Nhà giáo Lê Mai Hương: Nếu công việc quá bận không thể cho con đi ngủ từ 7h tối thì bố mẹ có thể... đổi việc

Bởi vì, trong độ tuổi 0-6, giấc ngủ của trẻ rất quan trọng. Và nếu không đảm bảo cho con đi ngủ sớm như trẻ em ở các nước phát triển, thì trẻ có thể vướng phải hàng loạt những vấn đề.

Bởi vì, trong độ tuổi 0-6, giấc ngủ của trẻ rất quan trọng. Và nếu không đảm bảo cho con đi ngủ sớm như trẻ em ở các nước phát triển, thì trẻ có thể vướng phải hàng loạt những vấn đề về sức khỏe, tâm lý.

Nếu sáng sáng bạn phải gọi con dậy, giục con liên tục để kịp giờ làm của mẹ, giờ học của con, thì bạn thực sự cần đọc bài này và thay đổi. Sau đó con bạn sẽ bắt đầu một ngày mới với nụ cười và ánh mắt lấp lánh, còn bạn sẽ bắt đầu một ngày mới đầy yêu thương an lành.

Hôm nay tiếp hai vợ chồng và một em bé 18 tháng. Nói chuyện một hồi ông bố bảo "Con em toàn 11 giờ mới ngủ". Mẹ bảo "Đâu, đấy là ngày trước thôi giờ khoảng 9 rưỡi mà". Em bé đi ngủ muộn, 9 giờ sáng hôm sau mới dậy, bỏ qua giờ tắm nắng sớm nên không cao, không hồng hào khỏe mạnh, tóc chẳng mọc được. Đồng hồ sinh học của bé bị đẩy lùi chậm lại 2 - 3 tiếng so với nếp sinh hoạt em bé cần có. Như thế cũng có nghĩa là em bé tập trung các hoạt động vào buổi tối thay vì buổi sáng lúc em bé thông minh nhất với năng lượng tinh khôi sớm mai. Bố mẹ cũng không có nếp đi tập thể dục sáng sớm với con để giữ gìn và bảo vệ sức khỏe. Nguồn gien của một gia đình như thế sẽ ngày càng suy yếu. Mình thấy tiếc cho các bố mẹ vô cùng vì đã cho con đi ngủ muộn quá trong một thời gian dài.

Việt Nam đang có một thế hệ những em bé thiếu ngủ, chậm lớn, cáu kỉnh, trầm cảm, béo phì, tim mạch, suy giảm năng lực tư duy do bố mẹ bắt con sinh hoạt theo nếp và đồng hồ sinh học của một người trưởng thành. Các em bé 0-6 tuổi mới là những cái cây non trong vườn ươm, cần được bảo vệ, chứ không bắt các em hứng chịu mọi bão tố như một cái cây trưởng thành với hệ rễ cắm sâu dưới lòng đất được.

"Em bé ngủ muộn là em bé có hệ xương yếu, dễ gẫy, hệ miễn dịch yếu, chậm lớn, nguy cơ các bệnh tim mạch, nguy cơ béo phì, nguy cơ tiểu đường, nguy cơ tăng động giảm chú ý, nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ..." (Ảnh: NVCC).

Các mẹ bảo 7 giờ em mới về đến nhà. Vậy thì mẹ có thể đổi việc.

Các mẹ bảo em còn phải tắm cho con. Chỉ cần 15 phút cho con bé, còn con lớn để tự tắm.

Các mẹ bảo em còn phải cơm nước. Vậy thì nấu sẵn thức ăn hai ngày cuối tuần, để trong ngăn đá, về chỉ cắm cơm bằng nước đun sôi, nấu bát canh, lấy vài món ở các hộp ra nữa. Tối ăn đơn giản thôi cho khỏi tích mỡ, cho khỏi mệt hệ tiêu hóa, cho khỏi bệnh gan, bệnh thận, bệnh khó ngủ do phải làm việc tiêu hóa một cái dạ dầy đầy thức ăn nặng bụng.

Em còn phải dọn dẹp, rửa bát đĩa. Vậy thì để bé thì lau bàn, cất ghế, dọn dẹp. Bé lớn mẹ giao cho việc rửa bát sau mỗi bữa ăn. Nhà có điều kiện thì mua máy rửa bát hướng dẫn con tráng bát đĩa cho vào máy, bấm công tắc cho máy nó tự làm.

Em còn phải chơi với con chứ cả ngày đã không nhìn thấy con rồi. Chơi gì để giờ sáng cả nhà đi tập thể dục cùng chơi, vừa khỏe mạnh, vừa dễ gắn kết sau một giấc ngủ đầy đủ. Chuyển hết việc chơi tối sang việc chơi sáng chứ ai lại chơi lúc mặt trời đã đi ngủ và bắt con thức để chơi với mình vì mình muốn chơi với con.

Em còn phải xin giáo án các cô để ôn cho con buổi tối. Trẻ em Việt Nam không thiếu thời gian học, các em bé chỉ thiếu thời gian chơi thôi, hãy để yên cho đầu em bé được nghỉ ngơi và thư giãn với bố mẹ. Chuẩn bị cho giờ ngủ mà, sao phải học trước khi đi ngủ. Cuộc đời chán thế sao, bé thì học cả ngày cả đêm, lớn đi làm ngày làm đêm. Biết số khổ thế rồi cần gì phải học, lao động chân tay cho rồi, mặt trời lặn là đầu trống rỗng nghỉ ngơi hoàn toàn cho đời nó sướng.

Trẻ con các nước phát triển có học, có làm bài tập nhiều thế đâu? Chúng bắt đầu lúc 8h30, kết thúc lúc 3h30, chiều về là chơi và chơi và chơi ngoài công viên, ngoài sân chơi, trong vườn. 7 giờ là trẻ em các nước phát triển đi ngủ. Ngày nào cũng được bố mẹ ôm vào lòng đọc sách cho nghe 30 phút hoặc cho đến khi buồn ngủ lăn ra ngủ luôn. 7h30 là các em bé ngủ cho não được tập trung làm việc và lập các liên kết.

Em bé đi ngủ muộn, 9 giờ sáng hôm sau mới dậy, bỏ qua giờ tắm nắng sớm nên không cao, không hồng hào khỏe mạnh, tóc chẳng mọc được. (Ảnh minh họa)

Nếu các em bé Việt Nam đi ngủ 9 giờ, 10 giờ và có thói quen không có mẹ là không ngủ được nghĩa là mẹ không có thời gian chăm sóc bản thân mình, đầu bù tóc rối, quần áo toàn mùi thức ăn, không chăm sóc sức khỏe, không chăm sóc tinh thần, luôn trong trạng thái thiếu ngủ, suy nhược thần kinh dẫn đến luôn cáu kỉnh, không còn thông minh sáng suốt kiên nhẫn với tất cả các thành viên trong gia đình nữa. Đó không còn là người mẹ tốt cho con.

Nếu các em bé Việt đi ngủ 9 giờ, 10 giờ nghĩa là bố mẹ không có thời gian chăm sóc, chia sẻ, "bỏ củi vào lò sưởi" để duy trì hạnh phúc gia đình. Muốn nói chuyện với vợ thì vợ đã lăn ra ngủ mất rồi. Bố không được mẹ chăm sóc, mẹ không được bố chăm sóc thì bố mẹ có hạnh phúc chăm con không?

Nếu một đứa con bị vay quá nhiều của bố, của mẹ thì số nợ đó nhiều hay ít? Bạn có muốn con mình mới sinh ra đã mắc nợ bố mẹ quá nhiều, đôi khi lấy cả hạnh phúc gia đình thì em bé đó làm sao trả được món nợ bị bắt vay từ bé như thế?

Chưa kể, ngoài khoản nợ đó, em bé gày còm suy dinh dưỡng, mắt thâm quầng, ánh mắt lờ đờ, đầu óc lúc nào cũng tưng tưng do thiếu ngủ, thần kinh căng như dây đàn, có học gì cũng không nhớ, cũng không cảm thấy được yêu thương. Cuộc sống luôn trong trạng thái ngái ngủ, nghiện ngủ.

Em bé ngủ muộn là em bé có hệ xương yếu, dễ gẫy, hệ miễn dịch yếu, chậm lớn, nguy cơ các bệnh tim mạch, nguy cơ béo phì, nguy cơ tiểu đường, nguy cơ tăng động giảm chú ý, nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ... Hóa đơn tiền thuốc sẽ tăng, số ngày nghỉ của mẹ sẽ tăng để trông con ốm, huyết áp của mẹ cũng tăng vì cáu kỉnh bực mình, cáu con, mắng con mà không nhận ra đó là lỗi của mình đã bắt con sống theo thời gian biểu của người lớn.

Khi con trong độ tuổi 0-6, chắc chắn bạn phải chiến đấu để thay đổi và hình thành kỹ năng cho con đi ngủ lúc 7 giờ, bắt đầu bằng việc 7 giờ lên giường rồi đọc truyện, mát xa, tâm sự... (Ảnh minh họa).

Đừng đổ lỗi tại ai, tại cái gì. Con bạn, bạn, gia đình bạn đều nằm trong tầm tay của bạn. Là bạn có muốn thay đổi không mà thôi, tôi thì tôi tin chắc rằng sau khi đọc những dòng trên bạn sẽ không muốn nợ con mình cũng như là chủ nợ của con.

Mỗi người có 1 cuộc đời.

Mỗi người có một cơ thể.

Cơ thể của em bé là toàn bộ tài sản của em bé đó, sao bố mẹ lại nỡ lòng nào phá hỏng cơ thể con có đúng không các bố mẹ?

Thế nên để bảo vệ mình, con mình, gia đình mình, bạn cần có đủ thời gian cho tất cả mọi thành viên trong đó. Khi con trong độ tuổi 0-6, chắc chắn bạn phải chiến đấu để thay đổi và hình thành kỹ năng cho con đi ngủ lúc 7 giờ tối.

7 giờ lên giường.

Đọc truyện.

Mát xa.

Tâm sự.

Giọng nhỏ dần dần.

Vuốt ve chậm dần dần.

7h30 là chìm vào giấc ngủ.

Thơm con lên trán và nói "Ngủ ngon con yêu!".

Giờ là thời gian cho bố và mẹ sạc pin.

Vài nét về tác giả:

Chị Lê Mai Hương là nhà giáo Montessori. Chị có bằng cử nhân tiếng Anh, bằng kế toán ngân hàng và bằng Montessori 3-6 do AMI cấp cùng và rất nhiều chứng chỉ liên quan đến giáo dục và phát triển cá nhân cả ở Việt Nam và trên thế giới. Với vốn sống phong phú và đa dạng, chị luôn làm cho mọi điều xung quanh trẻ trở nên thú vị và lôi cuốn. Phương châm của chị Hương là: "Trẻ luôn luôn đúng".


Theo Helino


thói quen tốt cho trẻ

đọc sách

chăm sóc con

giấc ngủ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.