![]() |
“Nói thật tôi coi chồng như đứa trẻ trong nhà vì suốt 10 năm nay anh ấy không có trách nhiệm gì về tài chính trong chuyện nuôi hai đứa con và chi tiêu gia đình. Anh xem đó là những chuyện nhỏ, và để mặc tôi phải gánh vác cả gánh nặng tài chính chi tiêu trong gia đình” - Đây là tâm sự của Ngọc, kế toán một công ty xây dựng tại Hà Nội.
Ngọc không phải là trường hợp đặc biệt. Mặc dù phần đông đàn ông đều có trách nhiệm tài chính gia đình nhưng không hiếm các bà vợ bị rơi vào tình trạng chồng “giao” hẳn trách nhiệm nuôi con cả về công sức, cả về tiền bạc.
Các ông chồng này có suy nghĩ, việc nuôi con và chi tiêu trong gia đình là việc nhỏ nên giao cho vợ lo. Còn mình thì tung tẩy lo việc lớn như mua nhà mua cửa, mua ô tô hay các tiện nghi trong nhà.
Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc & Kỹ năng cuộc sống nhận được khá nhiều cuộc điện thoại liên quan đến vấn đề này.
Mai - Nhân viên một công ty truyền thông gọi điện đến Trung tâm - cho biết: Hơn 10 năm nay, thu nhập 10 triệu đồng/tháng nhưng dường như cô phải trang trải hết mọi chi tiêu trong nhà. Đến nỗi dường như tiền lương của cô không dư được đồng nào vì phải một mình “ghánh” việc nuôi con và chi tiêu cho gia đình.
Những năm đầu Mai còn tự nguyện chi, nhưng mãi cô thấy việc đó thật phi lý. Gia đình là của chung, con cái cũng là của chung nhưng dường như chỉ mình cô đóng góp công sức và tiền bạc cho gia đình.
Một lần Mai ngồi nói chuyện nghiêm túc với chồng về vấn đề trách nhiệm với gia đình, Tuấn bảo: “Em cứ lo việc chi tiêu cho gia đình đi, còn anh lo việc nhà cửa”. Tin lời chồng, kết cục suốt từ ngày lấy nhau đến nay, Mai một mình còng lưng nuôi cả gia đình. Còn việc mua nhà cửa của chồng thì chẳng thấy tăm hơi đâu. Họ vẫn phải ở căn hộ tập thể bé xíu bố mẹ mua cho từ hồi cưới.
Cay đắng nhận ra sự thật thì đã quá muộn, vì suốt 10 năm qua, chồng Mai đã ỉ lại toàn bộ gia đình con cái cho Mai. Tuấn cũng kiếm ra tiền nhưng chi tiêu linh tinh và thậm chí còn bài bạc nữa.
Đề ra nguyên tắc tài chính trước khi cưới sẽ đảm bảo hạnh phúc về sau
Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng tư tưởng phong kiến, một số đàn ông Việt Nam vẫn coi việc nuôi dạy con là của phụ nữ.
Một nguyên nhân khác mang đặc tính tự nhiên. Khi con còn nhỏ thì sự ràng buộc giữa con cái và người mẹ lớn hơn bố. Khi con khóc, con đói, con ốm, con đau…chỉ có người mẹ là người nặng lòng nhất. Con trẻ mới rời núm ruột của họ nên có những đặc điểm thuộc về bản tính tự nhiên, người phụ nữ khó mà bỏ mặc con, khó mà “vô trách nhiệm” với con như người đàn ông.
Ở nước ngoài có luật rất chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm về tài chính của người chồng. Quy định của pháp luật về trách nhiệm tài chính của người cha vừa có tác dụng san sẻ gánh nặng nuôi dạy con cho người phụ nữ vừa có tác dụng đảm bảo quyền của một đứa trẻ khi sinh ra.
Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, để bảo vệ mình và lo xa chuyện con cái, người phụ nữ nên đề ra một nguyên tắc về tài chính ngay từ trước khi cưới. Có được sự đảm bảo về trách nhiệm tài chính của người chồng sẽ là điều kiện tiên quyết đến sự bền vững và hạnh phúc gia đình về sau.