Gánh nặng giá sách giáo khoa-Bài 3: Trường thành kênh phân phối SGK?

Theo các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cần đặt câu hỏi có nên tiếp tục để các trường trở thành kênh phân phối sách giáo khoa (SGK) và tất cả các loại sách, tài liệu tham khảo nhằm tránh chuyện lợi ích cá nhân, giới thiệu nhiều loại không cần thiết cho phụ huynh, học sinh.

Từ lâu, cứ kết thúc năm học, các trường lại làm thay phần việc của các công ty phát hành sách là thông báo cho phụ huynh mua sách cho năm học mới. Việc này diễn ra ở các trường học ở nhiều tỉnh, thành phố.

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Hà Đông (Hà Nội) nói rằng, 9 năm nay, trường không làm thay cha mẹ học sinh trong việc “mua - bán”  sách giáo khoa tại trường. Thay vào đó, nhà trường thông báo danh mục sách cần thiết và học sinh tự mua.

“Thực tế năm nào cũng có đơn vị phát hành đến mời chào nhà trường và hứa hẹn có chiết khấu hoa hồng dao động trong khoảng 25-30% tính bình quân cả SGK lẫn sách tham khảo nhưng tôi từ chối”, vị hiệu trưởng nói. Theo vị này, dù các cấp quản lý không có văn bản nào quy định trường học trở thành kênh phân phối SGK, tài liệu tham khảo, nhưng nhiều năm nay, các trường tại Hà Nội cũng như ở tỉnh, thành phố khác đều bán sách.

“Nói là tinh thần tự nguyện nhưng đa số phụ huynh sẽ phải mua cho con. Cách làm này là không đúng chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Nhà trường chỉ nên cung cấp danh mục bộ SGK năm học tới để phụ huynh biết. Trong quá trình dạy học, giáo viên là người có kinh nghiệm, biết quyển sách tham khảo nào hay, có giá trị, giới thiệu thêm cho học sinh khá, giỏi để các em được tiếp cận, mở rộng vốn tri thức. Sách bài tập, tham khảo không nên giới thiệu ồ ạt, rầm rộ cho tất cả học sinh”, vị hiệu trưởng nói.

Gánh nặng giá sách giáo khoa-Bài 3: Trường thành kênh phân phối SGK?-1

SGK tăng giá, phụ huynh thêm gánh nặng chi phí. Ảnh: Quỳnh Anh

Trong khi đó, hiệu trưởng một Trường THCS tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, cung ứng SGK qua nhà trường là cách làm hay, hỗ trợ phụ huynh. Bởi vì hiện nay, 1 bộ SGK có nhiều loại sách của các NXB khác nhau, phụ huynh chen chân ở nhà sách cũng rất khó để tìm kiếm và lựa chọn được đúng bộ sách trường dạy học.

Về chiết khấu hoa hồng, người này khẳng định “là có” tuy nhiên “không đáng kể, chỉ 1-2%, không đủ chi phí nhân viên giao nhận, cấp phát sách cho học sinh”. Tuy nhiên, hiệu trưởng này chỉ ra sự bất cập và lãng phí nằm ở chỗ, SGK mỗi nơi chọn một bộ khác nhau, sau khi học xong muốn tìm người cho cũng rất khó vì nơi đó họ chọn bộ khác.

Những năm trước, kết thúc năm học nhà trường quyên góp SGK của học sinh gửi tặng học sinh miền núi khó khăn thì bây giờ rất khó đi cho, tặng. Nếu tính trên toàn quốc, hằng năm sẽ lãng phí số tiền rất lớn cho SGK.

Hiệu trưởng một trường tiểu học khác tại Hà Nội nói rằng, nếu được phép, nhà trường mong muốn không phải thực hiện vai trò phát hành sách tới tay phụ huynh mà để họ tự mua bởi vì năm nào, việc cung ứng SGK cũng “ồn ào, mệt mỏi”.

Nên cấm “mua – bán” SGK trong trường học

Về tình trạng trường học bán SGK, Trưởng phòng GD&ĐT một huyện tại Hà Nội phân tích, phân phối SGK qua các trường tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, họ không phải đi tìm mua từng bộ sách, thậm chí từng quyển. Cách làm này cũng thuận lợi cho các nhà xuất bản. Đó là học sinh đăng ký số lượng bao nhiêu in ấn bấy nhiêu, không có tình trạng thừa, thiếu sách như những năm trước.

Ngoài ra, phát hành sách qua trường học, phụ huynh không mua sách trôi nổi, tránh được tình trạng sách in lậu, in giả, kém chất lượng, không đúng với chương trình.

Cũng theo vị lãnh đạo này, trên lý thuyết, nhà trường giới thiệu danh mục SGK và sách bài tập, tài liệu tham khảo, bộ đồ dùng học tập tối thiểu để phụ huynh lựa chọn, “tích” vào những quyển cần mua hoặc có điều kiện có thể mua.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu trường có từ 2.000 đến hơn 3.000 học sinh, phụ huynh nào cũng “tích” vào danh mục những quyển cần mua, nhà trường rất khó để tổng hợp từng quyển, gửi đơn vị phát hành sách cung ứng đủ.

“Không có phương án trọn vẹn, do đó, hiệu trưởng sẽ chọn cách thuận lợi là thông báo 1 danh mục, phụ huynh tự hiểu chỉ có đồng ý mua hay không mua mà thôi”, vị này nói.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết, địa phương có tới 11 huyện miền núi, trong đó có nhiều nơi học sinh thực sự khó khăn, phụ huynh chật vật để mua được SGK. Do đó, Nghệ An đã xây dựng mô hình thư viện SGK hỗ trợ học sinh, sau mỗi năm học, các em lại để sách cho khoá sau học.

Ông Thành đề nghị, Bộ GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt các nhà trường tuyên truyền rõ để phụ huynh hiểu những loại sách bắt buộc học sinh cần có và những sách nào là bổ trợ, tham khảo không có cũng không sao.

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội), nói: “Cơ quan quản lý không nên để các trường học bán sách cho phụ huynh, từ đó nảy sinh khe hở hưởng lợi hoa hồng từ cách phát hành này, nhất là sau đại dịch COVID-19, cuộc sống nhiều người dân khó khăn, các bộ sách tăng giá người dân đã khổ lại phải cõng thêm rất nhiều loại sách bài tập, tài liệu tham khảo là quá sai”.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng việc tăng giá SGK mới gấp 2-3 lần so với SGK cũ là chuyện khó chấp nhận dù Bộ GD&ĐT lý giải sách khổ to, in đẹp. Vì SGK là hàng hoá thiết yếu, tất cả người dân phải mua cho con sử dụng, nên cần tính đến đại trà, giá phù hợp. Sách bài tập cần thiết dùng một lần không cần in quá đẹp, tránh lãng phí.

“Cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp quản lý, không thể thả nổi giá SGK và phụ huynh phải chấp nhận các mức giá”, ông Khuyến nói.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/ganh-nang-gia-sach-giao-khoa-bai-3-truong-thanh-kenh-phan-phoi-sgk-post1446108.tpo

sách giáo khoa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.