Can thiệp trong thi chứng chỉ IELTS là không hợp lý

Với kỳ thi IELTS, giải pháp tốt nhất mà Bộ GD&ĐT có thể làm đó là không làm gì cả và để cho thị trường tự quyết định...

Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT liên quan đến kiểm định chất lượng các kỳ thi đánh giá năng lực của nước ngoài tại Việt Nam khiến nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, trong đó đình đám nhất là kỳ thi IELTS bị tạm hoãn để phục vụ kiểm định. Điều này làm ảnh hưởng đến rất nhiều người tham gia thi trong mùa cao điểm đăng ký tuyển sinh ở các nước và đăng ký tốt nghiệp tại Việt Nam.

Về lý, Bộ GD&ĐT có trong tay công cụ để đưa ra yêu cầu đó là Nghị định 86/2018 của Chính phủ (về các hoạt động liên kết giáo dục) và Thông tư 11/2022 của Bộ GD&ĐT (quy định chi tiết Nghị định 86 liên quan đến kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) có liên kết với nước ngoài). Cả hai văn bản này đều xuất phát từ nhu cầu quản lý của Bộ GD&ĐT.

Can thiệp trong thi chứng chỉ IELTS là không hợp lý-1

Một trung tâm giảng dạy của Hội đồng Anh tại quận 10, TP.HCM. Ảnh minh họa: H.LAN

Tuy nhiên, trên thực tế điều đáng bàn không phải là Bộ GD&ĐT có quyền can thiệp hay không, mà là có nên can thiệp hay không, nhất là đối với các kỳ thi ĐGNL?

Thứ nhất, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết về chính sách là việc các kỳ thi không được bộ kiểm định chất lượng thì có thể dẫn đến tiêu cực như thi hộ, lộ đề… gây bức xúc trong xã hội. Việc bộ yêu cầu kiểm định chính là để bảo vệ người học và giải quyết các tiêu cực kể trên. Tuy nhiên, lo ngại này của bộ đến nay vẫn chỉ dừng ở mức độ tin đồn, chưa có vụ việc cụ thể nào được dẫn ra nên chưa có gì rõ ràng.

Thứ hai, về bản chất của các kỳ thi ĐGNL là không có tính đối kháng, xếp hạng, mà chỉ có tính đánh giá từng cá nhân. Đối với một người học, việc người cùng thi có gian lận và đạt điểm số cao hơn trong kỳ thi IELTS không làm ảnh hưởng đến kết quả và năng lực tiếng Anh của bản thân họ, nếu họ thi một cách trong sáng. Chính vì tính cá nhân như vậy nên thực tế là tuy có thể phát sinh tiêu cực nhưng tiêu cực của các kỳ thi ĐGNL không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người học. Vì vậy, lập luận cho rằng việc can thiệp để bảo vệ người học cũng chưa thỏa đáng và chặt chẽ.

Điều đáng bàn không phải là Bộ GD&ĐT có quyền can thiệp hay không, mà là có nên can thiệp hay không, nhất là đối với các kỳ thi đánh giá năng lực.

Có một lập luận khác cho rằng Bộ GD&ĐT cần can thiệp vì rất nhiều trường đại học ở Việt Nam đang tiến hành xét tuyển, thậm chí tuyển thẳng, dựa trên điểm số của kỳ thi IELTS. Vì vậy, kỳ thi IELTS ở Việt Nam có bản chất loại trừ, cạnh tranh và cần bảo vệ người học.

Lập luận này không phải không có cơ sở nhưng nó lại cho thấy rằng Bộ GD&ĐT đang điều chỉnh sai đối tượng. Bởi kỳ thi IELTS không thể được xem là kỳ thi ĐGNL để tuyển sinh, mà chỉ là kỳ thi ĐGNL tiếng Anh mà thôi. Vì vậy, nếu một cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT quản lý xem điểm IELTS là điều kiện tuyển sinh thì đang hiểu méo mó về bản chất của kỳ thi này.

Về giải pháp, bộ hoàn toàn có thể chấn chỉnh lại công tác tuyển sinh, thay vì quy định “giấy phép con” như trên.

Việc kỳ thi IELTS bị tạm hoãn đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người. Trong các hội nhóm, nhiều học sinh đã chọn cách sang nước ngoài để thi nhằm tiết kiệm thời gian.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng bộ sẽ nhanh chóng cấp phép cho kỳ thi trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Tuy nhiên, thực tế là với hồ sơ khá nhiều tài liệu từ nước ngoài thì quá trình hợp pháp hóa lãnh sự và chuẩn bị hồ sơ cũng sẽ không đơn giản và có thể mất nhiều tháng. Chưa kể đến việc phải tìm các nhân sự phù hợp với tiêu chuẩn của bộ cũng sẽ khiến kỳ thi IELTS khó mà quay lại nhanh chóng được. Đây là điều rất đáng tiếc.

Vì vậy, riêng trong vấn đề với kỳ thi IELTS, giải pháp tốt nhất mà bộ có thể làm đó là không làm gì cả và để cho thị trường tự quyết định, vừa tránh được những rủi ro không cần thiết vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi ngay lập tức của người học.

Theo PLO

Xem link gốc Ẩn link gốc https://plo.vn/can-thiep-trong-thi-chung-chi-ielts-la-khong-hop-ly-post707626.html

IELTS


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.