Hà Nội kiến nghị nên cho học sinh tựu trường năm học mới từ tháng 8/2022

Một số hiệu trưởng tại Hà Nội cho rằng, năm học 2021-2022 bị gián đoạn hoạt động dạy học trực tiếp, chất lượng bị ảnh hưởng do đó, năm học tới cần cho trường học mở cửa từ tháng 8 để các trường có thêm thời gian ôn tập, cũng cố kiến thức cho học sinh trước khi bước vào năm học mới.

Lo học sinh ngồi nhầm lớp

Năm học 2021-2022, thầy trò các trường ở Hà Nội khá vất vả, thiệt thòi khi phải dạy và học trực tuyến kéo dài gần trọn năm học. Tuy nhiên, Hà Nội quyết định không kéo dài thời gian năm học mà cho học sinh nghỉ hè theo đúng kế hoạch. Hiện các trường đang kiểm tra học kỳ II, hoàn thành các phần việc đánh giá kết thúc năm học.

Hà Nội kiến nghị nên cho học sinh tựu trường năm học mới từ tháng 8/2022-1

Nhiều người cho rằng, năm học mới cần cho học sinh tựu trường sớm từ 8 để có thời gian ôn tập.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh chia sẻ, điểm kiểm tra học kỳ II,điểm khảo sát chất lượng của con điểm thấp hơn dự kiến. Có phụ huynh học sinh lớp 9 ban đầu dự định sẽ cho con đăng ký nguyện vọng 1 vào trường tốp trên nhưng sau khi con có điểm đánh giá đã rất sốc, quyết định chuyển hướng nộp hồ sơ vào trường THPT ngoài công lập, không tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Một số giáo viên dạy lớp 1 cũng chia sẻ, kết thúc năm học này, chất lượng học sinh không được như những năm trước. Cụ thể, đa số các em đọc tốt nhưng chữ viết xấu, chưa hình thành được các kỹ năng cần thiết. Nguyên nhân là do trước đó cô trò chủ yếu học trực tuyến, học sinh mới đến trường trong thời gian ngắn, chưa đủ để rèn luyện.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu nói rằng, điểm kiểm tra trực tiếp thấp hơn trực tuyến là phản ánh đúng thực tế. Bởi, ngoài lý do đề cơ bản thì kiểm tra trực tuyến kết quả sẽ không đảm bảo công bằng, khách quan giữa các học sinh. Có những em ý thức học tập, làm bài nghiêm túc nhưng cũng có em mở tài liệu, tìm sự trợ giúp nên điểm cao hơn. Khi kiểm tra trực tiếp, giáo viên quan sát chặt chẽ hoặc đề kiểm tra nâng độ khó hơn một chút điểm học sinh cũng sẽ bị giảm. “Để kiểm soát chất lượng cũng như chuẩn bị cho học sinh lớp 9 thi vào lớp 10, Phòng GD&ĐT huyện ra đề khảo sát chung cho khối lớp này, các khối lớp còn lại do nhà trường chủ động kiểm tra, đánh giá chất lượng”, ông Hậu nói.

Học trực tuyến kéo dài, khó đảm bảo chất lượng

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội) khẳng định, để đánh giá năng lực thật của học sinh luôn cần được thực hiện trực tiếp. Có điều khó có thể phủ nhận là kết quả dạy học trực tuyến sẽ không được như trực tiếp. Nếu đánh giá một cách toàn diện, nghiêm túc đây là thực trạng đáng lo, các nhà trường cần có giải pháp bù đắp cho học sinh rồi mới bắt đầu năm học mới.

“Với tình trạng học trực tuyến kéo dài chưa từng có như năm học qua, năm học tới, Hà Nội nên cho học sinh tựu trường từ đầu tháng 8. Khi đó, nhà trường sẽ có 3-4 tuần cho học sinh ôn tập kiến thức cũ, chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Nhất là học sinh lớp 9 lên lớp 10 năm nay vừa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu để hổng kiến thức nền tảng sẽ rất khó khăn đảm bảo chất lượng”, ông Trung nói.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng nói, năm học qua, học sinh Thủ đô học trực tuyến kéo dài, đường truyền phập phù, em có máy tính, em phải học điện thoại, học ké… dẫn đến chất lượng giáo dục không thể đảm bảo. Do đó, rất cần thiết phải có thời gian để giáo viên bồi dưỡng, cũng cố kiến thức cho học sinh trước khi chuyển lớp. Hà Nội đã quyết định cho học sinh nghỉ hè theo đúng kế hoạch, kết thúc năm học vào cuối tháng 5/2022 để học sinh nghỉ ngơi, vui chơi. “Năm học mới, các trường ngoài công lập có thể sẽ cho học sinh tựu trường từ đầu tháng 8, khi đó thầy trò có 3-4 tuần để vừa ôn tập kiến thức, tổ chức các hoạt động trải nghiệm đảm bảo kiến thức, kỹ năng… thiết nghĩ, trường công lập cũng nên có kế hoạch cho học sinh có thêm thời gian ổn định nề nếp, cũng cố kiến thức trước khi vào năm học mới”, ông Khang nói.

Một số hiệu trưởng trường tiểu học cũng cho rằng, giai đoạn học sinh lớp 1, 2 rất quan trọng trong việc hình thành thói quen, kỹ năng cũng như khả năng đọc, viết Tiếng Việt. Nếu chưa đọc thông, viết thạo khi lên lớp trên trẻ sẽ rất khó khăn tiếp cận các môn học, kiến thức khác. Do đó, sau thời gian học trực tuyến kéo dài, các trường rất cần thiết có thời gian để giáo viên rèn luyện thêm cho học sinh, nhất là các em trung bình, yếu kém, chưa theo kịp các bạn.

Trước đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị đã có hướng dẫn các địa phương dạy học linh hoạt các hình thức khác nhau để ứng phó với dịch bệnh nhưng vẫn phải kiên trì đảm bảo chất lượng, đánh giá công bằng, khách quan, thực chất, tránh hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/ha-noi-kien-nghi-nen-cho-hoc-sinh-tuu-truong-nam-hoc-moi-tu-thang-8-2022-post1436328.tpo

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.