Bố mẹ nào cũng liên tục mua đồ chơi mới cho con nhưng trẻ nhỏ có thực sự thích hay không, xem clip này sẽ rõ

Búp bê, xe ô tô, bộ nấu ăn, đồ chơi bác sĩ... hầu như đứa trẻ nào cũng được bố mẹ mua cho đủ loại đồ chơi và đổi mới liên tục.

Thường thì các cha mẹ luôn nghĩ rằng trẻ con thì thích đồ chơi nhất. Thế nên, cứ mỗi lần đi mua sắm hoặc mua quà cho con, các ông bố bà mẹ đều "lượn" qua quầy đồ chơi đầu tiên và dừng ở lại ở đó rất lâu để lựa chọn.

Từ những món đồ chơi giải trí như búp bê, xe ô tô, bộ nấu ăn, bác sĩ… cho đến những bộ đồ chơi mang tính giáo dục và mắc tiền, chẳng hạn như: lego, đồ chơi gỗ, siêu nhân biến hình… đều trở thành một món quà gây bất ngờ dành cho con của các cha mẹ. Và chắc hẳn khi thấy niềm vui ấy của con, ông bố bà mẹ nào cũng đều thấy hạnh phúc.

Xem phản ứng của trẻ mỗi khi được mẹ đưa cho 1 món đồ chơi.

Nhưng có khi nào cha mẹ đặt ra một câu hỏi rằng liệu con có thật sự thích đồ chơi hay không?

Trẻ có thật sự thích đồ chơi không?
Mới đây, một bà mẹ 2 con tên là Tiffany Aufamann đã khiến cư dân mạng, nhất là các bậc phụ huynh, "phát sốt" khi đăng một đoạn clip lên TikTok chứng minh rằng trẻ em không cần đồ chơi như chúng ta vẫn nghĩ.

Bằng chứng là trong suốt đoạn clip dài 52 giây, chị Tiffany đã đưa cho con trai Rocky tất cả 8 cặp đồ chơi, mỗi cặp sẽ có một món là những đồ thường dùng hàng ngày như: hộp khăn giấy, củ hành tây, khăn ướt, son môi, điều khiển tivi, xẻng lật thức ăn… và một món là đồ chơi: lego, ô tô, máy ảnh, người gỗ…

Bố mẹ nào cũng liên tục mua đồ chơi mới cho con nhưng trẻ nhỏ có thực sự thích hay không, xem clip này sẽ rõ-1Rocky luôn chọn lựa những món đồ của thế giới thực như củ hành, khăn ướt, hộp giấy... để chơi.

Mọi người sẽ nghĩ rằng những món đồ chơi nhỏ xinh, nhiều màu sắc chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Rocky hơn, nhưng thực tế thì lại ngược lại. Đứa trẻ luôn tò mò, thích thú và chơi với những món đồ dùng hàng ngày.

Bố mẹ nào cũng liên tục mua đồ chơi mới cho con nhưng trẻ nhỏ có thực sự thích hay không, xem clip này sẽ rõ-2Cậu bé không hề động đến một món đồ chơi nào.

Thậm chí, ở giây thứ 38, dù mẹ đã cố tình đặt vài người bạn đồ chơi xuống trước mặt, gần tầm mắt của Rocky nhất, và dù mắt nhìn chằm chằm vào đồ chơi, song cậu bé lại với tay cầm xẻng lật thức ăn lên nghịch khiến nhiều người bất ngờ.

Bố mẹ nào cũng liên tục mua đồ chơi mới cho con nhưng trẻ nhỏ có thực sự thích hay không, xem clip này sẽ rõ-3Có thể nói rằng, bất chấp sự chênh lệch về kích thước và màu sắc, đứa trẻ luôn bị "hút" bởi thế giới thực hơn thế giới đồ chơi.

Vì sao nên mua ít đồ chơi cho trẻ?
Tiến sĩ Deborah MacNamara – nhà tâm lý học công tác tại Viện Neufeld (Anh), đồng thời là tác giả của cuốn sách cẩm nang dành cho cha mẹ: Rest, Play, Grow (Tạm dịch: Nghỉ ngơi, Chơi và Phát triển) cho biết: "Trẻ em cần được chơi, nhưng điều này không có nghĩa là các con cần đồ chơi. Trẻ hoàn toàn có thể khám phá môi trường xung quanh và xem xét mọi thứ mà mình thích, từ xoong chảo đến các cuộn giấy, điều khiển tivi…".

Nói cách khác, mọi đứa trẻ đều cần thứ gì đó để chơi, nhưng không nhất thiết phải là đồ chơi. Và nhà của bạn có đủ đồ vật để giúp con giải trí và học tập.

Tiến sĩ Deborah cũng chia sẻ thêm rằng khi trẻ lớn dần lên, mối quan tâm của con với đồ chơi cũng sẽ thay đổi. Ban đầu, trẻ sơ sinh chỉ quan tâm đến những người mà con gắn bó. Lớn hơn một chút, trẻ biết khám phá mọi thứ bằng cách cho đồ vật vào miệng. Khi biết đi, nhu cầu chơi với đồ vật của con ngày càng cao. Trong giai đoạn này, cha mẹ có thể cung cấp cho con những món đồ vật thường dùng hàng ngày ở nhà như: nồi, chảo, ly nhựa để xếp chồng… Hoặc nếu muốn, bạn có thể mua cho con một ít đồ chơi thực tế như khối xây dựng, búp bê, thú nhồi bông… Tuy nhiên, không cần phải mua quá nhiều.

Bố mẹ nào cũng liên tục mua đồ chơi mới cho con nhưng trẻ nhỏ có thực sự thích hay không, xem clip này sẽ rõ-4

Mặc dù không có quy định nào nêu rõ số lượng đồ chơi tối đa dành cho một đứa trẻ, nhưng nghiên cứu của Tiến sĩ Carly Dauch, công tác tại trường Đại học Toledo (Mỹ) đã cho thấy rằng trẻ nhỏ càng có ít đồ chơi thì chúng không chỉ sẽ chơi lâu hơn với mỗi món đồ, mà điều này còn giúp trẻ tập trung cũng như sáng tạo hơn trong khi chơi. Nhất là khi lên 3 tuổi, khả năng sáng tạo của trẻ thật sự bắt đầu phát triển và con đã có thể tự chơi trong một khoảng thời gian ngắn.

Ngoài ra, bác sĩ Anne Rowan-Legg – bác sĩ nhi khoa làm việc tại bệnh viện Nhi đồng Ontario ở Ottawa (Canada) cho biết thêm rằng có một món đồ chơi rất thông dụng mà cha mẹ nào cũng có trong nhà đó là giấy và bút màu.

"Vẽ là một môn nghệ thuật mà cha mẹ có thể giới thiệu khi con được 2 tuổi, và nó nên được luyện tập thường xuyên trong suốt thời thơ ấu", bác sĩ Anne nói. Bởi vẽ sẽ thúc đẩy một số kỹ năng, là nơi để trẻ thể hiện cảm xúc hoặc bắt chước hình ảnh giống như cách con bắt chước hành vi. Hơn nữa, vẽ là cơ hội tốt để cha mẹ khen ngợi sự sáng tạo và sự siêng năng của trẻ. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển lòng tự trọng, đồng thời dạy con hiểu rằng không phải mọi thứ đều hoàn hảo.

Nói tóm lại, các chuyên gia không yêu cầu cha mẹ không được mua đồ chơi cho con, mà chỉ là bạn nên cân nhắc lựa chọn và mua số lượng sao cho hợp lý. Và cho dù chơi bằng đồ thật thường dùng trong nhà, hay đồ chơi thì tốt nhất cha mẹ hãy luôn dành thời gian để chơi cùng con. Vì nó không chỉ giúp con mở rộng sự sáng tạo, học được những bài học quý giá, mà còn là thời gian gắn kết giữa cha mẹ và con cái, giúp tình cảm gia đình ngày càng thêm bền chặt.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/bo-me-nao-cung-lien-tuc-mua-do-choi-moi-cho-con-nhung-tre-nho-co-thuc-su-thich-hay-khong-xem-clip-nay-se-ro-220025

Cách dạy con


Không muốn làm mẹ vì nỗi đau quá khứ đeo bám
Anh đã đến phá "lớp băng giá" quanh cô. Và cô đã hoàn toàn đổ gục vì anh đồng ý chỉ cần hai vợ chồng là đủ. Nhưng mới cưới hơn 2 tháng thì cô đã dính bầu. Cô thực sự không muốn sinh con vì những ám ảnh trong quá khứ…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.