Bộ GD&ĐT sẽ 'cởi trói' để giáo viên dạy thêm như thế nào?

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, chính đáng và Bộ GD&ĐT ra quy định để quản lý những việc đó. Tức là việc học thêm, nếu có, không phải nhằm mục tiêu để đạt được yêu cầu của chương trình. Do đó, việc học thêm là sự tự nguyện của người dân.

Những ngày qua, dư luận nóng lên khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến đến hết ngày 22/10. Dự thảo làm dấy lên nhiều tranh luận và câu hỏi, đặc biệt về nội dung không cấm giáo viên được dạy thêm ngoài trường.

Quy định mới này có thể mang đến những thay đổi đáng kể cho giáo viên, phụ huynh và học sinh. Liệu lần này có tránh được những "tai tiếng" như trước đó?

Theo dự thảo mới về dạy thêm, học thêm, giáo viên được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường, chỉ cần báo cáo và lập danh sách (gồm họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép học trò học thêm. Ngoài ra, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

Về Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay, khi học sinh đã học và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình phổ thông 2018 nhưng có nhu cầu học tập thêm ở trong và ngoài nhà trường để nâng cao năng lực ở một số môn học lại là câu chuyện khác.

Việc này là nhu cầu có thực, chính đáng và Bộ GD&ĐT ra quy định để quản lý những việc đó. Tức là việc học thêm, nếu có, không phải nhằm mục tiêu để đạt được yêu cầu của chương trình. Do đó, việc học thêm là sự tự nguyện của người dân.

Ông Thành nhấn mạnh, trường nào tổ chức dạy thêm, học thêm, phải nói rõ lý do, mục tiêu hướng đến là gì. Như vậy, lý do không thể là để đảm bảo đạt mục tiêu của chương trình phổ thông.

“Việc này cha mẹ học sinh phải tính toán. Việc học thêm với bản chất không nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mà nhằm phát triển hơn về năng lực của con em có lẽ nếu cần cũng chỉ 1-2 môn. Bộ GD&ĐT quy định về việc dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo việc này nếu có diễn ra thì được thực hiện minh bạch, tự nguyện, chứ không phải là khuyến khích học sinh phải đi học thêm”, ông Thành nói.

Làm sao xóa bất công trong việc đi học thêm?

Nhiều phụ huynh khi được hỏi lại thể hiện sự lo lắng trước dự kiến không cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình ngoài trường vì lo ngại điều này có thể gây ra hoặc làm nặng nề thêm tình trạng bất công trong trường học.

Chị Nguyễn Thùy Linh, phụ huynh có con đang học lớp 5 của một trường ngoại thành Hà Nội cho rằng, quy định cho phép giáo viên dạy thêm với học sinh của lớp mình vô tình có thể tạo ra sự thiên vị khi cho điểm giữa các học sinh cùng lớp.

Bởi theo phụ huynh này, học sinh nào đi học thêm thường dễ biết đáp án các đề thi, bài kiểm tra, và khỏi cần chăm chỉ, nỗ lực thì vẫn đạt điểm cao trong khi không học thêm thì học sinh dễ bị giáo viên có "ác cảm".

Anh Ngô Văn Thắng (Q. Tây Hồ) Hà Nội cho rằng, anh đồng ý với phương án cho dạy thêm tự do. Vì giờ không có quy định, con anh tuy không học thêm giáo viên của trường mà học thêm các giáo viên nổi tiếng ở trường khác rất nhiều môn. Vì thế, dù có quy định giáo viên được dạy thêm hay không không ảnh hưởng đến việc học thêm của con.

Tuy nhiên, theo anh Thắng, trong “cuộc đua” học thêm, dạy thêm, rõ ràng con em các gia đình khó khăn sẽ chịu sự thiệt thòi khi cha mẹ các em không có điều kiện cho con tham gia các lớp học thêm.

Mặt khác, phụ huynh cho rằng, sẽ rất khó để kiểm soát được việc giáo viên có ép buộc học sinh học thêm hay không. Thực tế, không ít người dạy đã gây sức ép cho phụ huynh và học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.

Nhiều phụ huynh thừa nhận, áp lực về học thêm không chỉ nặng nề với học sinh mà còn với cả phụ huynh. Học thêm là cuộc chạy đua mà do nhiều cha mẹ lo lắng con mình thua kém các bạn đi học thêm hay có thể bị thiệt thòi khi trên lớp, nên cố gắng cho con đi học.

Giáo viên đề xuất gì?

Trước lo ngại của phụ huynh khi trường tổ chức học thêm dù có lý do chính đáng, đúng mục tiêu, nhưng vô tình có thể khiến nảy sinh bất cập, cô Đỗ Thị Linh, giáo viên dạy Hóa - Sinh của một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, cô đồng ý với dự thảo là cho phép giáo viên dạy thêm.

Tuy nhiên, bài toán cần giải quyết ở đây là chuyện nhà nhà cho con đi học thêm; trường điểm, trường tốt học sinh cũng phải đi học thêm. Vậy vấn đề học thêm là vì lí do gì?

"Tôi ủng hộ việc dạy thêm tự do nhưng Bộ GD&ĐT cần có cách quản lý để việc học thêm hiệu quả. Muốn vậy, giáo viên dạy ở trường phải công tâm. Nên chăng, giáo viên đã dạy thêm sẽ không được ra đề thi. Việc học, việc kiểm tra, việc ra đề kiểm tra sẽ giáo cho các trung tâm độc lập làm. Có như vậy mới thoát khỏi cảnh vừa đá bóng, vừa thổi còi như trước"- giáo viên này đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, Hiệu phó một trường THCS ở Huyện Phú Xuyên, Hà Nội cũng cho rằng, cho phép giáo viên dạy thêm thì chắc chắn sẽ có hiện tượng “trăm hoa đua nở”, nếu không quản lý tốt sẽ gây ra những hệ lụy.

Muốn việc học thêm diễn ra theo hướng minh bạch, đúng nghĩa, bà Thịnh đề xuất, việc học thêm phải có một bên quản lý chương trình và có bài kiểm tra định kì với học sinh.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/bo-gddt-se-coi-troi-de-giao-vien-day-them-nhu-the-nao-post1667823.tpo

dạy thêm


Sau mưa lũ, cẩn thận với các bệnh về da
Mưa lũ không chỉ gây ra những thiệt hại về vật chất mà còn là tác nhân gây ra nhiều bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về da. Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm sau mưa lũ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng phát triển, tấn công làn da vốn đã yếu ớt.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.