Những câu nói của cha mẹ làm con buồn nhất: Nếu lắng nghe, bạn sẽ hiểu tại sao!

Có những câu nói dường như rất bình thường của cha mẹ, nhất là khi nóng giận mất kiểm soát, lại có thể làm trẻ tổn thương sâu sắc, làm trẻ buồn vô hạn.

Người ta thường nói trẻ em như những trang giấy trắng, cha mẹ vẽ gì lên đó thì chúng sẽ là vậy. Điều đó là để chúng ta hiểu rằng vai trò giáo dục của cha mẹ đối với con cái là vô cùng lớn và mọi hành động hay lời nói hằng ngày từ cha mẹ đều ảnh hưởng đến tâm hồn non nớt của trẻ. Có những câu nói dường như rất bình thường của cha mẹ, nhất là khi nóng giận mất kiểm soát, lại có thể làm trẻ tổn thương sâu sắc, làm trẻ buồn vô hạn.

Những câu nói của cha mẹ làm con buồn nhất: Nếu lắng nghe, bạn sẽ hiểu tại sao!-1

Bài viết này sẽ tổng hợp một số câu nói như vậy, cũng là lời nhắc nhở các phụ huynh nên hạn chế nói để con em mình được trưởng thành trong vui vẻ và hạnh phúc.

Chỉ là câu nói nhưng chúng như một thanh gươm sắc bén, một khi phát ra sẽ đâm sâu vào trái tim non nớt của trẻ và để lại những vết thương lòng khó có thể thể chữa lành theo thời gian.

1. "Nín ngay! /Đừng khóc nữa!"

Đây được cho là câu nói đứng đầu trong danh sách những câu nói của cha mẹ làm con buồn và tổn thương sâu sắc. Cứ thử nghĩ mà xem, khi bạn đang khóc, ai đó ra lệnh cho bạn nín, bạn có thể nín được không? Chắc chắn là không. Vậy tại sao bạn lại yêu cầu con phải nín? Mà cho dù con nín khóc vì sợ thì nỗi ấm ức vẫn sẽ chồng chất trong lòng, thậm chí càng làm trẻ bực dọc và “bùng nổ” hơn.

Bắt cón ngừng khóc ngụ ý rằng việc khóc là không tốt trong khi đó hoàn toàn là điều bình thường khi có chuyện gì đó không vui khiến con khóc hoặc buồn bực. Cha mẹ đừng vội coi thường cảm xúc của trẻ và dùng những lời lẽ không hay để làm tổn thương con. Mỗi cảm xúc của trẻ đều đáng được tôn trọng và hẳn là bố mẹ không muốn nhìn thấy con mình vô cảm chứ?

Những câu nói của cha mẹ làm con buồn nhất: Nếu lắng nghe, bạn sẽ hiểu tại sao!-2

2. "Nhìn… mà xem / Con nhà người ta…"

Trong rất nhiều lời nói gây tổn thương, thì việc bị đem ra so sánh với người khác vẫn luôn là hành động khiến trẻ em buồn nhất mà cha mẹ cũng hay mắc phải nhất. Cha mẹ nào cũng mong con cái mình tốt hơn và việc so sánh chúng với con nhà người ta như một hội chứng thường trực để họ định hướng những đứa trẻ của mình.

Vậy nhưng họ lại không nhận ra được rằng mỗi đứa trẻ mỗi khác và họ đâu có nhận con nhà hàng xóm về nuôi được? Hơn nữa, con bạn nghe những câu so sánh chỉ thêm tự ti và nhụt trí thôi, thậm chí còn hình thành thói quen ghen ghét, tâm lý bi quan hoặc cáu kỉnh, khó chịu… Vì thế, hãy ngừng so sánh. Khi đã bị tổn thương, thậm chí, bé sẽ không muốn cố gắng để đạt được những hành vi tốt nữa.

3. "Con phải…"
 

Chẳng ai thích bị ra lệnh hay áp đặt cả, nhất là trẻ con, những em bé tính khí mạnh. Vậy nên thay vì nói “Con phải”, bạn hãy thử hỏi: “Con nghĩ xem có cách nào để….”, “Theo con thì có cách nào để….”… 

Thực tế, khi bạn “đá bóng” về sân trẻ, chúng sẽ phải suy nghĩ, và khi đã nghĩ ra, chúng sẽ vui vẻ hiện thực hóa ý tưởng của mình hơn. Còn nếu bé không nghĩ ra và bạn phải nói, hãy nói “Mẹ nghĩ là…” hay “Theo mẹ thì…”…. cũng sẽ dễ chấp nhận hơn câu ra lệnh.

4. “Con có làm sao đâu”

Với chúng ta, một vết xước nhỏ thì chẳng có gì to tát, nhưng với một đứa trẻ, đó có thể là cảm giác đau đớn nhất trên đời. Nếu bố mẹ cứ luôn phủ nhận sự đau đớn của trẻ, một lúc nào đó trẻ sẽ thích nghi với việc tự chịu đựng mà không chia sẻ. Và thực tế đã có trường hợp trẻ bị thương, bị đau mà không dám nói rõ với bố mẹ khiến cho vết thương ngày càng nguy hiểm.

Chính vì vậy bố mẹ cẩn phải quan sát và để ý tới từng vết thương nhỏ nhất của con để tránh tình huống xấu xảy ra. Hãy giúp trẻ xoa dịu cảm giác đau, tỏ ra thông cảm nhưng cũng không nên nghiêm trọng hóa vấn đề.

Những câu nói của cha mẹ làm con buồn nhất: Nếu lắng nghe, bạn sẽ hiểu tại sao!-3

5. “Bố/Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi”

Đây là câu nói vô nghĩa nhất mà các bậc cha mẹ thường nói vì nếu trẻ trả lời được, chúng đã không làm thế từ đầu rồi. Câu nói này thực chất chỉ là câu cử miệng để bố mẹ xả cơn tức giận và khiến trẻ thêm rối trí thêm mà thôi. Thay vì thế, hãy tìm cách làm thế nào để không phải nhắc trẻ nữa, bằng cách cùng thảo luận với con cách gì để không lặp lại vấn đề đó, in những tờ nhắc nhở đẹp để con nhớ… Hãy sáng tạo và tìm cách con có thể tiếp thu, thay vì tuyệt vọng “Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi?”.

6. “Con là một đứa vô dụng” / “Con thật ngu ngốc”

Có thể trẻ không làm được điều gì khiến bố mẹ vừa ý, hoặc chúng cứ động vào cái gì là làm hỏng cái đó. Khi ấy, không ít bố mẹ buột miệng mà tuyên bố con là một đứa ngốc, một đứa vô dụng. Những câu này được sử dụng nhiều lần sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng thật sự là những người chẳng có ích lợi gì. Trẻ cũng không muốn cố gắng để thay đổi nữa vì chúng sẽ nghĩ rằng: “Dù mình có cố gắng thể nào thì trong mắt bố/mẹ, mình đã là người như thế”.

Hãy suy nghĩ về nó ở một góc độ khác, nếu ai đó luôn nói rằng bạn ngốc nghếch, bạn cảm thấy thế nào? Chắc hẳn bạn sẽ thất vọng, mất mát, chán nản… và mặc cảm. Trẻ em cũng vậy nên khi con mắc lỗi, cha mẹ cũng đừng vội vàng nói với con những lời lẽ mang tính chê bai nếu không muốn chúng thực sự trở thành đứa trẻ như thế. Thay vào đó, bố mẹ nên bình tĩnh, kiên nhẫn để hướng dẫn con sửa đổi và động viên chúng cố gắng làm đúng ở những lần tiếp theo.

Những câu nói của cha mẹ làm con buồn nhất: Nếu lắng nghe, bạn sẽ hiểu tại sao!-4

7. “Ai dạy/con học cái kiểu ấy ở đâu đấy?”

Khi nói câu này bố mẹ chính thức nhận mình thua, lép vế trong việc nuôi dạy con so với những người khác có thể có ảnh hưởng đến con. Câu nói này thể hiện sự bất lực. Do vậy, thay vì nói nó, bố mẹ hãy nói: “Hành động đó không đẹp/ không lịch sự chút nào và mẹ không muốn con lặp lại nữa”. Và nếu chúng lặp lại, hãy tìm hậu quả hợp lí để xử lí.

8. “Cứ chờ đó đến lúc bố/mẹ về… xử lý con”
 

Có hai điều sai trong câu nói trên. Một là, nó khiến cho trẻ hiểu rằng trẻ sẽ không bị trừng phạt ngay và điều đó có thể khiến trẻ tỏ ra ít vâng lời hơn. Thứ hai, nó ám chỉ rằng bạn không có chút khả năng kiểm soát nào trong tình huống này.

Hơn nữa khi người lớn nói câu này không khác gì là một hình thức dọa trẻ. Trẻ nhỏ tâm lý còn yếu ớt, nếu thường xuyên phải nghe những câu dọa nạt kiểu này sẽ không tốt cho tinh thần và tâm trí của trẻ. Thay vì chờ đợi người khác “xử lý” bé, mẹ nên trực tiếp chỉ ra lỗi sai và phạt con ngay tại thời điểm hiện tại, chớ đừng gieo nỗi sợ hãi lâu dài cho trẻ.

9. “Im ngay!”

Có những ông bố bà mẹ khi giận dữ chỉ thích mắng mỏ, chỉ trích mà không cho con cơ hội được giải thích, nếu trẻ có nói thì lại bị quát “im ngay” và mặc định chúng là người có lỗi. Điều này đã là vô tình cướp đi những quyền cơ bản của một đứa trẻ, đó là quyền tự do ngôn luận và quyền tự bảo vệ mình.

Những câu nói của cha mẹ làm con buồn nhất: Nếu lắng nghe, bạn sẽ hiểu tại sao!-5

Quan trọng hơn là khi con đang nói lại bị bố mẹ quát “im ngay”, chúng sẽ sinh ra tư tưởng là người lớn không muốn nghe mình nói và về lâu dài sẽ khiến cho con không muốn chia sẻ hay tâm sự bất cứ điều gì với bố mẹ. Như vậy, chỉ từ một câu nói vô tình, bố mẹ sẽ làm cho mối quan hệ gia đình trở nên tồi tệ và xa cách.

10. “Mẹ/ Bố cũng ghét con”

Việc bố mẹ tuyên bố ghét con sẽ khiến trẻ cảm thấy tủi thân. Vì với các con, bố mẹ là những người gần gũi và quan trọng nhất, vậy khi nghe bố mẹ nói ghét mình, trẻ sẽ cảm thấy sao?

Vào lúc nào đó, theo cách nào đó, con cái sẽ nói rằng chúng ghét bố mẹ mình. Nhưng thay vì hạ mình bằng vai phải vế với một đứa trẻ và nói rằng bạn cũng ghét chúng, hãy cho con biết rằng dẫu gì bạn vẫn cứ yêu chúng.

11. "Nếu không nghe lời, mẹ sẽ không cần con nữa"

Câu nói mang tính chất răn đe, dọa dẫm nhưng cũng rất đau lòng với nguy cơ gây tổn thương trẻ rất lớn. Nhìn bề ngoài, câu này có thể có tác dụng tức thì và có thể khiến trẻ bình tĩnh trong chốc lát, nhưng trên thực tế lại không thể giải quyết được vấn đề.

Ngay cả khi đứa trẻ đã nghe lời thì trong tâm hồn chúng đã có sự sợ hãi, hoang mang. Trẻ sống trong nỗi lo lắng, bất an vì sợ làm phật ý cha mẹ sẽ bị bỏ rơi nên sẽ dần hình thành tính cách tiêu cực, tự ti, hướng nội, trầm cảm và ngại hòa đồng với người khác.

Những câu nói của cha mẹ làm con buồn nhất: Nếu lắng nghe, bạn sẽ hiểu tại sao!-6

12. “Con làm mẹ xấu hổ/phát điên”
 

Nuôi dạy con bằng cách khích tướng, chỉ trích, làm nhục với những câu nói tương tự “Con làm mẹ xấu hổ/phát điên”.

có thể hiệu quả, giúp trẻ thanh công nhưng lai không tạo ra được những đứa trẻ hạnh phúc. Vì thế, khi bạn đang phát điên/xấu hổ, bạn cũng đừng vội buôn lời buộc tội phũ phàng, thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể nói những câu nhẹ nhàng hơn kiểu như: “Mẹ đang rất bực mình/ buồn/ không vui.. khi con đánh bạn/ không xếp gọn đồ chơi”. Bạn có thể nói lên cảm xúc của mình, chỉ trích hành động của bé nhưng đừng đổ tội cho trẻ với những từ nặng nề.

13. “Vì mẹ/ bố bảo thế”

Đây là một câu nói sai lầm kinh điển mà chúng ta cần phải vĩnh viễn bỏ qua. Khi yêu cầu con cái làm điều gì, bạn cần giải thích rõ ràng và hợp lý nếu không trẻ sẽ thấy có lý do gì phải dừng hành động hay thái độ được cho là sai trái của mình.

Trẻ nhỏ thường thích có nhiều hành động và thói quen mà bố mẹ không ngờ tới, chúng có thể thích nghịch bẩn, thích chạy nhảy lung tung khắp nhà. Tuy nhiên trước những hành động đó của con, bố mẹ không nên thẳng thắn ngăn cấm con mà hãy nhẹ nhàng nói lí do tại sao con không nên làm như vậy. Khi ép buộc trẻ làm theo điều mình nói mà không có lí do thì sẽ khiến trong lòng trẻ cảm thấy không thoải mái

14. Bố mẹ đã làm tất cả mọi thứ vì con!

Biết là nuôi dạy một đứa trẻ không hề dễ dàng, nhưng chúng ta cũng không nên nói với trẻ rằng: “Bố mẹ đã làm tất cả mọi thứ vì con”. Việc nhấn mạnh một cách mù quáng điều này có thể sẽ khiến tình yêu thương của chúng ta dành cho con cái trở nên nặng nề hơn, và nó cũng khiến trẻ cảm thấy một áp lực vô hình! Rồi đến khi chúng mắc lỗi hay không đạt được điều cha mẹ kỳ vọng, nhiều đứa trẻ còn cảm thấy vô cùng tội lỗi và vô dụng… khiến cả đời chúng không được sống thoải mái và hạnh phúc. Chắc chắn không bố mẹ nào muốn điều này xảy ra với con mình, thế nên hãy tiết chế lại nhé.

Những câu nói của cha mẹ làm con buồn nhất: Nếu lắng nghe, bạn sẽ hiểu tại sao!-7

Có thể nói, lời nói có sức mạnh riêng của nó, một câu nói của cha mẹ có thể khiến đứa trẻ vui sướng như bay lên thiên đường nhưng cũng có thể vùi dập chúng xuống tận địa ngục. Vì vậy, cha mẹ phải kiểm soát cảm xúc của mình để cảm nhận được tâm trạng của con cái trước khi buông những lời không hay. Khi trẻ mắc lỗi là đã rất căng thẳng về mặt tinh thần, bố mẹ không nên khích tướng hay chỉ trích thêm nữa khiến chúng sụp đổ vì tổn thương, buồn bã. 

Cha mẹ nên hiểu rằng, khi trẻ mắc lỗi là lúc trẻ cần sự cảm thông, yêu thương và hướng dẫn của cha mẹ nhất. Người ta nói thất bại là dinh dưỡng tốt nhất trên con đường phát triển và những lời quan tâm, động viên từ cha mẹ sẽ trở thành ngọn hải đăng soi sáng cho trẻ trên con đường trưởng thành phía trước!

Theo V.K - Vietnamnet


Dạy con

Nuôi Dạy Con


Trai trẻ và cái kết ê chề khi góp 'vốn tự có' vào công ty của quý bà hồi xuân đang cô đơn
Ngay buổi tối hôm đó, bà chủ giữ tôi ở lại với lý do giúp bà dọn dẹp căn phòng vừa bày biện cho buổi tiệc sinh nhật. Rồi cái gì đến phải đến khi bà chủ thủ thỉ ngọt ngào rằng nếu tôi “chiều” theo ý bà, bà sẽ dành cho tôi một suất là cổ đông trong công ty mà không cần có tiền góp vốn!

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.