Hướng dẫn làm bài thi Văn vào lớp 10 Hà Nội

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn tại Hà Nội năm 2021

Xem hướng dẫn làm bài thi môn Văn sau ít phút nữa (liên tục cập nhật)

Đề thi Văn vào lớp 10 ở Hà Nội sáng 12/6 được nhiều giáo viên đánh giá khá 'dễ thở'.

Cô Nguyễn Đức Tâm An, giáo viên dạy Văn Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) cho hay, đề thi vừa sức, giải toả tâm lí cho thí sinh do không đánh đố, lắt léo, phù hợp với tình hình ôn tập và thi cử trong làn sóng dịch bệnh thời gian qua.

- Cấu trúc đề thi và biểu điểm có điều chỉnh để phù hợp với thời gian làm bài 90' năm nay, nhưng vẫn tương đối ổn định với 2 phần. Các câu hỏi ở từng phần đúng với thứ tự cấp độ tư duy. Câu vận dụng khá nhẹ nhàng, cơ bản. Đáng chú ý là biểu điểm hai câu viết đoạn tăng lên 0.5 điểm so với đề thi những năm gần nhất (NLVH từ 3.5 lên 4 điểm, NLXH từ 2 lên 2.5 điểm). Mức điểm từng câu hỏi thành phần đều rõ ràng minh bạch, nếu thí sinh dựa vào đó làm cơ sở phân bổ thời gian và "đầu tư" cho những câu hỏi tăng số điểm, thì các em sẽ có bài làm chắc chắn và thuyết phục.

- Dù không khó, nhưng đề thi vẫn đảm bảo được định hướng đánh giá năng lực ở học sinh, giảm bớt yếu tố học thuộc lòng. Chỉ có 2 ý hỏi tái hiện kiến thức là năm sáng tác của bài "Đồng chí" và tên tập thơ, chiếm tỉ trọng 10% số điểm toàn bài.

- Đề vẫn có câu hỏi phân hoá là câu 3 phần I và câu 1 phần II. 2 câu hỏi mức độ khó không cao, nhưng có lẽ chỉ 70% số thí sinh có thể trả lời đầy đủ và trọn vẹn ý theo đáp án.

- Câu NLXH: vấn đề nghị luận khá quen thuộc với các em học sinh lớp 9, có sự kết nối với ngữ liệu "Tri thức là sức mạnh" trích từ SGK Ngữ văn 9, nhưng vẫn khơi gợi được suy tư của thí sinh với cách đặt vấn đề "mở" bằng câu hỏi: "Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?". Với dạng đề này, thí sinh cần nêu được chính kiến cá nhân (đồng tình hay không) và giải thích, biện luận để làm sáng tỏ cho ý kiến của mình. Độ mở chính là ở phần biện luận, vì với thí sinh có tư duy phản biện, các em hoàn toàn có thể đặt vấn đề để bổ sung, mở rộng: Giá trị con người được tạo nên bởi nhiều yếu tố, không chỉ là tri thức, mà còn là phẩm cách, tình yêu thương, lí tưởng, khát vọng,...

- Phổ điểm có thể rơi vào 6.5-7.5. Học sinh trung bình dễ đạt được ngưỡng điểm 6, Học sinh khá giỏi có nhiều "đất diễn" và có thể đạt ngưỡng điểm 8 trở lên.

Sau đây là gợi ý đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tại Hà Nội năm 2021 của Hệ thống giáo dục Hocmai:

Phần I

Câu 1: Bài thơ Đồng chí được sáng tác năm 1948. Tác phẩm này được in trong tập “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu.

Câu 2:

1. Về hình thức

- Đoạn văn đảm bảo dung lượng: 12 câu.

- Hình thức lập luận: tổng – phân – hợp.

- Đoạn văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

- Thực hiện đủ yêu cầu Tiếng Việt trong bài viết: có sử dụng phép lặp để liên kết và câu ghép (gạch chân, chú thích rõ từ ngữ dùng làm phép lặp và một câu ghép).

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng trong 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí.

b. Triển khai vấn đề

- Tình đồng chí bắt nguồn sâu xa từ tương đồng về cảnh ngộ xuất thân. Thành ngữ “nước mặn đồng chua” – vùng chiêm trũng ngập mặn và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” – vùng trung du khô cằn – cho thấy họ đều là những người nông dân xuất thân từ những vùng quê lam lũ, nghèo khó.

- Tình đồng chí nảy sinh giữa những người lính chung lí tưởng, chung nhiệm vụ chiến đấu:

+ Trong hoàn cảnh đất nước có ngoại xâm, tình yêu quê hương thôi thúc họ cầm súng chiến đấu, chẳng hẹn mà cùng đứng chung một chiến hào.

+ Quá trình hình thành tình đồng chí diễn ra tự nhiên, những người lính từ “đôi người xa lạ” đến từ mọi vùng quê khác nhau gắn kết thành tình tri kỉ.

+ Các hình ảnh sóng đôi “súng”, “đầu” kết hợp với điệp ngữ “bên” gợi sự đồng hành, gắn kết trong nhiệm vụ, xóa đi khoảng cách vùng miền giữa những người lính.

- Tình đồng chí bền chặt trong sự chan hòa chia sẻ vui buồn, gian lao của cuộc kháng chiến chống Pháp:

+ “Chung chăn” trong “đêm rét” là chung khó khăn, khắc nghiệt của cuộc đời người lính, chung hơi ấm để vượt qua giá lạnh và gắn kết bên nhau.

+ Từ “đôi người xa lạ”, những người chiến sĩ trở thành “đôi tri kỉ”, cùng nếm trải, sẻ chia những vui buồn của cuộc đời người lính đến thấu hiểu nhau sâu sắc.

- Dòng thơ “Đồng chí!” là dòng thơ đặc biệt bởi chỉ có 2 tiếng và dấu chấm than nhưng lại là một trong những câu quan trọng bậc nhất, là linh hồn của cả bài thơ:

+ Lời thơ cất lên trong niềm xúc động lắng sâu, tựa như một nốt nhấn trong một bản nhạc tâm tình của người lính.

+ Tiếng gọi “đồng chí” vang lên như một khám phá, một nhận thức, một lời khẳng định giản dị, mộc mạc mà rất đỗi thiêng liêng, tự hào về tình đồng chí – tình cảm cách mạng mới mẻ trong cách mạng, tình bạn, tình đồng đội, tình người trong chiến tranh.

+ Câu thơ như một cái bản lề khép mở, gắn kết hai ý thơ: cơ sở của tình đồng chí (đoạn 1) và biểu hiện của tình đồng chí (đoạn 2).


- Nghệ thuật: Bằng cách sử dụng thể thơ tự do, kết cấu sóng đôi và mạch thơ vận động từ các hình ảnh riêng rẽ đến hòa hợp, thống nhất, Chính Hữu đã lí giải cơ sở của tình đồng chí giản dị mà xúc động, thiêng liêng.

Câu 3: Hình ảnh “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” giúp người đọc cảm nhận được tình đồng chí, đồng đội sâu nặng của những người lính:

- Họ đoàn kết gắn bó, “kề vai sát cánh” trước trận chiến.

- Họ truyền trao hơi ấm, làm điểm tựa tinh thần cho nhau, giúp nhau vượt lên trên khó khăn, nguy hiểm.

- Họ bình tĩnh, tự tin, chủ động đón đánh địch.

Phần II

Câu 1: Xten-mét-xơ cho rằng “vạch một đường thẳng” có giá 1 đô la nhưng “tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy” lại có giá 9999 đô la vì:

- Việc “vạch một đường thẳng” là việc mà ai cũng có thể làm được, không mất thời gian.

- Việc “tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy” là công việc không phải ai cũng làm được. Việc này là một quá trình tìm tòi, nghiên cứu, đòi hỏi người làm phải có “tri thức thâm hậu”.

Câu 2: 

1. Về hình thức

Bài viết có dung lượng khoảng 2/3 trang giấy, đảm bảo đúng cấu trúc ngữ pháp, ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, không mắc lỗi chính tả, khuyến khích bài viết có những sáng tạo riêng.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Vai trò của tri thức đối với việc tạo nên giá trị con người.

b. Triển khai vấn đề

Học sinh triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Học sinh có thể đồng tình hoàn toàn, đồng tình một phần hoặc không đồng tình với câu hỏi trong đề miễn sao các em lập luận hợp lí, thuyết phục. Sau đây là gợi ý cho một hướng giải quyết đề bài:

* Giải thích

- Tri thức: là những hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội mà con người có được thông qua quá trình trải nghiệm, tích lũy cá nhân hoặc thông qua giáo dục.

- Giá trị con người: là ý nghĩa sự tồn tại của mỗi con người, là tất cả những điều mỗi người đem đến, tạo ra cho cuộc sống, từ đó khẳng định vị trí của họ.  

→ Khẳng định vấn đề: Tri thức làm nên giá trị con người.

* Bàn luận

- Tri thức giúp con người có hiểu biết phong phú, sâu rộng, có khả năng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy để làm chủ hoàn cảnh, giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, từ đó đạt đến thành công.

- Tri thức rèn cho con người những đức tính phẩm chất đạo đức tốt như kiên trì, bền bỉ, cầu tiến.

- Tri thức giúp con người khẳng định chính mình, có chỗ đứng trong xã hội, được kính trọng, yêu mến.

* Liên hệ, mở rộng vấn đề

- Tri thức phải gắn liền với thực tiễn, không đồng nhất bằng cấp với việc có tri thức.

- Tri thức chỉ thực sự làm nên giá trị của con người khi song hành với một nhân cách đẹp.

- Phê phán những người chỉ “học” mà không “hành”, chỉ biết tích luỹ tri thức trong sách vở mà không biết học tập và thực hành trong thực tế.

* Bài học nhận thức và hành động

- Nhận thức được vai trò của tri thức, mối quan hệ giữa tri thức và giá trị con người.

- Có ý thức trau dồi, tích lũy tri thức đồng thời rèn luyện nhân cách để hoàn thiện bản thân.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dap-an-mon-ngu-van-thi-lop-10-ha-noi-nam-2021-743739.html?fbclid=IwAR2Eg3rXYH6KloJgs1UMrUbul17Np7C5_8-XYYvKWavOVTEcRr-dcpbMnbQ

thi vào lớp 10


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.