Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: “Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”

Câu chuyện của 2 cậu học trò Minh Hiếu - Tất Minh suốt 10 năm trời cõng nhau đi học, cuối cùng trở thành học sinh giỏi tỉnh và thi tốt nghiệp trên 28 điểm đã để lại cho đời một tình bạn quá đỗi đẹp đẽ giữa những cậu thiếu niên.

Giữa dòng đời xô bồ, ngày ngày đối mặt với những khó khăn và toan tính, người ta nhắc nhiều đến sự cho đi luôn kèm nhận quyền lợi nào đó. Dường như nhiều người đã cho là sự hiển nhiên, rằng không ai cho không ai cái gì mà không tính đến vụ lợi. Có lẽ bởi vậy mà khi cặp đôi học trò Minh Hiếu - Tất Minh (trường THPT Triệu Sơn 5, tỉnh Thanh Hóa) suốt 10 năm liền cõng nhau đến trường bất kể nắng mưa, bất kể giông bão, người ta bỗng thấy sao mà kỳ diệu quá.

Cảm động tấm lòng đôi bạn cõng nhau hơn 10 năm tới trường

Thương cậu bạn Tất Minh bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc mới chào đời với hai chân bị liệt, một tay bên phải không thể cử động, nam sinh cùng xóm Minh Hiếu đã ngày ngày tình nguyện cõng bạn đến trường từ năm lớp 2. Hai cậu học trò cứ dần gắn bó một cách nhẹ nhàng như thế, dần trở thành điều quen thuộc như hơi thở. Để rồi sau 12 năm, công đèn sách không phụ hai cậu học trò khi cả Minh và Hiếu đều đạt trên 28 điểm, không môn nào dưới 9 trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua.

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-1

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-2

Sau câu chuyện vừa kỳ lạ mà cũng hết sức phi thường đó, chúng tôi tìm về nhà 2 nam sinh ròng rã hơn 10 năm trời cõng nhau đi học, để hiểu sao một cậu bé như Minh lại có thể lạc quan đến trường, một nam sinh tên Hiếu lại sẵn sàng cõng bạn suốt 10 năm chẳng nề hà chuyện gì. Chúng tôi muốn tìm kiếm thứ gọi là "sức mạnh tình bạn" để hiểu rằng trên đời có những thứ không cần phải có sự đền đáp nhất định, những thứ người khác tưởng lớn lao hóa ra lại đến từ những điều bình thường nhất.

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-3


Nguyễn Tất Minh và Ngô Minh Hiếu đều sinh ra trong những gia đình làm nông, có bố làm công việc tự do nay đây mai đó, còn mẹ làm thuê công ty cách nhà hàng chục cây số. Tất Minh bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc mới chào đời với hai chân bị liệt, một tay bị co quắp không thể cử động được. Kinh tế gia đình không hề khá giả nhưng thương con, bố mẹ Minh cũng đã cố gắng tìm mọi cách để chạy chữa nhưng mọi thứ dường như không thể thay đổi.

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-4

Và rồi, bố mẹ Minh học cách không gục ngã khi phải đối diện với sự thật con trai mình sẽ mang theo những khiếm khuyết cơ thể đến suốt đời. Cha mẹ buộc phải chấp nhận rằng họ chẳng có thời gian để xin lỗi hay oán trách, vì trước mặt họ là cả cậu con trai nhỏ cần bờ vai của bố mẹ bên cạnh, để cậu hiểu rằng bản thân mình không cô độc và không khác người.

"Minh chưa bao giờ tự ti về bản thân, thậm chí còn là chỗ dựa tinh thần cho cha mẹ. Minh thường tâm sự với cô nay mai con muốn làm trong ngành Công nghệ thông tin chỉ cần ngồi một chỗ. Khi đó con sẽ kiếm việc, tự nuôi sống bản thân và cha mẹ sau này. Minh không thích nhận đặc quyền của người khuyết tật vì với Minh, em cũng là con người bình thường và em mong mọi người cũng đón nhận em với những cảm xúc và suy nghĩ vẹn nguyên như thế", mẹ Minh tâm sự.

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-5

Nghĩ thương bạn không thể tự đi lại, Hiếu tình nguyện ngày ngày sang cõng bạn đến trường. Cứ thế suốt hơn 10 năm qua, trừ khi nghỉ hè, nghỉ Tết, hai bạn đều đến đón nhau đi học, đi chơi, cắt tóc cũng đi với nhau, không bỏ Minh buổi nào.

Và lý do để một cậu bé 8 tuổi có thể đưa ra quyết định can đảm đó cũng giản dị như cách trò chuyện của Hiếu: "Dù Minh sinh ra khiếm khuyết nhưng chưa bao giờ bạn buồn hay oán trách số phận với ai. Nhìn mình và các bạn tay chân lành lặn còn bạn thì phải ở nhà, mình thấy thương bạn lắm nên quyết tâm phải làm điều gì đó để đưa bạn đến trường cùng".

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-6

Có lẽ, điều may mắn nhất của của cuộc đời Minh là gặp được Hiếu. Thời điểm đó, cả Minh và Hiếu đều mới chỉ học lớp 2, ở cái tuổi những đứa trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới". Thời đó đường làng chưa được rải nhựa, đến mùa mưa trơn trượt rất dễ ngã. Quãng đường từ nhà đến trường cách gần 2 cây số, mỗi lần ngã xuống đất, bộ đôi lại đành giấu bố mẹ cứ thế đi tiếp đến trường.

"Thực sự lúc mới bắt đầu cõng bạn đi, nhiều người cũng dòm ngó và buông lời đùa: ‘Thằng ý khuyết tật thì cho đi học làm gì?’, ‘Đằng nào cũng bỏ học, đèo nó làm gì?’. Lúc đó mình không suy nghĩ nhiều, cứ đưa bạn như bình thường. Sau một thời gian người ra cũng dần quen, kệ đi và không còn bàn tán về hai đứa nữa".

Hơn 10 năm cũng là một thập kỷ dài gần 4000 ngày. Đó là quãng thời gian không hề ngắn trong cuộc đời mỗi người. Mỗi ngày, hai cậu học trò đều dậy từ 4h30 để cùng chuẩn bị đi học. Nhớ về những ngày đầu lai bạn đi, Minh tâm sự: "Do Minh khuyết tật nên việc lên xuống xe của bạn rất khó khăn, việc di chuyển cũng khó trong việc giữ thăng bằng, nhưng sau thời gian dài thì Minh cũng học được cách ngồi sau yên chỉ bằng 1 tay. Qua chỗ ổ gà hay vũng nước, em lại bảo bạn ôm chặt lại, xích gần em để khỏi ngã".

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-7


Đi đến đường đá, "ổ voi" hay "ổ gà", Hiếu cứ thế băng qua chứ cũng không dám ngoặt tay lái vì sợ Minh đằng sau thay đổi tư thế đột ngột sẽ bị ngã xuống đất. Không chỉ có Hiếu mà cả gia đình hai bên đều rất sợ có thể gây ra thương tích cho Minh.

"Hồi Tiểu học lai bạn đi, Hiếu đi xe cũng chưa sõi, đi xe không được cân bằng, nhiều lần ngã nhưng 2 đứa cứ giấu không nói cho cha mẹ biết. Khi 2 đứa ngã, con mình thì mình xót thật nhưng chú vẫn lo cho Minh hơn vì em không tự chủ được, nếu ngã thì chỉ có rơi tự do. Vẫn luôn động viên con phải đi xe thật an toàn. Lai bạn ngã cũng nhiều, về nhà thấy quần áo khác là biết ngay. Nhưng gia đình cũng động viên con chịu khó lai bạn, rồi sẽ có những lúc cuộc đời đền đáp lại mình", bố Hiếu tâm sự.

Điều đặc biệt nhất khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ ở đôi bạn cùng tiến đó là trong suốt 10 năm qua, cả hai em chưa hề cãi nhau. Để có sức khỏe cõng bạn, Hiếu thường xuyên tập luyện thể dục, ăn uống nhiều hơn. Trái lại với Hiếu, Minh ngậm ngùi: "Em chẳng dám ăn vì sợ to béo, Hiếu cõng vất vả, thương bạn hơn".

Không ai nói với ai nhưng cả hai em đều thống nhất sẽ đăng ký học cùng trường, cùng lớp với nhau. Hiếu và Minh chọn học cấp 1, cấp 2 và thi cùng một trường cấp 3. Những giờ học trên lớp, nếu Minh phải lên bảng giải bài thì Hiếu sẽ cõng bạn và đứng đó chờ đến khi bạn làm xong bài tập.

Ba năm cấp 3 hầu như không hôm nào bộ đôi nghỉ học. Hiếu mà nghỉ thì Minh cũng sẽ nghỉ học theo luôn. Dần dần, người ta quá quen với hình ảnh 2 cậu học trò cõng nhau đến trường. Năm lớp 10 thì chủ yếu Hiếu cõng bạn nhưng đến năm lớp 11 - 12 thì ai cũng phụ được, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ Hiếu kể cả học sinh khối khác. Có lẽ chính Hiếu là sợi dây gắn kết Minh với những học trò cùng trường, và tiếp thêm động lực cho cậu hiểu rằng, bản thân Minh cũng bình thường như biết bao con người khác.

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-8

Hồi mới lên lớp 10, Minh thuộc diện học sinh được tuyển thẳng của trường nhưng em đã cương quyết đến nói với thầy Hiệu trưởng xin được làm bài thi như những học trò khác. Sau 3 năm, từ diện học sinh khá, cả Minh và Hiếu đã vươn lên dẫn đầu toàn khối và đều là thành viên trong các đội tuyển đi thi học sinh giỏi tỉnh của trường.

Không chỉ có Hiếu bên cạnh mà thầy cô và bạn bè xung quanh cũng rất quan tâm đến cậu học trò Tất Minh. Thầy Hiệu trưởng cho phép Minh được miễn học thể dục và hai bạn được đi xe thẳng vào trong sân trường để tiện đưa đón. Sợ 2 học trò lên báo quá nhiều ảnh hưởng việc học, Hiệu trưởng đặc biệt căn dặn giáo viên bộ môn phải chăm sóc kỹ để tránh bộ đôi mắc bệnh ngôi sao hay sa sút học hành.

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-9

Tuy học hai khối khác nhau, Minh khối A còn Hiếu khối B nhưng năm lớp 11, Minh lại đột ngột rẽ hướng sang thi học sinh giỏi tỉnh môn Sinh để cùng Hiếu mỗi tuần đi học phụ đạo thêm trên trường. Từ một cậu học trò học khá môn Sinh, Minh khiến ai nấy đều hết sức kinh ngạc khi đạt giải Khuyến Khích học sinh giỏi tỉnh, còn Hiếu cũng kịp mang về giải Nhì khi chỉ cách vị trí dẫn đầu 0,25 điểm.

Cô Xinh (giáo viên dạy môn Sinh) chia sẻ: "Lớp học ròng rã chỉ có ba cô trò. Hiếu thông minh và ghi nhớ kiến thức rất nhanh còn Minh lại rất nỗ lực khi luôn hỏi đáp bằng được những thắc mắc của mình mà không hề e ngại. Đợt ôn thi lo cho Minh lắm, người nhỏ thó có hơn 30 kg, lại học mùa đông ‘trái gió dở trời’ rất vất vả. Mỗi lần Minh quá mệt, em lại xin cô cho nằm dài xuống ghế một lúc rồi mới tiếp tục hành trình ôn thi".

Đến năm lớp 12, 2 bạn cũng tự hiểu phải rời xa nhau vì những ngã rẽ mới. Hiếu mong muốn trở thành bác sĩ khát vọng sẽ giúp đỡ nhiều người hơn và cũng là tận tay chữa bệnh cho cậu bạn. Còn Minh thì lại mong muốn thành một kỹ sư chuyên ngành Công nghệ thông tin để phù hợp với bản thân.

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-10
Hồi đầu năm, Hiếu quyết định đồng hành với Minh theo học cùng trường đại học sẽ tiện đường đưa đón bạn. Thế nhưng, quyết định này bị Minh quả quyết từ chối. Nam sinh tâm sự: "Hiếu đã cõng em đi suốt hơn 10 năm nay và đó là điều khiến em rất trân trọng bạn. Em chỉ mong Hiếu có thể hạnh phúc và theo đuổi nghề nghiệp đã chọn. Vì em mà bạn phải hi sinh thì em sẽ rất buồn lòng".

Đặt ra mục tiêu trúng tuyển nguyện vọng 1, ròng rã nhiều tháng trời sau đó là những ngày tháng tự học miệt mài cả hai. Hiếu và Minh nhiều đêm thức đến 1 - 2 giờ sáng, cùng chỉ nhau những bài tập khó nhằn. Và cuối cùng kết quả không phụ lòng người khi cả hai đều đạt điểm số cực cao trong đó, Hiếu thi khối  với số điểm 28,15 (Toán 9,4; Toán 9,75 và Sinh 9,0) còn Minh đậu khối A với số điểm 28,1 (Toán 9,6; Lý 9,25 và Hóa 9,25) - lọt top 5 thí sinh có số điểm thi tốt nghiệp cao nhất trường THPT Triệu Sơn 5.

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-11
Một tương lai rộng mở đang chào đón 2 chàng trai đặc biệt này nhưng kèm theo đó là những nỗi lo trước ngưỡng cửa đại học.

Minh Hiếu sau khi nhận kết quả thi xong đại học đã xin bố theo chân phụ hồ khắp Bắc Ninh, Hà Nội suốt 10 ngày để kiếm thêm tiền đóng học phí sắp tới. "Dù không trực tiếp nói ra nhưng em biết quãng thời gian sắp tới sẽ rất khó khăn cho điều kiện kinh tế của gia đình. Em lo cho bố lao động nặng quá sớm nên dễ bị mất sức. Em cũng không biết sau này ai sẽ tiếp tục giúp đỡ được bạn hay không".

Còn với Tất Minh, nỗi lo trong cậu là: "Nỗi lo lớn nhất của em là việc sinh hoạt ở trường và đi lại sẽ không có Hiếu bên cạnh. Từ hồi đầu năm hai đứa cũng đã nghĩ về chuyện này và đã đến lúc chúng em cần tự bước đi trên đường đời của mình".

Sau tất cả, trong những dự định của cả 2 luôn có phương án hai cậu học trò ở gần nhau thì sẽ thuê chung trọ, và Hiếu sẽ tiếp tục đưa Minh đến trường. Nghịch cảnh, bằng một cách nào đó, đã đem con người lại gần hơn một chút và mang đến những tia sáng ở phía cuối con đường mà ít ai ngờ tới. Và chúng tôi cũng thầm cảm ơn vì Hiếu đã quyết định theo đuổi nghề bác sĩ - một nghề cần lắm trái tim biết yêu thương và sẵn sàng hi sinh cho mọi người.

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-12

"13 - 14 năm gắn bó với bạn, chúng em chơi thân với nhau, đã coi nhau là người bạn tri kỉ. Minh không thường thể hiện cảm xúc với em, nhưng chúng em là bạn, có những tình cảm không cần nói lên thì người còn lại vẫn hiểu. Được đồng hành với Minh trong suốt mười mấy năm qua đã là điều rất quý giá đối với em rồi. Em không cần Minh nói câu cảm ơn, hay làm hành động báo đáp mà chỉ cần chúng em chơi với nhau được ngày nào thì quý ngày đó.

Thời gian tới, dù thế nào đi chăng nữa vẫn là quãng thời gian tươi đẹp cho cả hai. Vì nếu được ở cạnh nhau thì có thể giúp đỡ nhau, đưa nhau đến trường. Còn nếu không ở gần nhau thì ngoài kia vẫn có rất nhiều người tốt có thể đưa Minh đến trường như em. Đây cũng là cơ hội để rèn luyện tính tự lập nhiều hơn nên bọn em sẽ suy tính đường nào tốt nhất cho cả hai".

Khi được hỏi về việc liệu có cơ hội, Hiếu vẫn sẽ tiếp tục cõng cậu bạn thân của mình suốt đời thì nam sinh này không ngần ngại trả lời: "Thực sự nếu được cõng bạn Minh 4 năm đại học tiếp theo thì em cũng tình nguyện suốt thời gian tới. Minh là người bạn rất thân thiết với em và nếu 1 ngày nào đó mà thiếu Minh thì em sẽ thấy như thiếu vắng cái gì đó trong ngày hôm đấy và không còn ý nghĩa nào cả".

Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-13Hành trình 10 năm cõng bạn khuyết tật đến trường: Dù cõng bạn cả đời, mình cũng sẵn sàng”-14

Câu chuyện của Minh và Hiếu như truyện cổ tích giữa đời thường về một tình bạn cao đẹp không vụ lợi, và cả ý chí nghị lực mang tên Nguyễn Tất Minh. Nếu bạn có thể chạy một mạch trên đôi chân thì Minh chạy bằng ý chí, làm việc đó hàng ngày bất kể nắng mưa hay bao lần phải ngã nhào trên chiếc xe lăn. Đó là thứ tinh thần mà chúng ta cần có cho mọi thứ trong cuộc đời này. Vẫn sẽ ổn thôi nếu Minh đi chậm hoặc đôi khi có thể là người về đích phía sau, nhưng quan trọng cậu không bỏ cuộc. Đó là lý do vì sao chúng tôi nghĩ dù đi đâu, Minh vẫn sống tốt và sẽ có những người tốt giúp đỡ cậu học trò này. Không phải vì thương Minh khuyết tật, mà vì sức mạnh tinh thần của cậu lan tỏa đến những người xung quanh.

Thời gian tới khi biết điểm, dù phải xa nhau hay vẫn bên cạnh cõng nhau đến trường thì tình bạn ở cả hai vẫn sẽ mãi vẹn nguyên như thế. Bởi như lời khẳng định chắc nịch của cả hai: "Vạn sự đều có khởi đầu và kết thúc, chỉ có tình bạn là bên nhau mãi mãi".

Theo Trí Thức Trẻ

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ttvn.toquoc.vn/hanh-trinh-10-nam-cong-ban-khuyet-tat-den-truong-du-cong-ban-ca-doi-minh-cung-san-sang-220206923141215.htm

tình bạn

khuyết tật


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.