Dù bị 'đì' vì không học thêm cô chủ nhiệm, em vẫn ủng hộ việc dạy thêm

Hồi lớp 9, cả lớp chỉ có em và một bạn khác không học thêm khi cô dạy tại nhà. Cô nhắn bố mẹ em ‘thôi đăng ký cho con học trường nghề luôn chứ thi vào 10 sao nổi!’.

Lời tòa soạn:

Dự thảo về dạy thêm, học thêm được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến đến hết 22/10 làm dấy lên nhiều tranh cãi và câu hỏi, đặc biệt về nội dung không cấm giáo viên được dạy thêm ngoài trường. Quy định mới này có thể mang đến những thay đổi đáng kể cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, liệu nó sẽ góp phần cải thiện chất lượng giáo dục hay có thể tạo thêm những thách thức mới?

VietNamNet mở diễn đàn Góp ý cho Dự thảo về Dạy thêm học thêm, để lắng nghe và chia sẻ ý kiến từ mọi góc nhìn. Chúng tôi mời các thầy cô, phụ huynh, học sinh và những người quan tâm đến giáo dục tham gia viết bài, chia sẻ quan điểm và đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của một học sinh THPT về trải nghiệm khi học thêm ôn thi vào lớp 10 và góc nhìn của em về quy định này. 

Từ trước tới nay, em hầu như chưa bao giờ tìm hiểu về các quy định liên quan tới dạy thêm, học thêm. Nhưng gần đây, được một người bạn chia sẻ, em nghe nói tới dự thảo về việc này đang được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến. Mặc dù học sinh là đối tượng chịu tác động trực tiếp của những quy định về dạy thêm, học thêm nhưng hầu như chúng em chưa bao giờ được ai hỏi tới. Em chỉ muốn chia sẻ một chút suy nghĩ của bản thân, mong có thể góp thêm một góc nhìn nhỏ cho vấn đề này. 

Từ lúc bắt đầu đi học đến nay, em học thêm khá ít, chủ yếu kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ tới năm lớp 9 thi vào 10, em mới học tầm 4 buổi/tuần. Đó cũng là lúc em “thấm” thế nào là bị ép học thêm. 

Cô giáo chủ nhiệm của em phụ trách môn Văn. Ngay từ đầu năm học, cô đã “đánh tiếng” với phụ huynh việc mình có lớp dạy thêm Văn tại nhà và từng đạt nhiều thành tích trong quá trình dạy học, luyện thi môn này. Cô cũng chia sẻ kinh nghiệm với phụ huynh là kết hợp chương trình trên lớp và chương trình học thêm mới hiệu quả, có cơ hội đỗ cấp 3, chứ chỉ học trên lớp sợ không đủ. 

Hồi đó, hầu hết các bạn trong lớp em đều đăng ký học thêm. Vốn quen để em tự lập từ nhỏ, bố mẹ cho em tự quyết. Qua những giờ Văn trên lớp, em không thấy hợp phương pháp giảng dạy Văn của cô lắm nên không đăng ký học thêm. Dù vậy, vẫn cần tăng cường môn này để thi vào 10, em theo học một cô giáo ở trường khác mà bản thân thấy phù hợp hơn. 

Từ đó, mỗi lần tiết Văn đến, em lại được cô chủ nhiệm “chăm sóc đặc biệt”. Ngày nào cô cũng gọi em lên kiểm tra học thuộc thơ hay cả bài văn, nếu không thuộc thì bắt chép phạt nhiều lần. Trong giờ học Văn, cô thường thảo luận công khai về em và các bài làm của em trước cả lớp với những câu như “Giỏi quá rồi, không cần đi học nên làm bài thế này đây”... Có lần, em còn bắt gặp cả ánh nhìn lườm lườm của cô dành cho mình. 

Thật ra, trong lớp em hồi đó có 2 bạn khác cũng được cô đối xử khác biệt. Một bạn là lớp trưởng - từng đi học thêm nhà cô nhưng sau một thời gian cảm thấy cách giảng dạy không hợp và không đạt hiệu quả như mong đợi nên đã xin nghỉ. Bạn còn lại hồi đầu lớp 9 đang học thêm một cô giáo khác nên không đăng ký lớp cô mở, về sau, do không chịu được sự phân biệt đối xử của cô ở lớp nên đành tham gia các lớp cô dạy ngoài giờ, cuối tuần.

Em tự nhận mình khá “cứng đầu” nên quyết không thay đổi, nhất là sau khi nghe phản hồi không mấy tích cực từ những bạn đã đi học thêm lớp của cô, rằng nghe giảng chán, suốt ngày chỉ học thuộc, rồi cô hay phạt, mắng học sinh bằng những từ ngữ nặng nề...

Khi bị cô tỏ thái độ không ưa hoặc đôi khi cô cố “dìm” điểm những bài kiểm tra của mình trên lớp, em chưa một lần cãi lại hay thể hiện hành động chống đối. Em biết mình phải tự tìm cách vượt qua năm học bão tố này. Càng như vậy, em càng cần cố gắng ôn luyện môn Văn nhiều hơn. Đơn giản vì em xác định học cho chính mình, học để đỗ vào trường cấp 3 em muốn, chứ không phải vì cô hay ai khác. 

Đỉnh điểm, cô bảo em và “bắn tin” với cả phụ huynh rằng, em không đủ khả năng đỗ vào lớp 10 nên đừng mất công thi làm gì, cứ đăng ký trường nghề, mặc dù em tự nhận thấy năng lực của mình có  thể đậu được trường mong muốn. Em không hiểu vì sao cô làm như vậy. Vì cô sợ bị ảnh hưởng thành tích hay lo nếu em được điểm cao hơn những học sinh đã đi học thêm nhà cô, phụ huynh sẽ đánh giá không hay?

Tạm bỏ qua những điều đó, suốt năm lớp 9, em cố gắng tập trung vào mục tiêu và việc học của mình, không quan tâm đến lời nói, thái độ của cô. Em đã chứng minh được thực lực của bản thân khi là một trong hai người có điểm thi môn Văn cao nhất lớp trong kỳ thi vào 10 năm học 2022-2023.

bang diem4.jpg

 

Bảng điểm kết quả thi tuyển sinh vào 10 của cả lớp, tác giả là 1 trong 2 người có điểm Văn cao nhất lớp (phần bôi vàng - 8.25 điểm). Ảnh: TGCC

Từ trải nghiệm của chính mình, em thấy rằng, thực tế, học thêm cũng có ích - bản thân em đã được củng cố kiến thức, ôn luyện hiệu quả hơn khi tham gia một số lớp. Nhưng học sinh (và phụ huynh) nên được quyền lựa chọn giáo viên dạy thêm có cách giảng phù hợp và hiệu quả, đồng thời được tôn trọng lựa chọn đó. Việc ép buộc học sinh học thêm không chỉ làm mất đi tính hiệu quả của sự học, mà còn gây sức ép tâm lý, làm giảm sự thoải mái của chúng em trong lớp chính khóa.

Bản thân em, khi cảm thấy mình bị đối xử bất công vì không đi học thêm cô giáo chủ nhiệm, em chưa bao giờ phản ánh việc này với thầy hiệu trưởng hay các giáo viên khác bởi khi đó em nghĩ rằng làm thế không giúp em giải quyết vấn đề, thậm chí có thể khiến em bị gây khó dễ nhiều hơn. Nói thẳng ra, em không tin hiệu trưởng sẽ đứng về phía em, có hành động gì đó để hỗ trợ hay giúp em khỏi bị “đì”. 

Dù vậy, bây giờ, nếu được hỏi ý kiến về việc có nên cho thầy cô được dạy thêm, em trả lời luôn là “có”. 

Em nghĩ rằng cho phép dạy thêm tốt cho cả thầy cô và chúng em. Thầy cô có cơ hội tăng thu nhập, thêm động lực để nâng cao trình độ và tiếp tục cống hiến. Chúng em được củng cố, nâng cao kiến thức cần thiết để đạt mục tiêu học tập của bản thân. 

Còn về việc giáo viên ép học sinh đi học thêm, thực ra tình trạng đó đã có nhiều năm nay rồi, dù cấm hay không vẫn sẽ tiếp diễn. Cái quan trọng là lương tâm của giáo viên và sự cứng rắn của nhà trường. Thực tế, ở đâu cũng vẫn luôn có những giáo viên thật sự có tâm với nghề và có phương pháp giảng dạy tốt. Nếu có mở lớp dạy thêm, họ sẽ không ép học sinh phải đi học và chúng em nếu có nhu cầu, sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hữu ích. Còn những trường hợp giáo viên ép buộc học trò học thêm, tất nhiên vẫn phải bị bài trừ, lên án.

Theo em, để chấm dứt tình trạng giáo viên ép buộc hay thiên vị học sinh học thêm, Bộ GD-ĐT phải có những quy định thật chặt chẽ, nhà trường cũng cần làm thật nghiêm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền để học sinh (và cả phụ huynh) hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong giáo dục, trong việc phản ánh những bất cập để đòi lại sự công bằng.

Các bạn học sinh, như chính em, sẽ dám đứng lên bày tỏ ý kiến, phản ánh các trường hợp ép buộc đi học thêm hay phân biệt đối xử khi không học thêm, nếu thực sự biết có quy định rõ ràng, chặt chẽ về việc này, có người (hay cấp, ngành nào đó) lắng nghe và hành động để giải quyết tiêu cực. 

Với các bạn học sinh, em nghĩ rằng, trước khi đợi người khác hỗ trợ, cố gắng rèn thói quen tự học, nỗ lực để vào được những trường chất lượng cao - nơi khả năng bị chèn ép, đối xử thiếu công bằng có thể giảm đi. Trong trường hợp không may gặp những chuyện đó, chúng ta dũng cảm lên tiếng, phản ánh trường hợp của mình để có thể được hỗ trợ và góp phần xây dựng nền giáo dục văn minh hơn.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/du-bi-di-vi-khong-hoc-them-co-chu-nhiem-em-van-ung-ho-thay-co-duoc-day-them-2319117.html

học thêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.