Giáo viên cần làm gì để tránh vi phạm quy định dạy thêm, học thêm?

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định nhiều điểm mới về dạy thêm học thêm có hiệu lực kể từ ngày 14/2 tới và Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu xử nghiêm các trường hợp vi phạm. Giáo viên cần tuân thủ các quy định để tránh trường hợp bị xử lý đáng tiếc.

Giáo viên cần lưu ý, các trường hợp không được dạy thêm học thêm được Bộ GD&ĐT quy định rõ tại Điều 4, Thông tư 29 cụ thể:

- Không tổ chức dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Giáo viên cần làm gì để tránh vi phạm quy định dạy thêm, học thêm?-1
Nhà trường hoặc các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không được dùng hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm, theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Như vậy, giáo viên tất cả các trường công lập, tư thục hay giáo viên tự do ở các trung tâm đều không được dạy các môn văn hoá cho học sinh lớp 1. Giáo viên có thể dạy thêm nhằm bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Đặc biệt, giáo viên các trường công lập không được tự mở trung tâm hay tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Nguyên tắc của dạy thêm, học thêm là chỉ được tổ chức khi học sinh, sinh viên có nhu cầu và tự nguyện học và được phụ huynh hoặc người giám hộ đồng ý. Nhà trường hoặc các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không được dùng hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.

Điều này, tránh được tình trạng phụ huynh phải “tự nguyện” viết đơn xin học thêm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các trường hợp tổ chức, cá nhân dạy thêm vì phụ huynh “tự nguyện” viết đơn xin học thêm nhưng vi phạm các quy định của thông tư cũng sẽ bị xử lý theo quy định.

Điều kiện để giáo viên được dạy thêm

Giáo viên trường công lập và tư thục đều được dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, giáo viên phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện được quy định cụ thể như:

Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện việc đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm

UBND tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, thanh tra

Mới đây, Thủ tướng đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Bởi vì, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở một số nơi còn bất cập chưa được kịp thời xử lý ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT cũng có nội dung UBND tỉnh, thành phố là đơn vị chịu trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương.

Trong đó, UBND tỉnh, thành phố là đơn vị ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương, trong đó có quy định về trách nhiệm của UBND các cấp; các cơ quan quản lí giáo dục và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; Việc quản lí và sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm; Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm.

UBND tỉnh, thành phố cũng có trách nhiệm chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở GD&ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương.

Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lí trên địa bàn.

Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm.

 

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/giao-vien-can-lam-gi-de-tranh-vi-pham-quy-dinh-day-them-hoc-them-post1715559.tpo

dạy thêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.