Câu view bất chấp - thuốc độc YouTube tự pha chế

Thuật toán ưu tiên những nội dung gây tranh cãi khiến nhiều nhà sáng tạo trên YouTube chuyển hướng sang những nội dung câu view rẻ tiền, bất chấp đạo đức

Thuật toán ưu tiên những nội dung gây tranh cãi khiến nhiều nhà sáng tạo trên YouTube chuyển hướng sang những nội dung câu view rẻ tiền, bất chấp đạo đức.

Cộng đồng mạng tại Việt Nam thời gian qua tranh cãi về đoạn video do YouTuber Khoa Pug thực hiện tại Nhật với tiêu đề "Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn". Sau khi đăng tải ngày 1/11, video đã nhận nhiều phản ứng tiêu cực vì cách giật tít gây tranh cãi, phụ đề bên trong trái với diễn biến và lời nói của nhân vật trong clip.

Khoa Pug (tên thật Nguyễn Anh Khoa) nổi lên như một hiện tượng trên YouTube năm 2019. Nhiều video của Khoa mang chủ đề kích động, gây tranh cãi. Các video này có những “công thức” chung như sử dụng hình ảnh phụ nữ, giả nghèo, rêu rao bị khinh thường để thu hút người xem.

Câu view bất chấp - thuốc độc YouTube tự pha chế-1

Nhiều video của Khoa Pug có “công thức” chung như sử dụng hình ảnh phụ nữ, giả nghèo, rêu rao bị khinh thường để thu hút người xem.

Thực tế việc YouTuber sử dụng những câu chuyện gây tranh cãi, thậm chí gần như bịa đặt để thu hút lượt xem là chuyện cơm bữa. Nhiều YouTuber Việt còn làm những nội dung gây tranh cãi hơn như xã hội mạng, các thử thách nguy hiểm, ngớ ngẩn...

Thuật toán khuyến khích nội dung xấu, gây tranh cãi

Các nội dung xấu, độc tràn ngập trên YouTube khiến những người làm nội dung chân chính và có ích bị lép vế, thiệt hại về doanh thu. Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà những nội dung xấu, gây tranh cãi được nhiều người tập trung khai thác trên YouTube.

Người làm nội dung chân chính và nội dung “bẩn” đều có chung mục đích là kiếm được lượt xem, từ đó có thể kiếm tiền từ quảng cáo đặt trên video. Một trong những cách thu hút người xem hiệu quả nhất là tự hệ thống gợi ý của YouTube.

Tuy nhiên, tiêu chí để YouTube để gợi ý các video lại không nằm ở chất lượng nội dung. Guillaume Chaslot - cựu nhân viên của Google từng làm việc với thuật toán đề xuất - chỉ rõ vấn đề của thuật toán này. 

“Thật tệ là YouTube lại sử dụng AI để đề xuất video cho bạn. Nếu nó hoạt động đúng, nó sẽ giúp bạn tìm được chính xác thứ mình muốn, điều đó thực sự rất tuyệt", Chaslot nói với TNW. 

Câu view bất chấp - thuốc độc YouTube tự pha chế-2

Cựu nhân viên Google Guillaume Chaslot tiết lộ thuật toán của YouTube chỉ có mục tiêu duy nhất là kéo dài thời gian người xem trên YouTube. Ảnh: AlgoTransparency.

"Tuy nhiên, vấn đề là trí tuệ nhân tạo không được tạo nên để cho bạn thấy thứ mình muốn, mà để bạn nghiện YouTube. Hệ thống đề xuất được thiết kế để tiêu tốn thời gian của người dùng”, Chaslot nhấn mạnh.

Theo Chaslot, tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một đề xuất ”thành công” là thời gian xem. Thời gian xem càng dài, YouTube càng hiển thị được nhiều quảng cáo hơn tới người dùng, nhưng đó không hẳn là những gì người dùng muốn.

Chính vì YouTube nhấn mạnh vào thời gian xem, những nội dung như thuyết âm mưu, tin giả sẽ được đề xuất thường xuyên hơn. Càng có nội dung nhạy cảm, gây tranh cãi, video càng dễ khiến người xem bấm vào và xem lâu hơn, và lại càng được hệ thống đề xuất nhiều hơn.

Những nội dung như thế này được xếp vào dạng “nhạy cảm”, tức là không vi phạm chính sách của YouTube nhưng vẫn chứa những chủ đề gây khó chịu hoặc xúc phạm đối tượng cụ thể.

“Chúng ta phải nhận ra rằng hệ thống đề xuất của YouTube độc hại và làm sai lệch mọi sự tranh luận. Hiện tại, hệ thống này thúc đẩy các nội dung nhạy cảm, không bị cấm nhưng thu hút sự quan tâm”, Chaslot khẳng định.

Tất nhiên, nếu một người dùng thích xem các chủ đề đặc thù như âm nhạc hoặc game, hệ thống đề xuất vẫn có thể đem lại những video đúng gu họ thích.

Vấn đề là nhiều người coi YouTube như một kênh thông tin và giải trí nói chung, và họ có thể dễ dàng chìm vào ma trận thông tin sai lệch, tin giả hay những chủ đề nhạy cảm trên YouTube.

Khi YouTube công bố đổi thuật toán để ưu tiên thời gian xem hơn là số lượt xem vào năm 2012, họ cho biết thay đổi này sẽ giúp các nhà sáng tạo nội dung có thời gian xem lâu hơn. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc kiểm soát nội dung theo hướng tích cực.

“Trên YouTube, những câu chuyện tưởng tượng còn được yêu thích hơn những gì có thật”, Chaslot nói.

Thu nhận những nhà sáng tạo bất chấp đạo đức

Không phải lúc nào YouTube cũng ưu tiên thời gian xem hơn là chất lượng nội dung. Những năm đầu ra đời, mạng xã hội này thu hút được rất nhiều nhà sáng tạo bởi nó hoạt động như một sân chơi cho những người làm nội dung độc lập, không phụ thuộc vào những mạng lưới truyền hình lớn.

Trong năm 2015, khi YouTube tập trung đầu tư cho những tên tuổi hàng đầu, nội dung trên nền tảng này phát triển rất đa dạng. Các nội dung diễn hài, game, làm đẹp, vlog đều bùng nổ. Có những loại nội dung thực sự chỉ trở nên nổi tiếng từ YouTube, như các thể loại mở hộp sản phẩm, bóc đồ chơi…

Bước ngoặt của YouTube đến vào tháng 1/2017, khi nền tảng video ngắn Vine đóng cửa. Hàng loạt ngôi sao ở Vine đổ bộ lên YouTube. Do video trên Vine chỉ kéo dài 6 giây, những ngôi sao của Vine biết rõ cách thu hút người xem một cách nhanh gọn nhất. 

Câu view bất chấp - thuốc độc YouTube tự pha chế-3

Những ngôi sao đổ bộ từ Vine cũng mang theo cách làm nội dung nguy hiểm, bạt mạng và gây tranh cãi. Đồ họa: Duy Nguyễn.

David Dobrik, Liza Koshy và nhất là anh em Jake, Logan Paul nhanh chóng có được thành công trên YouTube. Những "ngôi sao" này kéo theo một dạng nội dung mới, khuyến khích những trò nghịch nguy hiểm.

Logan Paul từng giả vờ bị bắn chết trước mặt fan. Jake Paul lao xe máy xuống bể bơi. David Dobrik ghi lại cảnh người bạn của mình nhảy khỏi cửa sổ xe đang chạy. Những trò nghịch nguy hiểm này lại khiến mọi người chú ý.

Bất chấp những sự phản đối và lùm xùm ngoài đời, anh em nhà Paul vẫn được YouTube o bế và đưa vào chương trình ưu tiên quảng cáo. Các thương hiệu lớn tìm đến họ, kể cả khi nội dung video phản cảm và nguy hiểm.

Các chuyên gia truyền thông đều cảnh báo đây là một sự thành công không bền vững, ngoại trừ YouTube. Chính PewDiePie cũng phải nhận xét rằng đúng và sai không tồn tại nếu muốn bắt kịp những sự thay đổi của YouTube.

Đòn chí mạng của YouTube đến vào năm 2018, khi Logan Paul đăng tải video quay trong cánh rừng tự tử của Nhật ngay ngày đầu năm. Chỉ sau vài giờ, làn sóng phản đối Logan Paul đã trở nên không thể kiểm soát. YouTube tiếp tục dùng những chiêu bài cũ để xử lý: thay đổi chính sách quảng cáo và tắt bớt kiếm tiền.

Từ cuối năm 2018, một loạt YouTuber lâu năm lên tiếng bày tỏ sự mệt mỏi khi liên tục phải tìm cách đối phó với những thay đổi của nền tảng.

PewDiePie từng thừa nhận kiệt sức vì không thể dừng làm việc, bởi dừng lại đồng nghĩa với tự hại kênh của mình.

Giữa năm 2019, Christine Sydelko, người chuyển sang YouTube từ nền tảng Vine cũng tuyên bố từ bỏ kênh YouTube hơn 1 triệu lượt theo dõi của mình, bởi cô nhận ra quyền riêng tư quan trọng hơn là sự nổi tiếng.

"Thời còn làm cũng vui đấy, nhưng tôi tôn trọng sự riêng tư của mình hơn là lượng người theo dõi. Hẹn gặp lại", Sydelko viết trên Twitter.

YouTube phải khắc phục những sai lầm của mình

Sử dụng thuật toán khuyến khích nội dung xấu, sau đó lại ưu ái, o bế những nhà sáng tạo gây tranh cãi, YouTube đã tự “đầu độc” nền tảng của chính mình. Từ năm 2017 đến nay, hãng liên tiếp vướng vào những scandal về nội dung xấu.

Năm 2017, loạt clip phản cảm sử dụng các nhân vật hoạt hình hoặc siêu anh hùng hướng tới trẻ em bị phát hiện. Các nhãn hàng nhanh chóng lên tiếng cảnh báo hay thậm chí cắt quảng cáo với YouTube vì để hình ảnh thương hiệu họ xuất hiện trong các video không phù hợp.

Những sự việc như vậy rõ ràng ảnh hưởng trực tiếp tới “nồi cơm” của YouTube, khi họ mất doanh thu quảng cáo.

Câu view bất chấp - thuốc độc YouTube tự pha chế-4

YouTube giờ đây phải nỗ lực sửa chữa những sai lầm do chính mình gây ra. Ảnh: Bloomberg.

“Khi rót tiền vào cho một kênh quảng bá thảm họa, các doanh nghiệp chưa lường trước những khủng hoảng sẽ xảy ra sau đó. Một số trường hợp các mẫu quảng cáo hiển thị ngẫu nhiên trên những nội dung xúc phạm chính quyền, nếu bị người dùng chụp lại, rủi ro khủng hoảng khó lường trước được. Trong trường hợp này, doanh nghiệp là bên bị cơ quan chức năng xử lý đầu tiên”, thạc sĩ Đặng Thị Kim Chi, giảng viên ngành quan hệ công chúng Đại học Văn Lang, TP.HCM cho biết.

Tại nhiều nước, mô hình quản lý theo mạng lưới (network) cũng bị lợi dụng để kiếm tiền, trong khi YouTube phó thác kiểm duyệt cho mạng lưới. Nhiều kênh trả tiền để được tham gia mạng lưới, bật kiếm tiền, sau đó sử dụng nội dung xấu để có doanh thu từ YouTube.

CEO Susan Wojcicki, người đứng đầu YouTube, từng thừa nhận các rắc rối của nền tảng trong vài năm qua "là vấn đề của tôi, và tôi sẽ giải quyết nó" trong một bài phỏng vấn với New York Times đầu năm 2019. Quả thật họ đã đưa ra nhiều thay đổi trong năm nay.

Đầu năm, YouTube tuyên bố đang thay đổi thuật toán để trang web ngừng gợi ý các video kiểu như “thuyết âm mưu”.

Bên cạnh đó, YouTube cho biết họ tìm cách khắc phục bằng việc tăng thêm nhân sự để quản lý những nội dung gây tranh cãi. Tuy nhiên với khối lượng video đồ sộ được tải lên (400 giờ mỗi phút), việc sử dụng sức người để giải quyết vấn được cho là không khả quan.

Đống lộn xộn hiện tại chính là hậu quả từ chính sách thả cửa của YouTube một thời. Giống như những loại đồ ăn nhanh, rất hấp dẫn nhưng hại sức khỏe, YouTube giờ đây cần phải “ăn kiêng”, tự nghiêm khắc với chính mình nếu muốn lấy lại uy tín một thời. Việc đó chắc chắn không hề dễ dàng.

"Ở đây không có một cái công tắc nào mà chúng tôi cứ thế tắt đi, rồi coi như mọi thứ đã được giải quyết. Chuyện phức tạp hơn thế nhiều", bà Wojcicki thừa nhận

Theo Zing.vn


YouTube


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.