- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Tự đưa mình vào tình huống bận rộn - chiêu dạy con làm việc nhà đâu ra đấy của mẹ Đà Nẵng
Nhờ kiên trì dạy con làm việc nhà từ sớm nên đến giờ, khi bé Su gần 5 tuổi, chị Thu Phương đã có một "trợ thủ" đắc lực, không chỉ tự làm được "khối việc" mà còn đỡ đần mẹ trông em, dọn dẹp nhà cửa...
Nhờ kiên trì dạy con làm việc nhà từ sớm nên đến giờ, khi bé Su gần 5 tuổi, chị Thu Phương đã có một "trợ thủ" đắc lực, không chỉ tự làm được "khối việc" mà còn đỡ đần mẹ trông em, dọn dẹp nhà cửa...
Đã làm mẹ thì ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất đến với đứa con của mình. Chính vì suy nghĩ đó nên nhiều bà mẹ đã phạm phải sai lầm trong cách dạy con. Vì yêu nên họ sẵn sàng bao bọc, nâng niu con và không khiến con phải động tay bất cứ việc gì.
Vì sự nuông chiều đó của bố mẹ đã vô tình tạo cho con thói xấu: lười biếng, không biết yêu lao động, không biết quý trọng sức lao động của người khác và hơn hết là con sẽ không biết đến sự sẻ chia trong cuộc sống sau này.
Chị Thu Phương và hai con.
Ý thức được tác hại khi nuôi dạy con như thế, chị Trần Thu Phương (sinh năm 1991, ở Đà Nẵng) đã tập cho con gái lớn là bé Huỳnh Ngọc Diễm My (bé Su) làm việc nhà từ lúc tròn 3 tuổi. Chị chia sẻ: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, mình tập cho con gái làm việc từ lúc 3 tuổi, đến giờ cháu gần 5 tuổi rất có ý thức làm việc nhà và rất biết nghe lời. Giờ mình đỡ được khối việc rồi vì mình đã đào tạo được 1 trợ thủ đắc lực là bé Su".
Kể về hành trình dạy con làm việc nhà của mình, chị Phương cho biết, đầu tiên chị tập cho con có thói quen cất dọn đồ chơi sau khi chơi và để đồ ngăn nắp. "Còn nhớ có lần con chơi búp bê xong vứt lung tung ở sàn nhà không chịu cất gọn, mình đã lén mang bạn búp bê đó ra ngoài sân để, rồi gọi con lại bảo, nếu con không biết để bạn ấy nằm đúng chỗ, từ giờ bạn ấy sẽ bị nằm ngoài sân". Khỏi phải nói, lúc đó bé Su lo lắng thế nào, vì đó là món đồ chơi yêu thích của bé. Chị còn nói thêm: "Lúc đó mình còn dọa nếu cứ để búp bê phải nằm ngoài sân thì bụi bặm, bị nắng bị gió, bị hỏng… thế là con gái vừa khóc vừa xin lỗi mẹ để xin phép mang bạn búp bê vào nhà để vào vị trí. Từ đó, bé rất có ý thức cất gọn đồ sau khi chơi".
Su được mẹ tập cho thói quen tự thu dọn đồ chơi của mình sau mỗi lần chơi.
Bước đầu bị mẹ đưa vào khuôn khổ, Su cũng chưa quen, còn ỉ lại vào người lớn (ông bà, bố và cô) nhưng chị Phương đã giải thích cho cả nhà hiểu chuyện để cùng hợp tác để dạy con tốt nhất. Hoặc cũng có những lúc mải chơi, Su tỏ ra khó chịu khi phải làm việc nhưng chị vẫn kiên trì giải thích cho con và động viên con làm việc để tạo thói quen cho con sau này.
Khi con khoảng 4 tuổi – lúc này con đã có nhận thức rõ hơn về mọi chuyện, chị Phương bắt đầu tập cho con biết làm việc nhà. Chị nói: "Lúc đầu, mình nói chuyện với con về việc con sẽ bắt đầu giúp mẹ làm việc nhà để mẹ đỡ vất vả hơn, để mẹ có nhiều thời gian chơi với con, kể chuyện, dạy con hát múa…". Tuy còn bé tí tuổi nhưng Su tỏ ra rất hiểu chuyện và hợp tác với mẹ rất ăn ý. Cứ đến giờ đi lớp về, con tự cất giày dép, balo của mình vào vị trí, rồi hỏi mẹ có làm gì không để phụ mẹ. Thấy con có ý thức như vậy, chị Phương rất vui và tất nhiên là chị phải tạo điều kiện cho con làm việc rồi.
Để thành công với cách dạy con của mình, chị Phương đã giải thích cho cả nhà hiểu chuyện để cùng hợp tác dạy con tốt nhất.
Chị dạy con quét nhà, nhặt rau, gấp quần áo cho 2 chị em (dưới Su còn 1 em trai mới 10 tháng tuổi), rồi phụ mẹ lấy đồ cho em khi mẹ cần và 1 số việc nhỏ trong gia đình khác… Mỗi lần con hoàn thành tốt công việc mẹ giao đều được mẹ khen ngợi nên bé rất hào hứng. Đó cũng là bí kíp của chị Phương trong việc dạy con biết yêu lao động và biết sẻ chia giúp đỡ người khác. Chị Phương tâm sự: "Còn nhỏ nên làm mọi việc chưa thể ưng ý mình được, có thể con làm xong mình phải làm lại nhưng mình vẫn muốn để con tự làm để tạo tính gọn gàng cho con".
Khi được hỏi về bí kíp để thúc giục con gái phải làm việc nhà vì nhiều bé có sức ì khá lớn, chị Phương chia sẻ: "Muốn con làm việc giúp, mình thường tự đưa mình vào tình huống 'bận rộn' để con khẩn trương vào việc. Ví dụ, mình tắm cho đứa em, lúc gần tắm xong mình nhờ cuống lên 'con gái lấy giúp mẹ cái khăn lau người cho em và đưa cho mẹ đồ của em để em mặc không em bị lạnh nhé!'. Vậy là con gái nhanh nhảu giúp mẹ ngay. Như vậy, cùng lúc mình dạy con biết cách giúp đỡ mẹ và biết yêu thương em".
Chị cả tắm cho em.
Gấp quần áo cho cả nhà.
Gọn gàng, ngăn nắp và rất có ý thức.
Bé Su còn sẵn sàng giúp mẹ trông em.
Cứ như thế, chị Phương đã từng bước thành công trong việc dạy con làm việc nhà, biết yêu thương và chia sẻ mà không cần một lời quát to hay ra lệnh nào. Đến giờ, bé Su 5 tuổi đã biết giúp mẹ làm rất nhiều việc như quét dọn nhà cửa, dọn dẹp đồ chơi, gập quần áo, rửa đồ chơi cho em, chơi với em, phụ mẹ tắm cho em... Ngoài ra, khi đi học về, Su luôn nhớ việc cất giày dép, ba lo của mình đúng nơi quy định, tự biết tự vệ sinh cá nhân buổi sáng, thay đồ trước khi đi lớp và sau khi đi lớp về, đến bữa tự giác ăn uống … Con cũng rất chăm ngoan và có ý thức. Đó là niềm tự hào, là thành quả của những người mẹ như chị. Các mẹ cùng tham khảo "tuyệt chiêu" rèn con của chị Phương để sớm có được những "trợ thủ đắc lực" như chị ấy nhé!
Theo Helino