Bộ GD&ĐT 'tuýt còi' các trường tuyển sinh sớm

Bộ GD&ĐT đề xuất năm 2025, các trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn xét tuyển các phương thức tuyển sinh sớm sau ngày 31/5, nếu thực hiện trước thời điểm này sẽ bị “tuýt còi”.

Bất cập từ xét tuyển sớm

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một số trường ĐH nhận thấy những bất cập khi xét tuyển sớm. PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng đánh giá đa phần học sinh khi đã trúng tuyển sớm gần như không tập trung hết khả năng để thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết, các em chỉ cần đỗ tốt nghiệp. Cái khó của trường xét tuyển sớm theo ông Bắc là tỉ lệ ảo lên tới ngưỡng 300%. Khi xét tuyển sớm, dữ liệu khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên chưa có nên hậu kiểm phát hiện có nhiều sai sót, thậm chí xảy ra tình trạng đỗ thành trượt. Từ đó, ông Bắc đề xuất từ năm 2025, Bộ nên có quy định chỉ được công bố trúng tuyển sau khi các em hoàn thành kì thi tốt nghiệp THPT.

Bộ GD&ĐT tuýt còi các trường tuyển sinh sớm-1

Xét tuyển sớm giảm áp lực thi tốt nghiệp cho thí sinh nhưng cũng có nhiều hệ lụy Ảnh: NGHIÊM HUÊ

PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó giám đốc ĐH Thái Nguyên chia sẻ ưu điểm của xét tuyển sớm là giúp người học yên tâm nhưng “nhiều khi dẫn đến yên tâm quá”. Mặt khác, các trường ĐH cũng khó khăn trong dự báo tỉ lệ ảo. Vị phó giám đốc này đề xuất, từ năm 2025, xem xét lại phương thức xét tuyển sớm. Ông kiến nghị nên hạn chế phương án này, chỉ nên dành cho những ngành đặc thù.

Tuy nhận diện được khó khăn bất cập, nhưng các trường vẫn phải tham gia cuộc đua chung. Vì nếu ra khỏi đường đua, rất có thể không tuyển đủ chỉ tiêu để đào tạo.

Tại hội nghị tổng kết kì thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, GS.TS Huỳnh Văn Chương- Cục trưởng Quản lí chất lượng, Bộ GD&ĐT đề xuất thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm cần phải sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học (sau ngày 31/5). Điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm cần được công bố sau thời gian này, tránh ảnh hưởng đến kì thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh.

PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định, từ trước đến nay, các phương thức xét tuyển sinh sớm của nhà trường đều thực hiện sau khi thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. “Quy định này nếu thực hiện chỉ ảnh hưởng đến những trường từ trước đến nay sử dụng phương thức xét học bạ lớp 10, lớp 11 và học kì I năm lớp 12”, ông Hải nói. Tương tự TS Nguyễn Quốc Trinh, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải) cho hay, phương thức xét học bạ của nhà trường hằng năm đợt 1 thường xét 5 kì, đợt 2 xét đủ 6 kì nhưng nếu Bộ đưa ra quy định, nhà trường sẵn sàng tuân thủ để đảm bảo mục tiêu chung của ngành.

Tăng cường giám sát kì thi riêng

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, thời gian qua, các trường ĐH sử dụng hơn 20 phương thức xét tuyển. Trong đó, phần lớn là các phương thức xét tuyển sớm như học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT, ACT) kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, xét tuyển kết hợp, phỏng vấn… Năm 2025, dự báo có trên 10 kì thi riêng để tuyển sinh do các ĐH, trường ĐH tổ chức. Trong đó, kì thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia và kì thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội được nhiều trường sử dụng kết quả để tuyển sinh.

GS Huỳnh Văn Chương đề xuất khi sử dụng điểm của kì thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, trường ĐH cần bảo đảm tính công bằng nếu sử dụng nhiều tổ hợp môn để xét tuyển vào cùng một ngành.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, phổ điểm giữa các tổ hợp từ kì thi tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó, điểm các tổ hợp KHXH cao hơn điểm các tổ hợp KHTN. Nhưng khi xét tuyển, trong 1 ngành, có trường vừa sử dụng tổ hợp KHXH, vừa sử dụng tổ hợp KHTN và lấy điểm chuẩn như nhau đã khiến một bộ phận thí sinh bị thiệt.

Không những thế, việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm của kì thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp, nhiều thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích, tạo tâm lí xã hội không tốt cho hàng ngàn thí sinh và phụ huynh. Ví dụ như năm nay, có những ngành thí sinh đạt 9,5 điểm/môn thi ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) vẫn trượt ngành Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (điểm chuẩn 29,3, tương đương 9,77 điểm/môn).

“Vì vậy các kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... do các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức, Bộ sẽ ban hành trong quy chế tuyển sinh quy định cụ thể về mặt quản lí nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng kì thi”, ông Chương nói; đồng thời yêu cầu quy trình xây dựng ngân hàng đề; đề thi của các kì thi này phải không vượt quá Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để học sinh không phải ôn thi riêng có thể phá vỡ việc dạy và học ở các trường phổ thông. Quy trình tổ chức thi bảo đảm an toàn thống nhất và tránh nhiều hình thức gây khó khăn cho học sinh ôn thi; hiện nay mỗi trường đang sử dụng một hình thức thi riêng. Ví dụ, kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi trên máy tính nhưng của ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức thi trên giấy…

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/bo-gddt-tuyt-coi-cac-truong-tuyen-sinh-som-post1688203.tpo

Bộ GD&ĐT

tuyển sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.