
Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người chia sẻ quan điểm về vấn đề “nóng”, liên quan sát sườn đến từng gia đình có con đang trong độ tuổi đến lớp là dạy thêm học thêm.
Một phụ huynh cho rằng, quy định mới hạn chế 3 trường hợp được học thêm trong nhà trường nên học sinh bị đẩy ra các trung tâm. Các gia đình phải chi tiền học gấp đôi so với trước đây được học với chính giáo viên ở nhà nên phụ huynh phải chịu thiệt.
“Mỗi tiết có 45 phút, học sinh chưa thể hiểu hết bài trong khi gia đình vẫn muốn con học chuyên sâu về Toán và các môn khác không có cách nào khác ngoài gửi gắm thầy cô học thêm”, phụ huynh này nói.

Cũng có phụ huynh cho rằng, muốn giỏi thì phải học và học thêm và đó là nhu cầu không nên cấm. Phụ huynh rất muốn sát sao đồng hành với con nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện về thời gian, trình độ, phương pháp.
Bố mẹ ngồi cùng bàn với con 15 phút đã trở thành "cuộc chiến" đẫm nước mắt. Còn để cho trẻ tự học là rất khó vì giữa học và chơi con sẽ chọn chơi hoặc không biết cách để học hiệu quả. Do đó, lâu nay phụ huynh có tâm lý “trăm sự nhờ thầy cô” cũng vì lẽ đó.
Chị Nguyễn Thị Ngà, phụ huynh tại Hà Nội nói rằng, khi nào vẫn còn thi cử khó khăn, cạnh tranh vào các trường học khốc liệt thì vẫn tồn tại học thêm. Phụ huynh ai cũng muốn con được vào trường tốt, học thầy cô tốt. Do đó, thay vì “cấm” dạy thêm học thêm, ngành giáo dục cần phải đổi mới kiểm tra đánh giá, thi cử, phổ cập giáo dục bậc THPT, không còn tình trạng thiếu trường công lập sẽ không còn học thêm.
"Khi đó, chỉ còn những học sinh thực sự có nhu cầu thi vào các trường đại học lớn mới đi học thêm. Hiện nay, tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội và một số thành phố lớn vẫn cạnh tranh khốc liệt hơn cả đại học; thi tuyển vào lớp 6 trường chất lượng cao, trường năng khiếu sẽ còn đi học thêm”.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh vui mừng, ủng hộ Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT khi có các nội dung quy định quản lý dạy thêm học thêm cả trong và ngoài nhà trường.
Theo một phụ huynh, “cấm” dạy thêm học thêm là chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT và nếu ngành cũng như các địa phương thực hiện nghiêm túc có thể xóa bỏ được vấn nạn “ép” học sinh học thêm tràn lan bấy lâu nay. Phụ huynh mong Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT có đường dây nóng cho người dân phán ánh vì với các quy định đưa ra, thực tế sẽ có những người, những nơi tìm cách lách luật, biến tướng. Học sinh vẫn phải đến các trung tâm học thêm với các thầy cô giáo ở trường nhưng đổi chéo cho nhau và thu phí cao hơn trước.
Mong đủ trường lớp, giãn sĩ số
Không ít phụ huynh cho rằng, với thực tế nhiều nơi thiếu trường, lớp, thiếu giáo viên dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao. Lớp hơn 40 học sinh và học tiếng Anh như hiện nay trong các trường công lập là không hiệu quả. Do đó, dù không mong muốn, phụ huynh vẫn đang phải tìm thầy, tìm lớp, bỏ tiền cho con học thêm để trang bị năng lực ngoại ngữ.
Về giải pháp hiệu quả tăng cường quản lý dạy thêm học thêm, có ý kiến mong muốn, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương quyết liệt tăng cường cơ sở vật chất, trường học để đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp đối với tiểu học; 40 học sinh/lớp đối với THCS. Những môn học đặc thù như Tin học, Mỹ Thuật, Ngoại ngữ cần đảm bảo đủ phòng học chức năng và phân chia số học sinh/lớp hợp lý, đảm bảo học hiệu quả.
Giảm áp lực thành tích đối với giáo viên để đội ngũ và các nhà trường không đặt nặng vấn đề điểm số. Hiện nay, ở bậc tiểu học, học sinh vẫn được cho điểm 9, 10 tràn lan nhưng điểm số đó không phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh.
Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần có giải pháp đối với việc đề kiểm tra, thi cử nặng vượt quá năng lực học sinh. Nhiều học sinh, phụ huynh phản ánh, trong quá trình học, giáo viên vẫn ra những đề thi khó, nhiều em "sốc" vì đạt điểm dưới trung bình. Về cơ bản, đề thi sẽ chi phối cách dạy học ở các nhà trường phổ thông cũng như học thêm. Do đó, mục tiêu, định hướng chương trình GDPT 2018 nhằm phát triển năng lực học sinh thì yêu cầu thi cử cũng theo hướng đó.
Cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên tiểu học một trường tại Hà Tĩnh cho biết, có gần 20 năm đứng lớp nhưng cô chưa bao giờ dạy thêm. Học sinh hiện nay đã được học 2 buổi/ngày nên cô trò có đủ thời gian để truyền đạt kiến thức, sáng tạo các hình thức dạy học cũng như hoàn thiện bài tập để không cần phải học thêm vẫn đảm bảo yêu cầu cần đạt.
Cô Tuyết cũng không đồng tình với tình trạng, trẻ mầm non 5 tuổi đã phải đi học tiền tiểu học và học sinh lớp 1, 2 học cả ngày ở trường, buổi tối, ngày nghỉ cuối tuần vẫn cắp cặp đến nhà thầy cô học thêm.
Tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT không khuyến khích học thêm, dạy thêm bằng mọi giải pháp. Bộ GD&ĐT đã có một kênh tiếp nhận và phản ánh, trong đó, tiếp nhận cả những đơn thư của phụ huynh học sinh về những hình thức dạy học biến tướng của học thêm, dạy thêm và có báo cáo, xác minh, xử lý. Chấm dứt dạy thêm học thêm, bây giờ không còn là dự lệnh nữa, mà phải trở thành mệnh lệnh của toàn ngành vì chất lượng học sinh. Mệnh lệnh để giáo dục học sinh phát triển toàn diện, mệnh lệnh thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, theo yêu cầu chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và T.Ư, đưa giáo dục trở lại đúng nguyên lý của giáo dục vốn có, trả lại tuổi thơ cho học sinh. |

Theo Tiền Phong