
Sinh ra trong một gia đình nề nếp, bố làm giảng viên đại học, mẹ là nhân viên thư viện. Không quá giàu sang, nhưng nhà tôi yên bình và đầy đủ. Tôi lớn lên giữa những buổi cơm chiều ấm áp, những lần được bố đưa đi học, mẹ ân cần dắt tôi đi cắt tóc, mua sách.
Cho đến năm tôi lên 8 thì bố mẹ ly hôn.
Họ không cãi vã, không to tiếng cũng chẳng ai khóc lóc hay đập phá. Chỉ một hôm, mẹ lặng lẽ thu dọn đồ đạc, dắt tôi chuyển ra ngoài thuê trọ. Tôi từng hỏi, nhưng bà chỉ nhẹ nhàng trả lời: “Vì mẹ con mình cần một cuộc sống khác, nhẹ nhàng hơn.”
Tôi không hỏi nữa bởi tuổi thơ của tôi không có gì thiếu hụt. Vẫn được yêu thương, vẫn có bố mẹ thay phiên chăm sóc, vẫn đi học, vui chơi, lớn lên như bao đứa trẻ khác. Nhưng đâu đó trong lòng tôi luôn có một khoảng mờ, một câu hỏi không tên.
Phải đến tận năm tôi 28 tuổi, sự thật mới dần hé lộ. Hôm ấy, tôi dọn nhà để sửa sang lại căn phòng cho mẹ thì phát hiện ra một chiếc hộp gỗ nhỏ. Khi mở ra xem, tôi thấy bên trong là những bức thư tay đã ố vàng theo thời gian. Tôi nhận ra ngay nét chữ của bố.
“Anh xin lỗi. Anh biết anh không xứng với em. Nhưng anh không thể chối bỏ đứa trẻ đó, và càng không thể bỏ mặc mẹ nó. Em hãy làm gì cũng được, miễn là đừng để con mình tổn thương.”

Tôi sững người trong giây lát rồi vội vã cầm những bức thư ấy đi hỏi mẹ. Thì ra, bố tôi đã có con với một người phụ nữ khác. Không phải sau khi bố mẹ chia tay, mà là trong lúc vẫn còn là vợ chồng hợp pháp.
Người đó không ai xa lạ, là một đồng nghiệp mới được chuyển về khoa của bố. Một người phụ nữ sắc sảo, mạnh mẽ, đã từng một lần đổ vỡ và sống một mình nuôi con. Mẹ tôi biết chuyện ngay từ những ngày đầu, khi thấy bố thường về muộn, ánh mắt không còn ấm như trước, khi những cuộc gọi nửa đêm trở nên quen thuộc.
Bà không làm ầm lên, không đánh ghen cũng không kể cho ai nghe mà chỉ âm thầm chịu đựng. Bà hiểu rất rõ, một khi chuyện đó lộ ra, danh tiếng của bố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, không chỉ trong nhà trường mà còn trong xã hội.
Mẹ chọn cách im lặng không phải vì yếu đuối, mà vì muốn giữ cho bố một sự tôn trọng tối thiểu, và hơn hết, muốn tôi lớn lên với một tuổi thơ trọn vẹn, không tì vết.
Suốt gần 10 năm sau khi biết chuyện, bà vẫn sống cùng người đàn ông đã phản bội mình một cách lặng lẽ, không vì tình yêu mà vì tôi.
Tôi nhớ lại những bữa cơm chỉ có mẹ lặng lẽ ăn một mình. Những buổi sinh nhật mà bố "vắng mặt vì công việc đột xuất". Những đêm mẹ ngồi đọc sách trong ánh đèn mờ, nhưng ánh mắt lại ướt nhòa. Hóa ra, mẹ đã chọn chịu đựng tất cả, chọn nuốt trọn nỗi đau vào lòng, để tôi không bao giờ phải sống trong cảnh “gia đình không trọn vẹn”. Bà để tôi nghĩ rằng bố là người tốt, là người đàn ông tuyệt vời, dù chính ông là người khiến bà tổn thương đến heo hắt.
Và rồi, khi đã gồng mình đủ lâu, mẹ quyết định buông tay. Bà nhẹ nhàng dắt tôi ra khỏi căn nhà đó, không một lời than trách. Không ai biết lý do thật sự, bởi mẹ không nói với bất kỳ ai. Không vì hèn yếu, mà vì cao thượng đến đau lòng.
Tôi đã ngồi rất lâu bên chiếc hộp nhỏ ấy và bật khóc. Tôi không thể tưởng tượng nổi, tại sao mẹ có thể chịu đựng được những tổn thương và đau khổ như vậy suốt 20 năm qua một cách âm thầm, lặng lẽ như vậy? Có lẽ là vì tình yêu mà mẹ dành cho tôi. Mẹ thương tôi nhiều đến mức có thể vượt xa những tổn thương mà bản thân đã phải chịu đựng.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời, tôi thấu được cái giá của sự im lặng.
Giờ đây, tôi vẫn yêu bố, dù trong lòng có chút buồn bã, thất vọng. Nhưng tôi lại càng thương mẹ nhiều hơn, người đàn bà đã hy sinh cả thanh xuân để tôi được sống đủ đầy. Mẹ từng nói: “Không ai nên lớn lên với ký ức về một người cha phản bội. Con xứng đáng với một tuổi thơ trọn vẹn hơn sự thật tàn nhẫn đó.”
Và bà đã làm được điều ấy theo cách âm thầm, cao cả và thật trọn vẹn.
Có những người đã câm nín cả đời chỉ để giữ cho người khác một hình ảnh đẹp. Có những người đã đau đớn đến tận cùng, nhưng chỉ mong con mình được mỉm cười vô tư. Mẹ tôi, một người phụ nữ "lặng lẽ" khiến tôi đau lòng!.

Theo Thương Trường