GS Trương Nguyện Thành gửi lời khẩn cầu đến các thầy cô giáo: Nếu vẫn dạy theo cách cũ nghĩa là đang cướp mất tương lai của học trò

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, giáo sư Trương Nguyện Thành đã đặt mình vào vị trí của một cậu học trò để có đôi lời khẩn cầu đến quý thầy cô.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, giáo sư Trương Nguyện Thành đã đặt mình vào vị trí của một cậu học trò để có đôi lời khẩn cầu đến quý thầy cô.
 

Dạy học luôn là một nghề cao quý và được cả xã hội tôn trọng, đặt nhiều niềm tin tưởng. Có thể hình dung rằng việc giáo dục, đào tạo con người là cả một nghệ thuật và những thầy cô chính là người nghệ sĩ. Còn "khán giả" ở đây không ai khác chính là bao thế hệ học trò.

Trong thời đại mới, khi mà các công nghệ hiện đại đã dần thay đổi toàn diện bộ mặt của nhân loại thì đương nhiên yếu tố giáo dục cũng cần phải có bước chuyển mình mang tính cách mạng. Nên tránh đi theo lối mòn của cách học cũ, tư duy thụ động thì mới có thể bắt kịp với thế giới.

Đó là nội dung chính trong bài viết mới đây của giáo sư "quần đùi" - GS Trương Nguyện Thành gửi đến quý thầy cô nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

GS Trương Nguyện Thành gửi lời khẩn cầu đến các thầy cô giáo: Nếu vẫn dạy theo cách cũ nghĩa là đang cướp mất tương lai của học trò-1

Cụ thể, vị giáo sư này đã đặt mình vào vị trí của một cậu học trò để gửi đến thầy cô đôi lời "khẩn cầu". Ông đã nêu lên những điểm còn hạn chế trong cách dạy học hiện này như về: việc học thuộc lòng, tranh đua điểm số, kỹ năng phản biện,…

"Kính thưa quý thầy/cô

Nếu thầy cô vẫn dạy chúng em như đã dạy trong quá khứ thì thầy cô đang cướp mất tương lai của chúng em.

Khi tương lai cần những người có thể ứng dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề phức tạp còn việc nhớ và lưu trữ kiến thức là việc của những robots. Với chiếc điện thoại thông minh chúng em có thể truy cập thông tin bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu. Thế tại sao thầy cô vẫn bắt chúng em phải bỏ thời gian học thuộc lòng những kiến thức mà nhiều lúc chúng em không biết dùng nó như thế nào.

Khi tương lai cần tinh thần cộng tác thì trong lớp chúng em phải tranh đua với nhau để có điểm tốt.

Khi tương lai cần con người có kỹ năng phản biện thì trong lớp chúng em phải ngoan ngoãn lắng nghe và tốt hơn hết không nên có ý kiến trái chiều.

Khi tương lai cần những con người sáng tạo thì trong lớp chúng em phải thuộc lòng những giải pháp mẫu, bài mẫu, v.v. Thế khi phải giải quyết những vấn đề mà không nằm trong các giải pháp mẫu nào đã học thì chúng em phải làm gì đây?

Chẳng lẽ chúng em học để trở thành những người vô dụng trong tương lai? Phải chăng đó là lý do tại sao bạn bè chúng em khi ra trường đại học khó kiếm việc làm?", GS Trương Nguyện Thành viết.

GS Trương Nguyện Thành gửi lời khẩn cầu đến các thầy cô giáo: Nếu vẫn dạy theo cách cũ nghĩa là đang cướp mất tương lai của học trò-2

Đồng thời, giáo sư "quần đùi" còn chỉ ra thực trạng và mục tiêu của việc giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Ông thẳng thắn cho rằng việc dạy học ngày nay cũng cần phải học cách dạy. Ông chia sẻ:

"Thưa quý thầy cô, môi trường sống của chúng em ngày nay thay đổi rất nhiều so với lúc thầy cô lớn lên. Ngày xưa thầy cô không bị phân tâm bởi công nghệ. Trong khi ấy tuổi trẻ chúng em có quá nhiều thứ chi phối độ tập trung, nào là Facebook, nào là chat, video game, v.v. chưa nói đến yêu đương tuổi học trò! Khi chúng em ngồi yên lặng để lắng nghe những thông tin thầy cô đọc từ các trang trong file PPT trên máy tính, thật sự chúng em cảm thấy chán ngấy và buồn ngủ khi phải học một cách thụ động như thế. Thầy cô có thể phê phán chúng em thiếu thái độ nghiêm túc trong việc học. 

Thưa thầy cô nếu thầy cô lớn lên trong môi trường sống như ngày hôm nay thì thầy cô cũng không khác hơn chúng em đâu. Thế thầy cô có thấu cảm được những thử thách của chúng em ngày hôm nay không? Nếu có thì làm sao để chúng em có thể cảm thấy thích thú khi vào lớp học của thầy cô?

GS Trương Nguyện Thành gửi lời khẩn cầu đến các thầy cô giáo: Nếu vẫn dạy theo cách cũ nghĩa là đang cướp mất tương lai của học trò-3

Nếu mục tiêu của giáo dục là đạo tạo những con người có giá trị cho cá nhân, gia đình và xã hội thì hiệu quả của giáo dục nên đánh giá bằng giá trị của những con người mà thầy cô đào tạo nên. Thành công của thầy cô là những con người mà 10, 20, và có thể 50 năm nữa quay lại tìm thầy cô để nói lời cảm ơn ‘Nhờ thầy cô mà em có ngày hôm nay’.

Học là một quy trình chuyển giao kiến thức từ nguồn dạy cho người học. Nguồn có thể là thầy cô, robots, hay thông tin trên mạng chứ không còn giới hạn từ thầy cô. Hiệu quả của quy trình này được đánh giá bằng khả năng ứng dụng kiến thức của người học trong môi trường sống thực tế. Quy trình này chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống của người học. Và nếu chúng ta đánh giá hiệu quả việc học như trên thì việc thầy cô dạy như thế nào, ứng dụng công nghệ hay không, xây dựng không khí lớp học như thế nào, v.v để đạt được mục tiêu ấy là trách nhiệm của thầy cô.

GS Trương Nguyện Thành gửi lời khẩn cầu đến các thầy cô giáo: Nếu vẫn dạy theo cách cũ nghĩa là đang cướp mất tương lai của học trò-4

Trong khi thầy cô khuyên bảo chúng em phải phát triển khả năng học suốt đời, thế thầy cô đã học được gì trong việc học hỏi các phương pháp giảng dạy mới để đào tạo con người của tương lai chứ không phải cho quá khứ?

Có lẽ việc dạy học ngày nay cũng cần phải học dạy.

Cảm ơn sự quan tâm của quý thầy cô. Cảm ơn quý thầy cô đã chọn nghề trồng người và xin chúc quý thầy cô một ngày Nhà Giáo thật đầy ý nghĩa.

Đại diện cho tất cả học sinh, sinh viên Việt Nam.

Em Trương Nguyện Thành"
 


Theo Helino

Xem link gốc Ẩn link gốc http://helino.ttvn.vn/helino/gs-truong-nguyen-thanh-gui-loi-khan-cau-den-cac-thay-co-giao-neu-van-day-theo-cach-cu-nghia-la-dang-cuop-mat-tuong-lai-cua-hoc-tro-220192011142026330.htm

GS Trương Nguyện Thành

ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20/11


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.