“Khó khăn chồng khó khăn”, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn báo lãi kỷ lục

Cùng thời điểm giá sách giáo khoa ngày càng gia tăng, doanh thu, lợi nhuận của NXB Giáo dục Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid.

NXB Giáo dục Việt Nam - đơn vị nắm phần lớn thị phần phát hành sách trên thị trường và do Nhà nước sở hữu 100% vốn mới đây đã có báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021. Theo đó, tất cả các chỉ tiêu của NXB này đều tăng ấn tượng.

Lợi nhuận kỷ lục năm 2021

Sản lượng phát hành sách giáo khoa năm vừa rồi là 164,6 triệu bản, đạt 140% so với kế hoạch đặt ra.

Còn về các chỉ tiêu tài chính, doanh thu của NXB Giáo dục đạt 1.828 tỷ đồng, đạt 132% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra. Trong đó, doanh thu thuần là 1.780 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính là gần 45 tỷ đồng, thu nhập khác là 2,8 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của NXB này đạt 287,4 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với kế hoạch cơ quan chủ quản đặt ra. Đây cũng là mức kỷ lục đạt được từ ngày NXB Giáo dục được thành lập. Trước thời điểm năm 2017, kết quả kinh doanh của NXB này chỉ đạt khoảng vài chục tỷ đồng.

Về khả năng sinh lời, NXB này có tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là 39,9% và tỉ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) đạt 17,9%. Với kết quả này, NXB Giáo dục nhận định việc kinh doanh đạt hiệu quả. Nhờ vậy, doanh nghiệp này đặt chỉ tiêu nộp thuế 124,6 tỷ đồng song đã thực nộp 208,5 tỷ đồng.

Dù đạt được mức lợi nhuận cao, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn cho biết năm 2021 đã phải triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, NXB này nhận định tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh nhiều đợt liên tiếp, nhiều địa phương giãn cách trong thời gian dài gây trở ngại cho NXB Giáo dục trong việc triển khai công tác giới thiệu sách, tập huấn giáo viên theo kế hoạch, tiến độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Bên cạnh đó, NXB này cũng chỉ ra kế hoạch triển khai in SGK mới lớp 2, lớp 6 bị động do Bộ Giáo dục phê duyệt sách mẫu chậm 3 tháng so với kế hoạch, dẫn đến phải triển khai in gấp trong điều kiện ứng phó dịch bệnh. “Khó khăn chồng khó khăn, rất vất vả để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tiến độ và số lượng phục vụ nhu cầu phát hành", báo cáo của NXB Giáo dục nêu.

Một khó khăn nữa mà NXB Giáo dục nêu ra là tình hình cạnh tranh trong xuất bản sách giáo khoa ngày càng gia tăng, những thông tin báo chí, dư luận xã hội bất lợi về bản quyền sách giáo khoa, về hoạt động mua sắm vật tư giấy in… cũng tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của NXB.

Tỉ suất sinh lời tại 7 công ty con cao hơn lãi ngân hàng

Tính đến hết năm 2021, NXB Giáo dục Việt Nam có 7 công ty con, tổng mức đầu tư vào các công ty này là 101,7 tỷ đồng. Trong đó, mức đầu tư lớn nhất là tại Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Tổng hợp Tp.HCM 37 tỷ đồng. Đây cũng là công ty có quy mô lớn nhất trong 7 công ty có vốn góp của NXB Giáo dục.

Tổng cổ tức 7 công ty con mang về cho NXB Giáo dục là hơn 10 tỷ đồng. Như vậy, tỉ suất bình quân thu được trên tổng số vốn đầu tư đạt 9,9%, cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng tại BIDV, kỳ hạn 1 năm là 4,8%.

Kết quả kinh doanh của NXB Giáo dục và các công ty con đều báo lãi cao trùng thời điểm sách giáo khoa tăng giá mạnh. Thực tế, giá sách giáo khoa mới cao gấp nhiều lần sách cũ là vấn đề đã gây tranh luận trong vài năm trở lại đây, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, năm học 2020-2021.

Khó khăn chồng khó khăn”, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn báo lãi kỷ lục-1

Tổng cổ tức 7 công ty con mang về cho NXB Giáo dục là hơn 10 tỷ đồng, tỉ suất bình quân thu được trên tổng số vốn đầu tư đạt 9,9%, cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Đầu năm 2020, Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính đã đề nghị các đơn vị tham gia biên soạn, in ấn, phát hành phải kiểm soát chặt chẽ chi phí, xác định giá sách giáo khoa đảm bảo nguyên tắc cân đối giữa lợi ích kinh tế doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội. Hiện SGK không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước hay Bộ Giáo dục định giá mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, trước câu hỏi của đại biểu về có đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá hay không, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đây là thẩm quyền của Quốc hội, còn các Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ và Chính phủ tham mưu cho Thường vụ Quốc hội rồi Quốc hội quyết định có đưa việc này vào diện bình ổn giá không, đưa vào luật giá hay không.

Theo Người đưa tin

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.nguoiduatin.vn/kho-khan-chong-kho-khan-nxb-giao-duc-viet-nam-van-bao-lai-ky-luc-a558467.html

sách giáo khoa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.