Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng hoang mang chưa biết thời điểm nhận bằng tốt nghiệp

Hơn 2.000 sinh viên của trường ĐH Tôn Đức Thắng tốt nghiệp tháng 9/2020 chưa biết khi nào được nhận bằng tốt nghiệp.

Hơn 2.000 sinh viên của trường ĐH Tôn Đức Thắng tốt nghiệp tháng 9/2020 chưa biết khi nào được nhận bằng tốt nghiệp do liên quan đến vị trí hiệu trưởng của trường này vẫn đang để trống; còn Hội đồng trường cũng chưa biết khi nào thành lập.

Tại hội nghị giao ban báo chí quý 4/2020 do Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam tổ chức sáng 8/1, trả lời câu hỏi liên quan đến trường ĐH Tôn Đức Thắng, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam cho biết, vấn đề của trường là do nhân sự.TLĐLĐ Việt Nam sẽ thông tin kịp thời, nhưng thời điểm nào thì chưa thể nói được.

Giai đoạn này, TLĐLĐ tập trung nhân lực để sớm ổn định bổ máy theo quy định của pháp luật hiện hành.

Một tổ công tác với sự góp sức của nhiều ngành, nhiều đơn vị đang được giao trách nhiệm hướng dẫn trường thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục ĐH và các quy định liên quan.

Về trách nhiệm đối với 2.000 sinh viên chưa được cấp bằng tốt nghiệp, ông Hải cho hay cách đây 2 ngày, ông làm việc với nhà trường và cũng băn khoăn liệu các em sinh viên ra trường có ảnh hưởng gì đến việc các em xin việc làm, tiếp tục học hành? Nhà trường trả lời rằng đã thông báo hết cho các em về điều kiện cần thiết đáp ứng mọi nguyện vọng và đáp ứng được các yêu cầu trong thực tiễn. Nếu có khó khăn, nhà trường sẽ cử người trực tiếp đến hỗ trợ các em sinh viên.

Cũng theo ông Hải, từng là người đi học nên ông hiểu rằng ai cũng muốn có một tấm bằng chính danh, Tổng LĐLĐ Việt Nam hiểu trách nhiệm này của mình và thực hiện sớm nhất để ổn định về bộ máy nhân sự của nhà trường.

Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng hoang mang chưa biết thời điểm nhận bằng tốt nghiệp-1.
Đại học Tôn Đức Thắng.

Lãnh đạo TLĐLĐ Việt Nam khẳng định, việc thành lập Hội đồng Trường ĐH Tôn Đức Thắng rất cần thiết. Ổn định hoạt động không chỉ để nhà trường tiếp tục phát triển mà còn đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là sinh viên.

Được biết thời gian này, trường ĐH Tôn Đức Thắng cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, bảng điểm tốt nghiệp và hỗ trợ chứng nhận với cơ quan tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp đợt tháng 9/2020.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, người cấp và ký tên trên các văn bằng tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ phải là hiệu trưởng hoặc cấp phó phụ trách nhà trường.

Trong khi đó, ông Lê Vinh Danh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng, đã bị đình chỉ công tác từ ngày 21/8/2020 và bị cách chức từ cuối tháng 10/2020.

Muốn bổ nhiệm hiệu trưởng mới, theo quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018, trường ĐH Tôn Đức Thắng phải có Hội đồng trường.

TLĐLĐ Việt Nam giao nhiệm vụ cho ông Trần Trọng Đạo quản lý và điều hành nhà trường. Ông Đạo đại diện theo pháp luật, chủ tài khoản của trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng TLĐLĐ Việt Nam lại không giao chức vụ "phó hiệu trưởng phụ trách" cho ông Đạo. Do đó, ĐH Tôn Đức Thắng không có người đủ quyền hạn để ký bằng tốt nghiệp cho sinh viên.

Đầu tháng 11/2020, Bộ GD&ĐT đã thành lập đoàn công tác liên ngành, làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt trường. Đoàn đã rà soát, xem xét và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018 về thành lập Hội đồng trường, kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Ngày 11/12/2020 Bộ GD&ĐT gửi công văn cho trường ĐH Tôn Đức Thắng hướng dẫn quy trình thành lập hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt của trường này, nhiệm kỳ 2020-2025.

 

Theo Tiền phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.tienphong.vn/giao-duc/sinh-vien-dh-ton-duc-thang-hoang-mang-chua-biet-thoi-diem-nhan-bang-tot-nghiep-1776216.tpo

Sinh viên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.