Cô giáo bị học sinh ném dép: "Tôi trầm cảm, mất ăn mất ngủ"

"Sau sự việc, tôi đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang và uống thuốc chống trầm cảm. Tôi không ăn không ngủ được, đầu óc căng lên, ám ảnh, người sút vài cân", cô giáo P.T.H. chia sẻ.

Cô giáo bị học sinh ném dép: Tôi trầm cảm, mất ăn mất ngủ - 1

Cô P.T.H., giáo viên bị học sinh ném dép, lăng mạ, tiếp phóng viên báo Dân trí tại nhà, tối 6/12 (Ảnh: Thế Hưng).

"Tôi không ăn, không ngủ được, người sút vài cân"

20h ngày 6/12, trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, cô P.T.H., giáo viên môn trải nghiệm hướng nghiệp và âm nhạc tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, kể về ngày kinh hoàng khi bị nhóm học sinh dồn vào góc phòng, ném dép vào người, chửi bới, lăng mạ.

Cô H. cho biết, vài ngày qua là những ngày kinh khủng với cô. "Tôi không ăn không ngủ được, người sút vài cân. Đầu óc tôi căng lên, luôn ám ảnh bởi những câu từ chửi bới của học sinh.

Hàng xóm và mẹ mang cơm đến nhưng tôi không nuốt nổi. Sau sự việc, tôi phải đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang và uống thuốc chống trầm cảm", cô H. kể.

Tường thuật lại sự việc trong các clip trên mạng, cô H. cho biết, sáng 29/11, khi vừa vào tiết 3 tại lớp 7C, trong lớp một số học sinh ngoan, chăm chú nghe giảng nhưng một số em không tuân thủ nội quy, mất trật tự. Cô H. nhắc tên từng em, ghi vào sổ đầu bài nhưng các em này bực tức, phản ứng.

Sự việc không dừng ở đó, sang tiết 4, cô đến dạy tại lớp 6A. Khi vừa hết tiết, một nhóm học sinh từ lớp 7C qua lớp 6A câu kết với nhau, quây cô H. vào góc tường, xông vào chửi bới, lăng mạ, ném dép, giấy vụn và các quả bóng cát vào đầu khiến cô bị choáng, nằm ra sàn một lúc mới dậy được.

Thậm chí có học sinh dùng thước kẻ chọc vào bụng, vào vùng kín, đánh vào đầu gối cô H. bầm tím.

Cô H. cho biết, sau sự việc xảy ra vào tiết 3 tại lớp 7C, bảo vệ đã báo cáo lên Ban giám hiệu nhưng không có sự can thiệp của nhà trường.

Đến tiết 4 ở lớp 6A, khi sự việc "leo thang" đến đỉnh điểm, vẫn không có đồng nghiệp hay Ban giám hiệu đến can thiệp.

Cuối giờ học hôm ấy, mặc dù vẫn choáng sau khi bị bạo hành nhưng cô cố ở lại chờ báo cáo sự việc với Ban giám hiệu nhà trường.

"Hiệu trưởng gật đầu nói "đã nắm được sự việc" rồi để tôi ra về, không bảo đi khám hay kiểm tra sức khỏe.

Cũng trong ngày 29/11, trên đường đi dạy về, một nhóm học sinh chạy theo ném đá vào tôi rất nguy hiểm", cô H. kể.

nem dep

Năm học 2017-2018, cô H. từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện (Ảnh: Thế Hưng).

Phủ nhận nguyên nhân học sinh bạo lực bắt nguồn từ đời tư

Cô H. sinh năm 1985, từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm nghệ thuật Vĩnh Phúc, sau đó học liên thông lên đại học.

Sau khi tốt nghiệp, cô đỗ biên chế vào dạy chính thức tại Trường THCS Văn Phú đến nay hơn 10 năm. Năm học 2017-2018, cô H. đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Ngay sau khi sự việc bạo lực học đường xảy ra, cô H. cùng học sinh đã viết bản tường trình gửi lên nhà trường. Đồng thời, cô giáo có đơn kêu cứu gửi báo chí vào cuộc điều tra sự việc, với mong muốn mình được bảo vệ.

Trở lại với vụ việc học sinh ném dép, lăng mạ mình, cô H. cho rằng, nguyên nhân sự việc có thể vì học sinh không chịu học bài nên một số em bị xếp loại chưa đạt môn trải nghiệm hướng nghiệp và âm nhạc do cô dạy, nên các em ghét cô.

z4949624333958_f12549e2f13384446d399137e5eb6ca5-crop-edited.jpeg

Theo cô H., đây là những viên đá học sinh ném vào người cô (Ảnh: Mỹ Hà).

Đặc biệt, theo cô H., từng có một số học sinh khiếu nại, cho rằng cô ép học sinh phải đến nhà mình học đàn và mua vật dụng để học âm nhạc.

Cô H. khẳng định, những điều này phi lý và bịa đặt bởi từ trường đến nhà cô hơn 10km, làm sao các em đến để học thêm?

Theo cô H., sự việc đang lan truyền trên mạng không phải lần đầu tiên cô chịu bắt nạt từ học sinh. "Một số em mang điện thoại vào lớp, thường xuyên bày trò chọc tức, "cài bẫy" khiến tôi nổi cáu để ghi âm hoặc quay lại clip khiến tôi rất bất an", cô nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc trên mạng xã hội có clip một phụ nữ dùng nhiều từ ngữ chưa chuẩn mực với người già, cô H. khẳng định nữ chính trong clip không phải mình.

Với câu hỏi, ngoài nguyên nhân một số em bức xúc vì điểm kém, liệu bạo hành có xuất phát một phần từ đời tư và lối sống cá nhân của cô giáo, cô H. phủ nhận điều này.

Cũng theo cô H., không riêng vụ việc bị tung lên mạng vừa qua, học sinh bạo hành cô kéo dài vài tháng nay, cô đã ghi lại ở một số clip khác.

Cô giáo bị học sinh ném dép: Tôi trầm cảm, mất ăn mất ngủ - 4

Theo cô H., học sinh cầm thước kẻ đánh vào đầu gối cô bị bầm tím (Ảnh: Mỹ Hà).

Cô đã báo cáo sự việc lên Ban giám hiệu nhà trường, báo với giáo viên chủ nhiệm của hai lớp 7C và 6A.

Một số em chưa ngoan cũng được ghi vào sổ đầu bài nhưng nhà trường chỉ phạt các em tưới nước cho hoa, dọn nhà vệ sinh nên không đủ sức răn đe.

Cũng theo cô H., khi bị một nhóm học sinh rất đông và hung hăng dồn ép vào góc tường nhưng cô không phản ứng gì, nhà trường cho rằng kỹ năng xử lý của cô kém. "Nhưng nếu tôi phản ứng, phụ huynh sẽ không để tôi yên", cô nói.

"Nếu nhà trường vào cuộc xử lý sớm, áp dụng các biện pháp kỷ luật mạnh mẽ hơn, sẽ không có vụ việc học sinh quây cô vào góc lớp để lăng mạ và ném dép như ngày 29/11 vừa qua", cô H. nói.

Ngay sau khi các video được đăng tải lên mạng, báo chí vào cuộc, nhà trường tổ chức làm việc ba bên, yêu cầu giáo viên và học sinh viết bản tường trình nhưng tuyệt nhiên trong số đó, không có phụ huynh hay học sinh xin lỗi cô giáo.

Hiện nay, cô H. có nguyện vọng được các cơ quan chức năng cho chuyển trường để sự việc không tái diễn.

 Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/co-giao-bi-hoc-sinh-nem-dep-toi-tram-cam-mat-an-mat-ngu-20231207030613924.htm?fbclid=IwAR2rCQmc3_8_5FjeKQrzDeiPeVi2r_T-ItqmqpbvimNo57ZNv0KimrxTNco

bạo lực học đường

cô giáo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.