Vụ học sinh đứng chào xe giáo viên khi trời lạnh: Lãnh đạo Sở GD&ĐT nói gì?

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, thời tiết lạnh giá nhà trường nên rút kinh nghiệm, không yêu cầu đội cờ đỏ hoạt động để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Bùi Thị Thanh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, cho biết đơn vị đã nắm được vấn đề báo chí phản ánh về việc 2 học sinh ở Trường THCS Trần Mai Ninh, thành phố Thanh Hóa đứng ở cổng trường, cúi chào giáo viên.

Theo bà Thanh, các nhà trường thường có mô hình cổng trường tự quản do đội cờ đỏ phụ trách, nhằm duy trì nề nếp, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Nhiệm vụ của đội cờ đỏ là đôn đốc các bạn học sinh không tụ tập, đứng nói chuyện gây ùn tắc giao thông đầu và cuối mỗi buổi học. Theo thông lệ, đội cờ đỏ ở các lớp phân công nhau trực ở cổng trường.

Vụ học sinh đứng chào xe giáo viên khi trời lạnh: Lãnh đạo Sở GDĐT nói gì? - 1

Hình ảnh học sinh đứng ở cổng trường cúi chào mỗi khi giáo viên đi vào (Ảnh cắt từ clip).

"Tại Trường THCS Trần Mai Ninh cũng có đội cờ đỏ, các em thường trực ở cổng trường. Thời tiết bình thường thì hoạt động không sao, tuy nhiên những buổi thời tiết lạnh giá như thế này, nhà trường nên rút kinh nghiệm, không nên yêu cầu các em hoạt động, cần bảo các em nghỉ để không ảnh hưởng đến sức khỏe", bà Thanh nói.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, việc học sinh trong đội cờ đỏ thấy thầy cô giáo đi qua, các em cúi chào, không phải học sinh đứng ở cổng trường chỉ để chào thầy cô. Nhiệm vụ chính của đội cờ đỏ là nhắc nhở, đôn đốc các bạn học sinh không làm ảnh hưởng đến giao thông quanh khu vực cổng trường.

"Học sinh đầu hoặc cuối buổi học đi qua cổng trường thường hay đứng lại nói chuyện, đợi nhau, làm ảnh hưởng đến giao thông nên các nhà trường tổ chức đội cờ đỏ để góp phần giải tỏa ùn tắc. Các em đứng đó, khi thấy thầy cô mình đi qua nên chào thôi.

Cũng mong mọi người chia sẻ, không phải mục đích học sinh đứng ở cổng trường để chào thầy cô. Đối với những đơn vị trường học ở vị trí gần đường giao thông thường có đội cờ đỏ.

Trường Trần Mai Ninh có cổng tiếp giáp với đường giao thông nên nhà trường tổ chức đội cờ đỏ để góp phần nâng cao ý thức của học sinh, giảm ùn tắc", bà Thanh chia sẻ.

Về vấn đề nhiều người lo lắng đến an toàn giao thông khi thầy cô giáo đi ô tô, còn các học sinh đứng bên cổng trường, bà Thanh lý giải, trường hợp đi xe đạp, xe máy thì phải xuống dắt, tuy nhiên, đi ô tô thì không thể xuống xe và cũng không đậu ngoài đường được. Việc này, theo bà Thanh, các thầy cô giáo cần phải lưu ý thận trọng hơn.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh và clip ghi lại cảnh 2 học sinh Trường THCS Trần Mai Ninh đứng trước cổng trường giữa trời lạnh giá, có hành động cúi đầu chào mỗi khi ô tô của giáo viên đi vào.

Những hình ảnh sau khi xuất hiện đã có những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng hành động của 2 học sinh thể hiện sự lễ phép, kính trọng giáo viên. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, giữa lúc nhiệt độ xuống thấp, các học sinh không cần thiết phải đứng giữa trời giá rét để cúi chào như vậy. 

Bà Trần Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Mai Ninh, xác nhận có việc học sinh cúi đầu chào giáo viên ở cổng trường. Các học sinh trực ở cổng trường học lớp 9, thuộc đội cờ đỏ để trực nề nếp.

Về việc học sinh cúi đầu chào tại cổng trường là hành động tự nguyện của các em, không bắt buộc. Khi học sinh chào thì các giáo viên đi ô tô đều kéo cửa kính và chào lại các em.

Nữ hiệu trưởng cho biết, nhà trường sẽ không để học sinh đứng cổng trường nữa.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/vu-hoc-sinh-dung-chao-xe-giao-vien-khi-troi-lanh-lanh-dao-so-gddt-noi-gi-20240130205553339.htm

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.