Tôi lấy chồng năm 21 tuổi, không phải vì yêu mà vì mẹ tôi bắt lấy. Sau khi bố mất vì bệnh nặng, gia đình chúng tôi rơi vào cảnh khánh kiệt. Mẹ tôi quyết tâm gả tôi cho một người đàn ông giàu có để đổi lấy khoản tiền lo cưới vợ cho anh trai.

Chồng tôi, hơn tôi 10 tuổi, đi tập tễnh và hơi có vấn đề tâm lý nhẹ do di chứng tai nạn lúc nhỏ nhưng nhà anh mở siêu thị nên cũng có tiền. Tôi từng phản kháng, từng khóc lóc, nhưng mẹ tôi nói thẳng: “Chân thọt cũng được, hâm hấp cũng được, miễn là có tiền.” Vậy là tôi bị ép gả đi như món hàng đổi chác.

Ngày cưới, nhà chồng đưa 200 triệu như đã hứa. Mẹ tôi lấy sạch, không để lại một đồng hồi môn cho tôi. Sau đó là một cuộc sống cô độc: chồng vô tâm, thiếu sự hiểu biết, mẹ chồng chỉ mong có cháu trai, còn mẹ tôi thì suốt ngày gọi điện đòi tiền.

Tôi sinh con gái, chẳng ai mừng. Mẹ chồng nói thẳng, 100 triệu thưởng sinh con gái sẽ “để sau tính”, còn mẹ tôi thì đến chăm con cháu chỉ vì được hứa trả 10 triệu. Rồi bà bắt tôi đưa lại 90 triệu với lý do: “Ngày xưa nhà trai hứa sinh con gái thưởng 100 triệu, tiền đó là của mẹ đấy nhé.”

Tôi đã quá quen với việc bị lợi dụng. Từ nhỏ tôi sống trong một gia đình mà tôi không phải con gái, mà là một “kênh tài chính”. Mẹ tôi chỉ quan tâm đến việc làm sao tôi có thể đem về tiền để cưới vợ cho anh tôi, người đàn ông đã hơn ba mươi, không công việc, lại có khuyết tật nhẹ ở tay. Còn tôi, tôi không có tiếng nói nào trong chính cuộc đời mình.

Vài năm sau, tôi lại mang thai và đứa bé xuất hiện theo cách tôi không hề mong muốn. Tôi muốn bỏ, nhưng không được. Cả nhà canh chừng tôi như tội phạm. Cuối cùng, tôi sinh con trai. Mẹ chồng cười rạng rỡ, còn tôi chỉ thấy trống rỗng.

Đến lễ đầy tháng của con trai, gia đình mở tiệc linh đình, đãi 15 mâm cỗ. Mẹ tôi cùng anh trai và chị dâu đến sớm, ôm theo hai hộp sữa. Sau bữa tiệc, bà bất ngờ đòi chồng tôi đưa 290 triệu: “100 triệu thưởng con gái, 200 triệu thưởng con trai, ngày xưa nhà anh hứa đấy!”

Đầy tháng con trai mẹ tôi mang theo hai hộp sữa nhưng lại đòi con rể 290 triệu thái độ của chồng khiến tôi bất lực
Ảnh minh họa

Hóa ra, ngày xưa mẹ tôi lén nghe được một cuộc trò chuyện giữa người làm mối và mẹ chồng tôi, rằng nếu sinh con gái sẽ thưởng 100 triệu, sinh con trai thì 200 triệu, tiền này có thể gửi về cho bên ngoại nếu họ muốn.

Nhưng đó chỉ là lời nói miệng. Chồng tôi nói không biết, mẹ chồng thì phủ nhận. Mẹ tôi tức đến điên người, lôi cả anh tôi và chị dâu ra làm chứng, nhưng chẳng có giấy tờ gì. Rồi bà mất kiểm soát, quay sang chửi rủa chồng tôi: “Chân mày què, mày hâm hấp là quả báo, đáng đời!”

Không khí trở nên trùng xuống. Mẹ chồng xông vào cấu xé mẹ tôi, anh tôi đẩy ngã bà. Chồng tôi vớ cái đĩa đập vào đầu anh tôi. Con tôi khóc thét còn tôi chỉ biết đứng nhìn mà lòng chua chát. 

Cuối cùng, mẹ tôi cũng nhận được 100 triệu, nhưng không phải từ nhà chồng tôi mà đó là số tiền anh tôi phải trả để dàn xếp vụ xô xát. Trước khi ra về, bà quay sang tôi: “Từ nay đừng vác mặt về nhà nữa.” Tôi chỉ nói: “Mẹ yên tâm.”

Chồng tôi đổ hết mọi bực tức lên đầu tôi, như thường lệ. Nhưng lần này tôi không chịu đựng nữa. Tôi đề nghị ly hôn. Sau nhiều tháng căng thẳng, tôi giành được quyền nuôi con gái, còn con trai tôi để lại vì chưa đủ khả năng nuôi cả hai. Tôi nhận được 400 triệu, coi như cái giá để đổi lại sự tự do.

Tôi từng không dám đấu tranh, từng nhẫn nhục vì nghĩ đó là cách duy nhất để tồn tại. Nhưng đến lúc không thể thở nổi nữa, tôi mới hiểu: Nếu không vì mình, sẽ không ai vì mình cả. Mẹ tôi chưa từng yêu thương tôi như một đứa con, vậy hà cớ gì tôi phải hi sinh vì bà?

Nếu được quay lại, tôi sẽ chọn khác. Sẽ không để ai quyết định cuộc đời mình, nhất là người coi tôi như món hàng để đổi chác.

Hôn nhân không phải là tấm vé đổi đời cho ai cả, cũng chẳng phải công cụ để trả nợ cho cha mẹ hay gia đình. Là phụ nữ, đừng bao giờ từ bỏ quyền làm chủ vận mệnh của mình.

Theo Thương Trường