Bộ GD&ĐT lên tiếng về bức ảnh 'cả lớp nhận giấy khen mình em lạc lõng'

Đến hẹn lại lên, ở không ít trường học, giấy khen lại được phát như tờ rơi quảng cáo. Lớp học có mấy chục học sinh, phần lớn sẽ nhận giấy khen nhiều loại khác nhau.

Mấy ngày nay dư luận xôn xao vì bức ảnh “cả lớp nhận giấy khen mình em lạc lõng” chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, ở khắp các diễn đàn, trang cá nhân của nhiều người. Bối cảnh là một lớp học tiểu học, tất cả học sinh trong lớp đều giơ giấy khen, chỉ duy nhất cậu học trò ngồi đầu bàn là không có giấy khen trong tay.

Bộ GD&ĐT lên tiếng về bức ảnh cả lớp nhận giấy khen mình em lạc lõng-1

Trong khi tất cả các bạn giơ giấy khen lên, có thể là để chụp hình, cậu học trò trở nên "nổi bật" một cách nhỏ bé và lẻ loi. Theo góc ảnh thì người chụp đứng hướng trên bục giảng nhìn xuống quang cảnh.

Nhiều người cho rằng một lớp học với 40 học sinh nhưng có đến 39 bạn nhận được giấy khen là biểu hiện bệnh thành tích. Khi giấy khen được phát như 'tờ rơi quảng cáo', học sinh không được nhận giấy khen bỗng nhiên trở thành đặc biệt.

Những người khác còn cho rằng việc tất cả các học sinh giơ giấy khen chụp ảnh vô tình đã làm tổn thương và là hành động thiếu nhân văn với em học sinh duy nhất trong lớp không nhận được giấy khen.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Về hình thức khen, có nhiều cách khác như: khen bằng lời khích lệ, khen bằng biểu dương trên lớp... chứ không nhất thiết phải phát giấy khen mới là khen.

"Việc lạm dụng giấy khen không đúng thực tế đã được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo để có những điều chỉnh.

Bức ảnh nói trên nếu có thật thì giáo viên đang làm sai hướng dẫn, sai quan điểm của Bộ GD&ĐT trong đánh giá học sinh, đó là không được so sánh học sinh này với học sinh khác", ông Thái Văn Tài chia sẻ.

Ông Tài phân tích, nếu phê bình, nhắc nhở cũng không được phê bình trước lớp mà giáo viên cần gặp riêng các con hoặc phụ huynh, bởi lẽ độ tuổi này rất nhạy cảm. Điều này còn thể hiện nghiệp vụ, lương tâm nghề nghiệp của giáo viên.

Ông Thái Văn Tài cho biết, việc đổi mới đánh giá học sinh ở các bậc học, trong đó có bậc tiểu học đã được ngành Giáo dục thực hiện trong nhiều năm qua, được xã hội đồng thuận và dần đi vào thực chất.

Cụ thể là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.

Hiện, Bộ GD&ĐT đã dự thảo thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học; hình thức khen thưởng trong dự thảo Thông tư này đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

"Việc khen không đúng thực chất, khen không đúng bản chất còn tồn tại ở một số cơ sở giáo dục cần được tiếp tục khắc phục trong thời gian tới", ông Thái Văn Tài nhấn mạnh.

Theo Infonet


học sinh

giấy khen


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.