Châu 29 tuổi, kết hôn được 2 năm và đang mang thai con gái đầu lòng ở tháng thứ 8. Bụng to, đi làm xa mệt mỏi nên cô nghỉ ở nhà chuẩn bị tinh thần chăm sóc cho con sắp chào đời. Nhưng thực tế lại không như cô tưởng tượng. Một áp lực khác đã xuất hiện đến từ mẹ chồng.

Chồng Châu là con trai trưởng nên kết hôn xong vợ chồng cô sống chung cùng bố mẹ chồng. Một buổi tối mẹ chồng bước vào phòng và nhẹ nhàng nói với Châu: “Con sắp ở nhà rồi, lo luôn đám giỗ nhà mình nhé. Năm nay chắc khoảng 30 người.” Châu bàng hoàng, không tin vào tai mình. Làm sao một người đang mang bầu ở tháng thứ 8, với cơ thể nặng nề và tâm trạng thất thường lại có thể lo liệu một đám giỗ lớn như vậy? Nhưng nể mẹ chồng,  cô không dám phản bác ngay lập tức.

Ban đầu Châu nghĩ có lẽ bà chỉ muốn cô phụ giúp một phần, nhưng hóa ra bà mong muốn cô đảm nhận toàn bộ việc chuẩn bị. Từ lên danh sách món ăn, mua sắm nguyên liệu đến nấu nướng và dọn dẹp. Tất cả đều được giao cho tôi. Khi Châu bày tỏ sự lo lắng về sức khỏe và sự bất tiện của mình bà chỉ cười và nói: “Có gì đâu mà mệt, hồi mẹ mang bầu còn làm nhiều hơn thế.”

Mang thai tháng thứ 8 mẹ chồng yêu cầu con dâu tự tay lo đám giỗ 30 người
Ảnh minh họa.

Châu hiểu rằng đối với thế hệ của mẹ chồng, phụ nữ thường được kỳ vọng phải đảm đang, phải làm tròn bổn phận nhưng xã hội đã thay đổi rất nhiều. Người phụ nữ hiện đại không chỉ làm việc nhà mà còn phải cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Châu hy vọng mẹ chồng sẽ thông cảm cho tình trạng của cô nhưng dường như bà không hề để tâm.

Những ngày tiếp theo, Châu phải vật lộn với việc lên kế hoạch cho đám giỗ. Với cái bụng nặng nề và những cơn đau lưng kéo dài, cô lê từng bước vào chợ, lo mua đủ nguyên liệu cho mâm cỗ. Mỗi khi đi chợ về cô lại mệt lả chỉ muốn nằm xuống nghỉ ngơi nhưng lại bị mẹ chồng nhắc nhở: “Con tranh thủ làm sớm đi để gần ngày đỡ cập rập.”

Trong lòng Châu đầy bức xúc nhưng không dám nói ra. Phần vì sợ mâu thuẫn gia đình, phần vì cô không muốn chồng mình khó xử. Anh là người đàn ông tốt, luôn cố gắng chia sẻ công việc với cô, nhưng lần này anh cũng không dám can thiệp nhiều, vì đây là “chuyện của phụ nữ” theo quan niệm của gia đình anh.

Khi ngày đám giỗ đến gần Châu như kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Cô không còn thấy niềm vui khi chuẩn bị những món ăn truyền thống mà chỉ thấy áp lực và mệt mỏi. Trong khi đó, mẹ chồng lại rất vui vẻ, liên tục khen ngợi Châu trước mặt mọi người: “Con dâu tôi giỏi lắm, nghỉ thai sản mà vẫn lo được đám giỗ chu toàn.” Nhưng sự thật phía sau những lời khen đó, chỉ có Châu mới hiểu.

Châu tự hỏi, tại sao trong xã hội hiện đại, vẫn còn những quan niệm cứng nhắc như vậy sao? Phải chăng việc nghỉ thai sản đồng nghĩa với việc phụ nữ phải gánh thêm trách nhiệm gia đình? Hay đơn giản là do cô quá yếu đuối, không biết cách từ chối?

Khi đám giỗ kết thúc, Châu như trút được gánh nặng lớn, nhưng cơ thể cô cũng rã rời. Bác sĩ của Châu nhắc nhở rằng cô cần nghỉ ngơi nhiều hơn để chuẩn bị cho việc sinh nở vì cơ thể cô có dấu hiệu căng thẳng quá mức. Lúc đó, Châu mới nhận ra rằng việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người không đáng để đánh đổi sức khỏe của mình và con. Thai sản là thời gian để chăm sóc bản thân và em bé, không phải để gánh thêm trách nhiệm không phù hợp.

Sau sự việc này Châu nhận được một bài học quan trọng: Biết nói “không” khi cần thiết. Chúng ta không thể luôn làm hài lòng tất cả mọi người. Việc đặt sức khỏe bản thân lên hàng đầu không phải là ích kỷ mà là cần thiết. Châu cũng hiểu rằng, để thay đổi những quan niệm cũ kỹ, cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Cô bắt đầu trao đổi với chồng, chia sẻ những suy nghĩ của mình, hy vọng rằng trong tương lai có thể cùng nhau xây dựng một gia đình với những giá trị công bằng hơn.

Theo Thương Trường