Con đứng nhất lớp, học thêm tốn gấp 10 lần học chính mẹ vẫn lo bị tụt phía sau

Khi thấy những đứa trẻ học thêm tối ngày, nhiều người chỉ trích bố mẹ đặt quá nhiều áp lực mà không biết chúng tôi đang vừa phải gồng gánh kiếm tiền nuôi dạy, vừa 'cân' sức khỏe tinh thần, thể chất và lối vào tương lai của con.

Tôi có 3 con, cháu đầu học lớp 11 tại một trường ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Con và gia đình tôi đang có hướng phấn đấu vào một trường đại học y lớn.

Để đến được đích này, con đã và đang phải nỗ lực hết sức. Từ lớp 10, ngoài thời gian học tại trường, con học thêm 4 môn là Toán, Lý, Hóa, Sinh. Mỗi môn 2-3 tiếng/buổi, chi phí 240-250 nghìn đồng. 

Từ khi lên lớp 11, lịch học thêm của con bổ sung 2 buổi/tuần môn tiếng Anh để luyện thi IELTS, tăng cơ hội xét tuyển vào đại học. Tổng mỗi tháng, chi phí cho con học thêm là hơn 7 triệu đồng.

Theo dự định, tháng 11/2025 con sẽ thi IELTS, tới tháng 3/2026 tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy rồi tiếp đến là rải hồ sơ, thi đại học… 

Như vậy, mỗi tuần, ngoài các buổi sáng và 2 buổi chiều học tại trường, con có 6 buổi học thêm khác vào buổi tối và cả ngày chủ nhật. Có một số điểm học cách nhà hơn 10km, tôi không yên tâm để con tự đi xe đạp điện, cũng không thể đưa đón vì đi làm về còn tối mặt lo cho 2 con nhỏ mới lớp 6 và lớp 4, nên phải thuê xe ôm cho con. 

Có những hôm con học sáng 5 tiết, chiều 4 tiết, sau đó tối lại vội vàng đi học thêm 3 tiếng - không kịp ăn cơm nhà, phải lót dạ dọc đường. Thương con vất vả, tôi luôn cố nghĩ xem nên cho con ăn gì để đảm bảo sức khỏe. Ngoài các món thịt cá thông thường, tuần nào tôi cũng duy trì cho con một bữa no nê cá hồi vì nghe nói món này giàu chất béo tốt cho não. 

Tôi thấy con học nhiều cũng khổ nhưng không như vậy ngày càng bị tụt lại. Quan trọng là cháu muốn học và còn đòi đi học thêm vì sợ thua kém các bạn và không thể vào được trường mình mong ước. 

Vài ngày trước, khi con vừa thi giữa kỳ xong môn đầu tiên, tôi hỏi: “Con làm bài tốt không, áng chừng mấy điểm?”, cu cậu tưng tửng: “Con làm sao biết được! Mẹ không để cho con được hạnh phúc tới hôm biết điểm à?”. 

Khi tôi cố vặc: “Con đi học thêm suốt bên ngoài thế mà không chắc mình làm tốt đề trường ra, sao ra bên ngoài thi thố được”. Thằng bé đáp: “Mẹ tưởng mình con đi học thêm chắc! Giờ trường biết học sinh nào cũng đi học thêm nên ra đề ‘khoai’. Giờ đứa nào chẳng như đứa nào!”.

Thực sự, nhìn quanh, tôi thấy hiếm con cái nhà ai không đi học thêm, nhất là những đứa sắp bước vào những kỳ thi căng thẳng như vào cấp 3 hay đại học. Chỉ 2 năm trước, con tôi cùng 2 bạn nó, tuần nào cũng 2 buổi học tới 22-23h ở nhà cô giáo dạy toán, rồi 4-5 buổi khác tới 21-22h mới kết thúc ôn Văn, tiếng Anh. Bạn con tôi còn đi học mỗi môn 2 thầy cô khác nhau, người luyện đề, người ôn kiến thức. 

Bọn trẻ và cả gia đình tôi vừa thở phào khi các con vào được cấp 3, lại vào guồng ngay chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Thôi thì, nghĩ tích cực một chút, đi học thêm cũng là dịp để con phóng xa tầm mắt, thấy rằng bên ngoài nhiều bạn giỏi giang, phải nỗ lực hơn, chứ không phải thấy mình đứng top đầu ở lớp là yên tâm. 

Tôi bảo con rằng, hãy coi học là một công việc, muốn thăng tiến, muốn hơn người khác, mình phải chăm “cày”. Hơn nữa, nếu muốn học và làm ngành Y, con càng cần quen với guồng quay liên tục, không lúc nào được chùn chân.  

Thực tế, con mình không quá xuất sắc hay học cấp 3 trường chuyên, trường top, không có giải thưởng quốc gia, quốc tế thì phải “cày” cật lực mới có thể vào trường đại học tốp đầu. Nếu học hời hợt, vào trường làng nhàng thì vẫn tốn kém đấy, mà chưa biết tương lai về đâu.  

Khi nhìn lịch học thêm dày đặc của trẻ, nhiều người thường ca thán rằng chúng ta đang tạo ra những cỗ máy học tập, khiến các con chẳng còn tuổi thơ. Nhưng thử hỏi, nếu không tham gia guồng quay này, con chúng ta sẽ đứng ở đâu? Chúng tôi cũng muốn con mình được thư giãn, cuối tuần cả gia đình bên nhau, đơn giản là đi ăn kem, về quê thăm ông bà thay vì con chạy sô học thêm, bố làm “xe ôm”, mẹ lo việc nhà... Nhưng chúng tôi đâu có lựa chọn khác? Gia đình tôi lâu lắm rồi không có những lần đi ăn đông đủ cả nhà.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/con-dung-nhat-lop-tuan-hoc-them-5-buoi-me-van-lo-bi-tut-lai-phia-sau-2338287.html

học thêm


Loại lá thơm phức là 'kho' dinh dưỡng cực bổ, ở Việt Nam đi đâu cũng thấy
Lá mắc mật, một loại thảo dược quen thuộc trong y học cổ truyền mà còn trong cả ẩm thực Việt, đang ngày càng được chú ý bởi những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Từ hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau, kháng viêm đến bảo vệ gan, lá mắc mật thực sự là một "thần dược" từ thiên nhiên mà bạn không nên bỏ qua.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.