
Tôi tên Lan, năm nay 48 tuổi. Tôi là người đàn bà có số mệnh lận đận. Nếu không xảy ra biến cố, chồng không qua đời vì tai nạn, có lẽ giờ này tôi vẫn là một bà nội trợ, hoặc cùng chồng mở tiệm ăn nhỏ, sống cuộc đời bình yên.
Chồng tôi làm công nhân xây dựng, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi gia đình. Còn tôi ở nhà chăm sóc con cái, phụng dưỡng bố mẹ già, lại thêm vài mẫu ruộng cày cấy. Dù vất vả, nhưng chồng rất yêu thương tôi, mỗi khi về nhà dù mệt đến đâu cũng xắn tay phụ giúp việc nhà.
Chúng tôi từng ước mơ, khi con vào cấp ba sẽ cùng nhau mở cửa hàng nhỏ, thoát cảnh làm thuê. Nhưng kế hoạch mãi không theo mong muốn. Đúng lúc chồng chuẩn bị nghỉ việc, tai nạn ập đến.
Đó là một buổi tối, chồng tôi đi xe máy từ công trường về, qua ngã tư thì xảy ra va chạm. Khi tôi tới bệnh viện, anh đã thập tử nhất sinh. Tôi vội bán hết tài sản, vay mượn khắp nơi để chữa trị, nhưng cuối cùng, anh vẫn ra đi.
Chồng mất, nhưng đời còn phải tiếp tục. Tôi không thể mãi chìm trong đau khổ, bởi con còn đi học, bố mẹ chồng đã già yếu. Tôi buộc phải mạnh mẽ, gồng gánh cả gia đình.
Lúc đó, tôi hoang mang vô cùng, không biết bắt đầu từ đâu. Nhiều người khuyên tôi tái hôn, kẻo tuổi trẻ qua đi, sau này cô độc. Nhưng tôi kiên quyết từ chối. Nếu tôi đi bước nữa, con tôi sẽ ra sao? Bố mẹ chồng ai chăm sóc? Thế là tôi quyết định, một mình nuôi con khôn lớn, thay chồng phụng dưỡng song thân.
Sau khi lo hậu sự cho chồng, tôi bắt đầu tìm việc. Quanh quẩn mãi không có việc gì lương cao, có người mách tôi lên thành phố lớn kiếm kế sinh nhai. Lúc đó, con tôi đã tự lập, bố mẹ chồng cũng tạm ổn, thế là tôi một mình lên thành phố, hy vọng đổi đời.
Nhưng thực tế phũ phàng hơn tôi tưởng. Đến thành phố, tôi choáng ngợp. Công việc thì yêu cầu kinh nghiệm, tuổi tác, mà tôi chỉ là phụ nữ nông thôn, chẳng có kỹ năng gì đặc biệt.
Để có tiền sinh tồn, tôi nhận việc trông bãi đỗ xe, công việc đơn giản nhưng lương bèo bọt. Dù không đủ nuôi gia đình, tôi vẫn cố gắng, chờ cơ hội tốt hơn.
Một hôm, tình cờ nghe khách nói chuyện: "Nghề giúp việc bây giờ lương cao, lại được ăn ở cùng chủ, không đòi hỏi bằng cấp gì". Thế là tôi quyết định theo đuổi nghề này.
Kể từ khi chuyển sang làm giúp việc, tôi có tiền trang trải được cuộc sống, bố mẹ chồng cũng đỡ khổ. Nhưng đằng sau đồng tiền là những giọt nước mắt chẳng ai thấu.
Nghề này phụ thuộc hoàn toàn vào tính cách chủ nhà. Gặp người thông cảm thì đỡ, gặp người khó tính thì như cực hình. Dù trải qua nhiều tình huống éo le, tủi thân đến mấy, tôi vẫn phải nuốt nước mắt vào trong, vì miếng cơm manh áo.
Cách đây một năm, tôi được làm giúp việc cho một gia đình nhà giàu, chăm sóc cụ ông 70 tuổi với mức lương hậu hĩnh 10 triệu. Vợ cụ mất cách đây hai năm, dù cụ vẫn khỏe mạnh nhưng con cái muốn có người chăm sóc cẩn thận hơn.
Lúc đầu, cụ tỏ ra rất dễ tính nhưng càng ở lâu, tính tình cụ càng khó chịu. Nấu ăn phải đúng khẩu vị, chỉ cần hơi mặn nhạt là cụ bắt nấu lại. Có lần con cháu cụ đến chơi, cụ cố tình mắng tôi trước mặt mọi người vì một món canh hơi mặn, thậm chí đẩy tôi ngã khi tôi định mang đi điều chỉnh.
Thức ăn thừa dù ít cụ cũng bắt tôi ăn, không cho đổ. Tôi xin ăn mì thay nhưng cụ không đồng ý, bảo phí tiền. Mỗi lần đến bữa cơm thì cụ cố tình ăn uống vương vãi ra sàn để tôi phải làm việc nhiều hơn.
Lâu dần, sức khỏe tôi giảm sút, nhưng cụ phớt lờ, còn dọa cắt lương nếu không đảm bảo công việc. Điều vô lý nữa là cụ thường xuyên bắt tôi rửa chân cho cụ. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy xấu hổ kinh khủng vì cụ không phải người bệnh cũng chẳng phải ốm nằm im một chỗ.

Gần đây, mẹ chồng tôi ngã gãy xương, tôi xin nghỉ vài ngày nhưng cụ nhất quyết không đồng ý, bảo "vắng tôi cụ không có cơm ngon". Cuối cùng, tôi phải bỏ về mà không cần đồng ý.
Khi trở lại, cụ đã trừ tiền lương của tôi. Tôi không buồn vì tiền, mà vì sự vô tâm của cụ. Sau đó, tôi quyết định nghỉ việc luôn. Dù cụ xuống nước bảo tăng lương cho tôi lên 12 triệu nhưng tôi đã quá sức chịu đựng rồi.
Đúng là nghề giúp việc cho tôi cơm ăn áo mặc, nhưng cũng dạy tôi bài học, tiền bạc không mua được sự tôn trọng. Tôi sẽ tiếp tục làm nghề này, nhưng chỉ nhận những gia đình biết trân trọng người giúp việc.

Theo Thương trường