác sĩ. Sau gần một tháng kiên trì, tình trạng của anh đã cải thiện rõ rệt. Giờ đây, mỗi đêm anh chỉ thức dậy một lần, tôi cũng dễ dàng trở lại giấc ngủ hơn, không còn trằn trọc mệt mỏi như trước.

Những ngày tiếp theo, cuộc sống giữa chúng tôi dần ổn định hơn. Tôi nhận ra rằng, chỉ cần hai người cùng biết nhường nhịn, biết nghĩ cho đối phương, thì dù sinh hoạt có khác biệt, cũng có thể tìm được sự hòa hợp. Sóng gió nào rồi cũng sẽ qua, nếu trong lòng mỗi người còn giữ một chút yêu thương và bao dung dành cho nhau.

Ở tuổi 59, tôi hiểu ra: bình yên không phải là tìm được một người hoàn hảo, mà là cùng nhau hoàn thiện chính mình trong những ngày tháng còn lại của tuổi già.

Theo Thương Trường