Ký sự ngày đầu tiên đi học của "ông cụ non": Chọn xuất sắc vượt trội hay là sự tử tế?

Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng có được tình cảm yêu quý của càng nhiều người thì càng tốt.

Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng có được tình cảm yêu quý của càng nhiều người thì càng tốt. Bởi trong thế giới xô bồ này, chỉ cần tử tế thôi, con đã nổi bật lắm rồi.

TV đang phát sóng bản tin tổng hợp trước vòng đấu đầu tiên của giải bóng đá Ngoại hạng Anh, Win, cậu con trai 6 tuổi, quay sang hỏi bố nó:

"Con đổi tên được không bố?"

Bố nó ngơ ngác: "Hả, sao lại đổi tên?"

"Con muốn đổi tên bắt đầu bằng chữ A, để được xếp đầu danh sách. Bố nhìn xem, chưa đá trận nào mà Arsenal đã chễm chệ trên đầu bảng xếp hạng rồi kìa?"

Bố Win xoa đầu nó, cười:

"Quan trọng là sau 38 vòng đấu, Arsenal đứng ở đâu trên bảng xếp hạng. Cũng như con đi học vậy đó, đến cuối năm học, con xếp thứ mấy mới là điều quan trọng".

Giải thích đến như vậy rồi mà thằng con hiếu thắng của tôi vẫn "giãy đành đạch" cả đêm, đòi đổi tên có chữ A để ngày mai được xếp đầu tiên trong danh sách, được gọi tên đầu tiên để bước vào lớp. Trong khi các bạn cùng trang lứa còn chưa chắc đã viết được cái tên mình, con tôi đã nằng nặc đòi đổi tên để "không một giây phút nào phải xếp dưới người khác", dù hai vợ chồng tôi đã rát họng giải thích: danh sách lớp chỉ là để điểm danh thôi, không giống như bảng xếp hạng bóng đá đâu.

Vậy mà cu cậu vẫn hờn dỗi đến gần nửa đêm mới chịu đi ngủ.

(Ảnh minh họa)

Sáng ra, tôi thức dậy sớm hơn bình thường, định bụng sẽ vào phòng đánh thức quý tử dậy, mang cho cậu một cốc nước cam, chúc mừng cậu nhân ngày đầu tiên được chính thức làm "học sinh", dù không phải ngày đầu đi học.

"Bố ơi con hỏi cái này!"

Hai vợ chồng vẫn còn đang ngái ngủ giật mình hoảng hốt, vội vàng chỉnh lại xiêm y chăn gối cho chỉnh tề. Mới hơn 6h sáng mà cu cậu đã đứng chềnh ềnh trong phòng không biết từ lúc nào. Bố nó tá hoả hét lên: "Gì thế hả cái thằng này, giật cả mình!"

Con trai tôi, quần áo đồng phục đã tươm tất, chân còn đi giày dù đang ở trong nhà. Đứng bẽn lẽn dựa vào tủ, khoanh tay gãi cằm đầy suy ngẫm:

"Nhưng nếu cả Arsenal và MU đều thắng trận đầu và được 3 điểm thì Arsenal vẫn xếp trên chỉ vì tên đội bắt đầu bằng chữ A? Như thế là bất công cho MU?"

"Ô thế cái chuyện này vẫn chưa xong à?" - Tôi vò đầu bứt tóc. Mệt lắm rồi đấy! "Ra ngoài chuẩn bị ăn sáng đi, trong tuần này được 10 điểm 10 thì mẹ đổi tên cho!"

Trên xe, suốt chặng đường từ nhà đến trường, chồng tôi tỉ mẩn giải thích cho Win thiếu gia về "hiệu suất bàn thắng thua", "kết quả đối đầu trực tiếp", phân tích khả năng vô địch của các đội bóng Anh và (một cách chủ quan, anh cho rằng) Arsenal sẽ không thể đứng đầu bảng xếp hạng khi giải đấu khép lại vào tháng 5 năm sau, để hết lòng thuyết phục con trai tôi rằng cái tên không quan trọng, chính thực lực mới là thứ xếp hạng con người.

(Ảnh minh họa)

Con trai tôi tiếp thu rất nhanh, 4 tuổi đã đọc thông viết thạo. Chúng tôi cho Win tiếp xúc với tri thức nhân loại từ rất sớm. Mỗi khi nói chuyện với con, chúng tôi thường không nói những câu chuyện "tầm phào" như "con có thích bạn nào ở lớp không?", "hè này nhà mình đi Đà Nẵng nhé". 

Chồng tôi thích nói về bóng đá, anh dạy con "năm nhuận thì có Euro, xen kẽ vào đó 2 năm là World Cup". Tôi thích chia sẻ với con về công việc của mình, rằng tại sao người ta nên gửi tiền vào ngân hàng thay vì nuôi lợn tiết kiệm. Thiếu gia nhà tôi từ nhỏ đã tỏ ra là một nhân tài, từ khi sinh ra đến giờ chưa từng về nhì tại bất kì một cuộc thi nào. 

Huy chương nọ, bằng khen kia, cúp vàng cúp bạc xếp chật cả nhà. Họ hàng hai bên đều hết lời khen ngợi hai vợ chồng chúng tôi sinh ra được cậu quý tử. Nhưng bản thân tôi luôn có cảm giác con mình như… ông cụ non và có cái gì đó rất sai sai.

Lớp học chật kín phụ huynh, ai cũng muốn nán lại để chứng kiến khoảnh khắc đầu tiên trong đời học sinh của con mình. Tôi cũng vậy. Thiếu gia nhà tôi thể hiện xuất sắc "thần thái" của một thủ lĩnh, tự tin bước vào lớp học và tiến đến chỗ ngồi được phân cho, trong khi các bạn còn ngại ngần và sợ hãi, không nỡ rời xa vòng tay cha mẹ. Thằng bé còn ra hiệu cho tôi về sớm đi trong khi vẫn còn rất nhiều các bậc cha mẹ khác nán lại. Tin tưởng vào khí chất của con, tôi ra về, trong lòng cảm thấy rất yên tâm về cậu quý tử giỏi giang của mình.

(Ảnh minh họa)

Trước khi vào lớp, tôi đã cẩn thận dặn dò con: "Nếu có gì thắc mắc hoặc không hài lòng, con phải nói ngay với cô giáo. Với các bạn phải thân thiện, đừng tỏ ra mình biết nhiều quá".

Tôi đã mất cả ngày chuẩn bị những câu hỏi để tối có thể nói chuyện về buổi học đầu tiên với con bên bữa cơm. Tôi tỉ mẩn viết ra giấy và gạch đi những câu hỏi tôi cho là sẽ gây áp lực cho con.

Bản thân tôi cũng từng là một đứa trẻ, từng được đi học. Những hôm nào vui vẻ hay đạt điểm tốt, chẳng cần ai hỏi tôi cũng sẽ tự khoe với bố mẹ. Suy đi tính lại một hồi, tôi quyết định để mọi chuyện diễn ra bình thường. Nếu thằng bé đã có một ngày vui vẻ, chắc chắn nó sẽ hồ hởi khoe với bố mẹ.

Quãng đường từ nhà về đến trường, tôi chỉ dám hỏi thiếu gia: "Hôm nay đi học có vui không con", thằng bé đáp: "Bình thường".

Linh cảm có chuyện chẳng lành, trước bữa ăn, tôi "bấm" chồng, dặn trước anh không nên hỏi han dồn dập, cùng lắm chỉ khơi gợi để thằng bé kể chuyện.

Lão chồng tôi vốn nghe tai nọ lọt qua tai kia. Đến bữa ăn, vừa nhấc được đôi đũa lên đã bắn liên thanh: "Hôm nay đi học có vui không con? Có được điểm 10 không? Trong lớp có đối thủ đáng gờm nào không?"

Điều tôi lo ngại nhất cứ thế mà diễn ra. Chồng tôi là như thế đó, từ trước đến nay lúc nào cũng khơi gợi trong con tính hiếu thắng, ganh đua, nhiều khi khiến tôi cảm thấy bực bội khủng khiếp.

Thiếu gia đẩy bát cơm ra giữa bàn, phán: "Con không thích cái lớp này."

"Biết ngay mà!", tôi chép miệng.

(Ảnh minh họa)

Một không khí im lặng đến đáng sợ bao trùm bữa cơm gia đình. Cả ba người như đang ngồi im, lì lợm chờ xem ai châm ngòi cho cuộc chiến trước.

"Sao, cảm thấy không có đối thủ hay là không hoà nhập được với các bạn? Không sao con ạ, vô địch vốn dĩ rất cô đơn, ai nói câu này ấy nhỉ? Hình như là Châu Tinh Trì?", chồng tôi cợt nhả.

"Anh thôi đi được không ạ?", tôi ngắt lời chồng, quay sang con: "Nói cho mẹ nghe, con không thích lớp ở điểm nào."

Ngay lập tức thiếu gia "phun" một tràng như đoạn twist trong bài Rap God của Eminem. Tóm tắt lại được những điểm chính sau: Không thích phải ngồi bàn quá… dưới (bàn 3); Lớp quá trầm, chỉ có con và một bạn nữ phát biểu, cô luôn gọi bạn nữ; Các bạn xung quanh không ai trả lời được câu đố của con.

Và thế là bữa cơm trở thành buổi thuyết giảng, lần lượt tôi giải đáp từng khúc mắc cho con. Thứ nhất, con quá cao, nếu ngồi bàn trên sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn của các bạn. Thứ 2, người hiểu biết không nhất thiết phải là người thể hiện, con đã được học trước kiến thức, hãy giúp đỡ các bạn thay vì tìm mọi cách để chứng tỏ mình được học trước. Thứ 3, không ai thích kết bạn với một người khiến họ cảm thấy bản thân mình ngu ngốc, con đố các bạn để bắt chuyện một cách vui vẻ hay để hạ thấp các bạn?

(Ảnh minh họa)

Hơn ai hết, chính những bậc làm cha làm mẹ như chúng ta cũng hiểu, ở tuổi lên 6, mọi bài học từ cha mẹ đều trôi từ tai nọ qua tai kia. Chúng ta dạy bảo con để tròn trách nhiệm làm cha mẹ, chứ thực sự, những gì đọng lại trong đầu chúng không nhiều, nếu không muốn nói là chẳng-đọng-được-gì. Tôi tin con mình là một đứa trẻ thông minh, sau này, khi cuộc đời dạy con những bài học đau đớn đầu tiên về sự cô độc, con sẽ nhớ ra tôi đã từng dạy con những điều này rồi.

Nhiều bậc cha mẹ đặt câu hỏi: con mình nên là một người kiệt xuất, hay là một người tử tế? Nếu may mắn có một đứa con kiệt xuất, bạn sẽ vô cùng nở mày nở mặt trước những sự ngưỡng mộ từ người ngoài. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: thế giới này cần nhiều người kiệt xuất, hay nhiều người tử tế?

Câu trả lời rõ ràng là: thông minh, hay sắc đẹp đều là bẩm sinh, nhưng tử tế lại là một sự lựa chọn. Mà lựa chọn thì bao giờ cũng khó khăn hơn. Vậy nên sự tử tế mới là những gam màu đẹp nhất tạo nên bức tranh cuộc sống.

Tôi không muốn nói con mình (nếu cứ thế này) sẽ trở thành một người không-tử-tế, nhưng tôi thật sự mong con hãy tử tế, khi các mối quan hệ xã hội của con mới chỉ gói gọn trong bạn bè và thầy cô, những người hoặc rất non nớt và trong sáng, hoặc đầy vị tha và bao dung, khi lời xin lỗi cho thái độ cao ngạo của con còn được bạn bè chấp nhận và tha thứ, để rồi các con hoàn toàn có thể quên đi và chơi với nhau như chưa hề có chuyện gì xảy ra. 

Đừng để đến khi lớn lên, những người quanh con sẽ có cả tốt, cả xấu, cả rộng lượng lẫn hẹp hòi. Càng lớn càng dễ mắc sai lầm nhưng lại càng khó để sửa sai. Cuộc đời là thế đấy. Con không cần phải học đọc, học viết, học làm toán sớm để chạy nhanh và về đích trước các bạn. Chỉ cần con học được những bài học về sự tử tế, càng sớm càng tốt, là con đã có lợi thế hơn rất nhiều rồi.

(Ảnh minh họa)

Dĩ nhiên là cả tối, cu cậu chẳng nói chuyện với tôi câu nào. Bầu không khí căng thẳng vẫn cứ tiếp diễn cho đến sáng hôm sau, khi tôi đưa con đi học. Đột nhiên, thằng bé hỏi:

"Nếu con kết bạn, rồi một ngày con và các bạn lại cùng ở trong một cuộc thi, rồi con thắng, thì chẳng phải các bạn sẽ lại ghét con hay sao? Vậy ngay từ đầu kết bạn làm gì ạ?"

Tôi thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng thiếu gia cũng chịu nói chuyện. Lặng lẽ xoa đầu con, tôi từ tốn giải thích:

"Phải kết bạn chứ, kết bạn để học hỏi, kết bạn để rèn luyện, con không thể biết tính cách mình tốt ở đâu, chưa tốt chỗ nào nếu không có một ai đó (ngoài bố mẹ) nhận xét về tính cách đó. Nếu một người bạn ghét con chỉ vì con giỏi hơn bạn ấy, thì người đó con không cần tiếc. Nếu một người thua con mà vẫn mừng cho con, ủng hộ con, thì đó thật sự là bạn tốt.

Mà không phải lúc nào cuộc sống cũng là một cuộc đua đâu con. Con chỉ cần so sánh mình với bản thân mình của ngày hôm qua thôi. Không nhất thiết cứ phải có người thua thì con mới là người thắng."

Chẳng biết thằng bé có hiểu không, nhưng nói ra được những điều này là tôi đã làm tròn nghĩa vụ rồi. Xuống xe, thằng bé rảo chân tiến nhanh vào lớp học, bỗng nhiên nó dừng lại, quay đầu hỏi tôi: "Cứ tử tế là sẽ có bạn hả mẹ?"

Tôi tiến lại gần, âu yếm nắm tay con nói: "Con đã thông minh lắm rồi, chỉ cần tử tế thôi là sẽ hoàn hảo. À không, không ai hoàn hảo cả, nhưng rõ ràng có những người gần mức hoàn hảo hơn người khác. Hãy cố gắng trở thành một người như thế."

Hãy tử tế, con nhé!

Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng có được tình cảm yêu quý của càng nhiều người thì càng tốt. Bởi trong thế giới xô bồ này, chỉ cần tử tế thôi, con đã nổi bật lắm rồi.

Theo Helino


Cách dạy con

Dạy con

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.