Con quấy khóc, bố mẹ cho chơi ngay smartphone: Đừng vì vài phút nhàn rỗi mà hủy hoại một đứa trẻ còn chưa kịp lớn!

Ngày nay, nắm trong tay một chiếc smartphone hoặc máy tính bảng là các bậc phụ huynh đã có đầy đủ "quyền năng" làm cho con mình ngồi im phăng phắc suốt ngày.

Ngày nay, nắm trong tay một chiếc smartphone hoặc máy tính bảng là các bậc phụ huynh đã có đầy đủ "quyền năng" làm cho con mình ngồi im phăng phắc suốt ngày. Nhưng có thực sự các thiết bị công nghệ này sẽ khiến trẻ "ngoan" như mong muốn hay không?

Trẻ con vốn hiếu động, nên không tránh khỏi lắm lúc khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy phiền toái. 

Chưa kể việc chăm trẻ mỗi ngày làm cho nhiều người, nhất là chị em phụ nữ không còn rảnh tay để có thể làm việc khác. Mọi việc cứ thế trì trệ, kéo theo không ít phiền hà về sau. 

Một số mẹ trẻ còn phát cáu với việc chăm con, dẫn tới việc gia đình luôn trong tình trạng báo động. 

Thậm chí, những cuộc cãi vã, những rạn nứt bắt đầu lấp đầy trong căn nhà tưởng chừng như rất bình yên mà nguyên nhân cũng đến từ việc chăm trẻ.

Để giải quyết chuyện này, nếu trước kia, chị em hội bỉm sữa đã mua búp bê, xe hơi nhựa, đồ hàng các kiểu để con tự chơi thì ngày nay mọi chuyện đã dễ dàng hơn rất nhiều. 

Cùng với tiến trình phát triển của công nghệ và các trang thông tin giải trí ảo, nắm trong tay một chiếc smartphone hoặc tablet là các mẹ đã có đầy đủ "quyền năng" làm cho con em mình ngồi im phăng phắc suốt ngày. 

Bọn trẻ cắm mặt vào, im lặng và "ngoan" đến mức không quan tâm đến bất cứ thứ gì xung quanh.

Con quấy khóc, bố mẹ cho chơi ngay smartphone: Đừng vì vài phút nhàn rỗi mà hủy hoại một đứa trẻ còn chưa kịp lớn!-1

Đáng tiếc, môi trường mạng ảo những năm gần đây vốn đã không còn "trong sạch". 

Điển hình như kênh video giải trí lớn nhất hành tinh Youtube đã xuất hiện hàng loạt idol giang hồ, nghiện ngập sở hữu hàng trăm clip tiêu cực, làm lung lạc nhiều giá trị tích cực xuất hiện nhan nhản. 

Mới đây và nổi tiếng nhất chính là Khá Bảnh - đối tượng xấu, thích làm trò gây chú ý, phản giáo dục nhưng có đến hàng ngàn "fan" hâm mộ nhí. 

Hoặc mới hơn nữa là loạt clip liên quan đến việc sử dụng ma túy được đăng tải bởi ***troll - kênh Youtube với hơn 800.000 người đăng ký theo dõi.

Thế mới thấy, những góc tối được tạo nên từ những đối tượng xấu nơi mạng "ảo" đang phát triển nhanh như tế bào ung thư, đôi khi ngoài tầm kiểm soát của người dùng. 

Tuy "ảo" nhưng những nguy hiểm mà nó gây ra là có thật nếu những đứa trẻ chưa vào đời, chưa hiểu chuyện bắt chước làm theo. 

Cụ thể là Momo - mô hình con quái vật kinh dị của một nghệ sĩ ở Nhật bị kẻ xấu lợi dụng, âm thầm xuất hiện trong nhiều video trên kênh Youtube kids đã xúi giục hàng loạt trẻ em tìm cách tự sát hay giết người.

Con quấy khóc, bố mẹ cho chơi ngay smartphone: Đừng vì vài phút nhàn rỗi mà hủy hoại một đứa trẻ còn chưa kịp lớn!-2

"Nhưng tôi hoàn toàn có thể kiểm soát được những nội dung mà con xem" - đây chắc hẳn là câu nói mà nhiều bậc phụ huynh thuộc diện "tự tin" hay dùng để phản bác lại những lời khuyên trong việc không cho trẻ con sớm sử dụng tablet hoặc smartphone. 

Và có lẽ, những quý phụ huynh này đa phần đều là những người ném cho con các thiết bị công nghệ để con… ngoan ngoãn và yên lặng, trong khi đó mình còn rỗi tay làm việc khác.

Ngay cả khi dẹp bỏ quan ngại về những thứ nguy hiểm trong các nội dung bẩn đang rình rập con trẻ đã được đề cập bên trên đi, con bạn vẫn có thể chẳng an toàn. 

Chúng ta sẽ nói về tác hại trong việc cho con sớm sử dụng thiết bị công nghệ, đảm bảo có nhiều điều kinh khủng đến mức khiến bất kỳ phụ huynh nào biết được cũng bất ngờ. 

Trang Littlethings.com đã liệt ra 10 tác hại được tổng hợp từ các ý kiến chuyên gia như sau:

Con quấy khóc, bố mẹ cho chơi ngay smartphone: Đừng vì vài phút nhàn rỗi mà hủy hoại một đứa trẻ còn chưa kịp lớn!-3

1. Làm méo mó mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ.

Trong độ tuổi từ 0 đến 2 tuổi, não bộ của trẻ sẽ phát triển to gấp 3 lần về kích thước. 

Lúc này đây, mọi lời nói, hành động, cử chỉ của bố mẹ dành cho con không chỉ giúp con phát triển về trí não mà còn tăng khả năng liên kết tình cảm gia đình. 

Tuy nhiên, nếu trẻ dành nhiều thời gian để tương tác/sử dụng thiết bị công nghệ trong giai đoạn này, thì sợi dây tình cảm gắn kết mọi người gần như sẽ bị đứt đoạn. 

Bà Denise Daniels, một y tá nhi khoa nói: "Trong nhiều trường hợp chúng tạo ra bức tường ngăn cách con cái với cha mẹ".

2. Gây nghiện

Thế giới "ảo" bên trong các thiết bị công nghệ gần như là một nơi tuyệt vời và hoàn toàn không bị giới hạn, nó luôn biết cách thu hút trẻ con bằng nhiều điều mới mẻ. 

Nếu lạm dụng, tất nhiên việc nghiện là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Giáo sư, tiến sĩ về tâm thần học Gary Small chia sẻ: "Rất khó để từ bỏ và ngưng sử dụng các thiết bị công nghệ vì đó là một thế giới tuyệt diệu với trẻ con".

Con quấy khóc, bố mẹ cho chơi ngay smartphone: Đừng vì vài phút nhàn rỗi mà hủy hoại một đứa trẻ còn chưa kịp lớn!-4

3. Dễ nổi nóng và khó bảo hơn

Cho trẻ con sử dụng thiết bị công nghệ quá mức chắc chắn sẽ khiến chúng dễ nổi cơn thịnh nộ hơn khi bị bắt buộc phải dừng lại. 

Chẳng hạn như đến giờ đi ngủ, trẻ con bị bố mẹ lấy lại điện thoại không cho dùng nữa, đảm bảo một màn quấy khóc, tức giận sẽ diễn ra ngay sau đó. 

Mặc khác, nhiều phụ huynh cho con sử dụng tablet/smartphone để con ngoan ngoãn hơn những khi con giận, thì một hệ lụy nữa sẽ xuất hiện.

Tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Jenny Radesky nói: "Nếu các thiết bị công nghệ trở thành phương pháp chủ yếu để bố mẹ làm dịu và đánh lạc hướng con trẻ thì chúng có thể sẽ phát triển các cơ chế tự điều chỉnh, khiến tính cách càng khó bảo hơn".

4. Ảnh hưởng đến giấc ngủ

Ánh sáng từ các thiết bị công nghệ làm ảnh hưởng đến khả năng buồn ngủ tự nhiên của con em. Chúng gây ức chế hooc-môn gây buồn ngủ, làm ảnh hưởng chu kỳ ngủ - thức và đảo lộn mọi hoạt động của trẻ em trong ngày. 

Theo nghiên cứu của đại học Boston: 75% trẻ em ở Anh được phép dùng đồ công nghệ trong phòng ngủ. Và 75% trẻ trong độ tuổi từ 9 đến 10 thiếu ngủ và làm điểm số ở trường đi xuống.

Con quấy khóc, bố mẹ cho chơi ngay smartphone: Đừng vì vài phút nhàn rỗi mà hủy hoại một đứa trẻ còn chưa kịp lớn!-5

5. Ảnh hưởng đến khả năng học hỏi

Sử dụng liên tục các thiết bị công nghệ sẽ khiến trẻ xao nhãng sự chú ý - điều mà nhiều bậc phụ huynh hướng con mình đến để các bé ngoan hơn. 

Tuy nhiên, việc này gây ảnh hưởng trầm trọng đến việc con phát triển khả năng quan sát và tư duy. 

Theo tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Jenny Radesky: "Các thiết bị công nghệ tác động đến sự phát triển giác quan của con trẻ, gây ảnh ảnh hưởng đến khả năng học tập các môn toán và khoa học".

6. Hạn chế khả năng giao tiếp

Như đã nói ở trên, trẻ con bị xao nhãng sự chú ý khi dán mắt vào các thiết bị công nghệ. 

Điều này gây hạn chế khả năng quan sát và phát triển tư duy của trẻ, đồng thời còn có nguy cơ khiến trẻ đánh mất khả năng nhạy bén trong giao tiếp. 

Ví dụ khi nói chuyện trực tiếp với một người, ít nhiều trẻ sẽ thấy được sự thay đổi trên gương mặt đối phương, hoặc ngôn ngữ hình thể của họ, trẻ biết được khi giận, khi buồn người ta sẽ thế nào. 

Nhưng khi nói chuyện trên màn hình phẳng, khả năng này của trẻ em sẽ dần biến mất.

Nhà tâm lý học Lim Taylor cho rằng: "Trẻ em đang dành quá nhiều thời gian giao tiếp thông qua công nghệ, chúng không phát triển kỹ năng giao tiếp cơ bản mà con người đã sử dụng từ lâu đời".

Con quấy khóc, bố mẹ cho chơi ngay smartphone: Đừng vì vài phút nhàn rỗi mà hủy hoại một đứa trẻ còn chưa kịp lớn!-6

7. Tăng khả năng bệnh tâm thần

Bạo lực internet hay bị tấn công trên internet là một mặt trái đáng báo động mà không ít trẻ em đang là nạn nhân. 

Những đứa trẻ này hiển nhiên sẽ trở nên sợ hãi, rối loạn tinh thần từ đó dẫn đến việc thay đổi hành vi, thậm chí là gây nên bệnh tâm thần, trầm cảm.

8. Tăng khả năng bệnh béo phì

Khi dành quá nhiều thời gian cho smartphone/tablet, nhiều trẻ em đánh mất đi khả năng hiếu động vốn có của lứa tuổi mình, chúng lười biếng hơn, ít ra ngoài tham gia các hoạt động thể chất với bạn bè hơn. 

Đây chính là nguyên nhân của căn bệnh béo phì.

9. Trẻ hung hăng hơn

Trẻ con vốn chưa có nhiều kinh nghiệm sống, một khi đã lạm dụng các thiết bị công nghệ chúng sẽ đánh mất đi khả năng liên kết cảm xúc giữa người với người, trong cuộc đời thật. 

Từ đó sẽ dẫn đến việc trẻ ít biết cảm thông, không có sự đồng cảm và coi chuyện bạo lực với bạn bè, đánh bạn, uy hiếp bạn là chuyện bình thường. 

Chưa kể, các video bạo lực nhan nhản trên mạng càng làm trẻ suy nghĩ lệch lạc hơn.

10. Tăng lo âu xã hội

Như đã nói ở điều 9, trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống, một khi lạm dụng thiết bị công nghệ sẽ làm mất đi nhiều kỹ năng cơ bản mà mỗi con người nên có, đồng thời làm tăng khả năng khiến các bé lâm vào căn bệnh rối loạn lo âu xã hội. 

Các bé lo lắng, sợ hãi trong các hoạt động và tình huống bình thường hàng ngày và có xu hướng sống khép kín hơn, đơn giản hơn, nhàm chán hơn.

Con quấy khóc, bố mẹ cho chơi ngay smartphone: Đừng vì vài phút nhàn rỗi mà hủy hoại một đứa trẻ còn chưa kịp lớn!-7

Qua 10 tác hại bên trên, quý phụ huynh có còn "tự tin" cho rằng việc mình "thảy" cho con các thiết bị công nghệ để lướt web, xem youtube với những nội dung đã được mình sàng lọc phù hợp với lứa tuổi là an toàn hay không? 

Con các vị rồi sẽ ngoan như các vị mong muốn hay không? 

Có lẽ không đâu, nhìn đi nhìn lại, việc cho trẻ con sớm sử dụng smartphone/tablet chỉ vì mục đích riêng của bố mẹ: con đỡ quấy, bố mẹ đỡ mệt; con đỡ phiền, bố mẹ còn làm việc khác... hoàn toàn chỉ gây hại.

Vậy thì nếu đã tự nhìn nhận được những tác hại kinh khủng của việc để con lạm dụng thiết bị công nghệ, ngay từ bây giờ chân thành khuyên phụ huynh nên có cách thức hợp lý để vừa kiểm soát được những nội dung con xem trên mạng, vừa quản lý chặt chẽ thời gian cũng như là mục đích con sử dụng smartphone/tablet. 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đừng vì vài phút nhàn nhã, sơ ý của bản thân mà hủy hoại một đứa trẻ còn chưa kịp lớn.
 


Theo Helino

 


điện thoại

smartphone

thiết bị công nghệ

tác hại của điện thoại


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.