Muốn con đi học không khóc lóc mẹ hãy làm theo 7 bí quyết của siêu mẫu Hà Anh

Siêu mẫu Hà Anh đã có những trải nghiệm tích cực cho bản thân trong quá trình nuôi dạy con gái Myla trở thành cô bé tự tin, cởi mở.

Siêu mẫu Hà Anh là một trong những bà mẹ có phương pháp nuôi dạy con hiện đại, thông minh được nhiều chị em ủng hộ và học hỏi. Theo dõi trang cá nhân của Hà Anh có thể dễ nhận thấy cô luôn dành rất nhiều sự quan tâm cho cô công chúa nhỏ Myla. Ngoài việc chăm sóc đơn thuần, siêu mẫu đặc biệt chú ý đến việc giúp con phát triển bản thân, giúp con tự tin, mạnh dạn và độc lập trong cuộc sống.

Mới đây, Hà Anh chia sẻ cụ thể với chị em những trải nghiệm của chính mình trong quá trình nuôi dạy bé Myla trở thành cô bé tự tin. Chia sẻ của siêu mẫu nhanh chóng nhận được nhiều chú ý. Dù mới tròn 2 tuổi vào hồi tháng 6 và được bố mẹ cho học đi mẫu giáo sớm nhưng Myla lại chững chạc vô cùng, con rất háo hức, vui vẻ. Việc gì cũng đều có bí quyết cả. Các mẹ có con đang bước vào độ tuổi đi học có thể học theo kinh nghiệm của Hà Anh dưới đây để con không còn khóc lóc khi đến môi trường mới:

Muốn con đi học không khóc lóc mẹ hãy làm theo 7 bí quyết của siêu mẫu Hà Anh-1Muốn con đi học không khóc lóc mẹ hãy làm theo 7 bí quyết của siêu mẫu Hà Anh-2Công chúa nhỏ Myla thường xuyên được bố mẹ cho đi du lịch, tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài. Đây là điều kiện tốt để con thêm tự tin.


1. Đừng giữ rịt con ở trong nhà

Bắt đầu từ khi bé còn sơ sinh, các bố mẹ ở Việt Nam đa số rất sợ gió, sợ lạnh, sợ nóng, sợ đông vía người... cộng thêm thói quen "ở cữ" nên cả mẹ cả con ở tịt bên trong nhà. Không tiếp xúc với ai từ những ngày đầu tiên khiến trẻ con sau này ra ngoài thấy người lạ (ngoài bố mẹ chúng) rất sợ và khóc.

Nhà Hà Anh cho Myla ra ngoài công cộng từ khi bé xíu, cho bé làm quen với tiếng ồn, phương tiện di chuyển công cộng, nhà hàng ăn, công viên, thậm chí event đông người.

Dĩ nhiên trong quá trình này chúng ta phải quan sát bé, giới thiệu bé dần dần vào môi trường để bé quen. Nếu bé tỏ ra khó chịu nhiều thì tạm dừng và giới thiệu vào lúc khác, nếu bé thấy thoải mái hãy sinh hoạt bình thường. Đừng vì một buổi ra công viên chơi bé không chịu hợp tác mà tự kết luận rằng bé không thích! Hãy tiếp tục giới thiệu cho bé vào lần sau.
 

Muốn con đi học không khóc lóc mẹ hãy làm theo 7 bí quyết của siêu mẫu Hà Anh-3

2. Thấy con sợ, ngại người lạ thì kè kè ở bên

Hoặc mắng mỏ con, bắt con phải chào bác chào cô. Thật vô lý khi trẻ cảm thấy lạ, sợ, chúng ta lại có thái độ mắng con làm chúng càng sợ hơn, hoặc ngược lại, ôm thốc bế con đi.

Myla đến tầm 6, 7 tháng tuổi, độ tuổi biết lạ và sợ. Bé có thể khóc khi thấy một người bạn bố mẹ có râu ria xồm xoàm, hay người lạ mặt trong thang máy. Hà Anh và ông xã không vì thế mà phản ứng mạnh, ngược lại cứ sinh hoạt nói chuyện vui vẻ bình thường, giải thích cho con nhẹ nhàng đó là ai. Bé quan sát thấy bố mẹ trò chuyện tiếp xúc bình thường với người lạ đó, một chốc sẽ thấy quen và hết sợ.

3. Muốn bé tự tin và cởi mở với người xung quanh, bản thân bạn hãy tỏ ra tự tin và cởi mở

Đúng vậy, trẻ con rất tinh ý. Chúng quan sát và bắt chước mô phỏng theo những gì bố mẹ chúng làm, chúng còn cảm nhận được sự vui vẻ, cởi mở hay sợ sệt ngại ngùng của bố mẹ chúng. 

Hà Anh và ông xã vốn là người cởi mở, cứ đi đâu gặp ai cũng chào, mỉm cười, thậm chí bắt chuyện- từ cô lao công, chú bảo vệ, lễ tân đến hàng xóm trong thang máy... Chính vì vậy việc bé Myla tự nhiên cởi mở và vui vẻ với mọi người trở nên là điều dĩ nhiên bởi đó là những điều bé vốn nhìn thấy, nghe thấy hàng ngày. Nếu mẹ bé, bố bé tự tin đi vào bất cứ nơi đâu cùng bé, sau này bé cũng sẽ có được sự tự tin đó.

Đừng rụt rè, khép nép, lo sợ người khác mắng, hiểu sai, làm phiền. Vì đứa con, hãy cởi mở bản thân với cuộc sống. Bạn là tấm gương sáng nhất cho con.

4. Hãy cho con làm quen với việc không có mình ở bên và dứt khoát chào tạm biệt

Từ khi Myla còn mới sinh và cho con bú, Hà Anh kể cả khi chưa làm việc lại nhiều cũng sẽ tìm cách ra khỏi nhà ăn trưa với bạn, đi làm đẹp v.v... Mỗi lần "dứt con" dù chỉ 2 tiếng cũng mang lại năng lượng năng động cho chính mình, tập cho mình thói quen xa con và tập cho con thói quen xa mẹ.

Đừng nghĩ là cứ ở rịt bên con là tốt cho con. Hãy cho con khoảng không để con tiếp xúc với  sự giúp đỡ khác từ cô bảo mẫu, bố bé... hãy cho bé biết rằng bạn sẽ luôn quay về với bé, nhưng bé có thể trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác ngoài mẹ.

Khi bé khóc, đôi khi phải kiềm chế để đừng lao vào bé, phải để cho bố dỗ bé, cho bé biết không chỉ có bạn mới biết bé muốn gì. Như vậy bé sẽ không chỉ tìm đến bạn và bạn cũng biết là bé ổn kể cả không bên bạn.

Khi rời nhà, đặc biệt khi con khóc đòi thật sự khó. Nhưng cũng đừng vì vậy mà trốn đi. Hãy đàng hoàng chào tạm biệt bé, nói với bé là bạn sẽ quay trở lại sớm và dứt khoát bước đi.

Đừng dùng dằng nấn ná tạm biệt nhiều lần kể cả khi bé khóc đòi. Khi quay trở về hãy nói với bé "Đấy con thấy không mẹ lại về với con này!". Dần dần bé sẽ quen và không còn hoảng hốt khi mẹ ra khỏi nhà nữa.

5. Hãy coi rằng việc con đi học là một cơ hội

Đây là cơ hội để bé được gặp nhiều bạn bè, được vui chơi, được khám phá. Bản thân đừng lê thê thương xót khi con phải đi học. Bé cảm nhận được sự e dè của bạn. Hãy tự tin giới thiệu cho con trải nghiệm đi học. Biến nó thành điều vui tươi, tuyệt vời. Thay vì nghĩ con "phải" đi học, sẽ cho con thấy là con "được" đi học.

Con ăn ngoan mai mẹ lại cho con đi học nhé- như thể đi học là niềm vui và phần thưởng dành cho bé.
Hãy biến việc chuẩn bị đi học buổi sáng, đường đến trường thành những trải nghiệm vui vẻ, ca hát, chơi với nhau, trò chuyện. 

Muốn con đi học không khóc lóc mẹ hãy làm theo 7 bí quyết của siêu mẫu Hà Anh-4
Myla mới hơn 2 tuổi nhưng đã được mẹ cho đi học mầm non. Cô bé không hề sợ hay khóc lóc mà tỏ ra thích thú, vui vẻ khi đi học.
 

6. Hãy thường xuyên khen thưởng con

Thay vì mắng con hư, nói "Không" với con, hãy khen thưởng con để khuyến khích con khi con làm được điều mới mẻ dù nhỏ, dù lặp lại nhiều lần. Nếu không muốn con làm điều gì hãy nhẹ nhàng giải thích vì sao con không nên làm vậy và hào hứng giới thiệu với con hoạt động khác thú vị hơn. Khi con khóc, hãy vỗ về con nhưng đừng "làm quá". Hãy nhanh chóng đánh lạc hướng con bởi những thứ thú vị để con mải chơi quên khóc. Một đứa trẻ tự tin hơn khi chúng được bố mẹ nhìn nhận công bằng, có sự quan tâm của bố mẹ thường xuyên và được bố mẹ khen thưởng, yêu thương.

Đừng đánh mắng, trì triết con, nói con hư. Những chê bai của bạn sẽ làm bé thiếu tự tin đi mà thôi.

7. Đừng doạ con

Đừng doạ bẩn, doạ chú công an, ông áo ộp, doạ con này kinh, con kia cắn (nếu nó không thực sự cắn) kèm với thái độ kinh hãi nhằm làm con sợ hãi.

Đôi khi biết sợ là cần thiết để con tự bảo vệ mình, nhưng sợ hãi tất cả mọi thứ là điều không nên. Bẩn một chút rồi rửa có sao? Vì sao chúng ta phải sợ?

Cứ cho con thử ăn chua, cay, đắng xem con cảm thấy thế nào, đừng doạ con trước khi chúng thử nghiệm. Nhiệm vụ của bố mẹ là mở ra cho con một thế với vô vàn tiềm năng chứ không phải đặt thêm nhiều rào cản cho con. Đừng áp cho con những nỗi sợ của chính mình. Bản thân tôi cực sợ chuột nhưng tôi không bao giờ lấy chuột ra doạ con, thậm chí tôi phải kiềm nén nỗi sợ của mình trước mặt con.

Trẻ con với những nỗi sợ vô thưởng vô phạt làm chúng mất tự tin khi khám phá thế giới bên ngoài. Ngược lại, bé sẽ luôn tò mò, thích thú khi khám phá và học hỏi.

 

Theo Tâm An - Vietnamnet


siêu mẫu Hà Anh

Cách dạy con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.