
Chóng mặt, đau dạ dày, thường xuyên mệt mỏi không có sức... Ông Liêm gần đây liên tục xuất hiện những triệu chứng này, ban đầu cứ nghĩ là do cơ thể nhiễm hàn, mãi đến khi đi khám mới biết sức khỏe đã báo động đỏ.
Không chỉ đường huyết và mỡ máu cao, dạ dày cũng xuất hiện viêm mãn tính. Lẽ ra ông không có thói quen xấu, lại thường xuyên tập thể dục, sức khỏe phải ổn chứ, sao lại có nhiều vấn đề đến vậy? Hỏi ra mới biết, sáng nào ông cũng dậy muộn, thường bỏ bữa sáng, tưởng tiết kiệm được một bữa, nào ngờ lại rước họa vào thân.
1. Ăn sáng không đúng cách, mạch máu "kêu cứu"
Theo Báo cáo Sức khỏe Tim mạch Trung Quốc 2021, hơn 80% người già trên 60 tuổi ở Trung Quốc bị xơ cứng động mạch. Vấn đề tim mạch liên quan mật thiết đến chế độ ăn, trong đó một nghiên cứu từ Nhật Bản đã chỉ ra mối liên hệ giữa bữa sáng và sức khỏe mạch máu.
Nghiên cứu này theo dõi 20.000 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, so sánh thói quen ăn sáng, phát hiện những người bỏ bữa sáng có xu hướng thèm ăn mạnh hơn, đặc biệt là đồ ăn nhiều calo, lâu dần dễ dẫn đến rối loạn đường huyết và mỡ máu.
Hơn nữa, bỏ bữa sáng thường xuyên khiến LDL (cholesterol xấu) tích tụ trong thành mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Tạp chí Journal of the Academy of Nutrition and Dietetics từng công bố nghiên cứu cho thấy, so với người ăn sáng đều đặn, người bỏ bữa sáng có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 11% và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 40%.
Nhóm nghiên cứu hợp tác giữa Bệnh viện Tiền Hải (Thâm Quyến) và Đại học Y tế Công cộng Sán Đầu cũng phân tích dữ liệu từ 242.095 mẫu trong 9 nghiên cứu, đăng trên tạp chí Food & Function, kết quả cho thấy: Người không ăn sáng thường xuyên có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, bệnh tim mạch và ung thư lần lượt cao hơn 27%, 28% và 34% so với người ăn sáng đều đặn.
Rõ ràng bữa sáng cực kỳ quan trọng, nhưng nhiều người lại dễ dàng bỏ qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, bữa sáng là nền tảng của lối sống lành mạnh. Sau một đêm dạ dày trống rỗng, cơ thể cần năng lượng, nếu không ăn sáng đầy đủ, não bộ sẽ thiếu nhiên liệu, dẫn đến giảm tập trung, phản ứng chậm.

2. 4 kiểu bữa sáng "hại sức khỏe" nhiều người vẫn ăn hàng ngày
Đừng nghĩ ăn sáng no là đủ! Những món dưới đây nếu ăn thường xuyên sẽ gây hại:
Cháo trắng
Cháo trắng là món quen thuộc, dễ ăn nhưng quá mềm nhuyễn khiến dạ dày lười hoạt động, lâu ngày làm giảm chức năng tiêu hóa. Đặc biệt, cháo kích thích dạ dày tiết nhiều axit, dễ gây trào ngược. Hơn nữa, cháo trắng nghèo dinh dưỡng, nếu ăn kèm dưa muối hay quẩy chiên càng không tốt.
Quẩy, bánh rán
Món chiên rán như quẩy, bánh tiêu tuyệt ngon nhưng chứa lượng lớn tinh bột tinh chế và dầu mỡ, là "bom calo" làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và gan nhiễm mỡ. Đặc biệt, thực phẩm chiên ở nhiệt độ cao sinh ra chất gây ung thư, chỉ nên ăn 1 lần/tuần và kết hợp rau củ, trứng, sữa để cân bằng.
Sữa ăn sáng
Đừng nhầm sữa ăn sáng với sữa tươi! Thành phần của sữa ăn sáng thường chứa thêm đường, hương liệu, lượng sữa thật ít ỏi, ít đạm và canxi. Uống hàng ngày dễ gây tăng cân do lượng đường cao.

Đồ ăn thừa từ hôm trước
Tận dụng đồ thừa cho bữa sáng nghe có vẻ tiết kiệm, nhưng thực phẩm để qua đêm sản sinh nhiều nitrit, khi vào cơ thể chuyển hóa thành nitrosamine - chất gây ung thư. Tốt nhất nên hạn chế ăn đồ thừa.
3. Nghiên cứu: Không nên ăn sáng muộn hơn thời điểm này
Để ăn sáng khoa học, trước hết cần hình thành thói quen đều đặn! Sách trắng về hành vi ăn sáng của người Trung Quốc (2022) chỉ ra, 20% người đi làm bỏ bữa sáng trong tuần, 30% bỏ vào cuối tuần.Bữa sáng nên cung cấp 25-30% năng lượng cả ngày, do đó cần chú trọng chất lượng.
Thời gian ăn sáng cũng quan trọng. Nghiên cứu đăng trên Nature Communications cho thấy, cứ ăn muộn hơn 1 giờ, nguy cơ tim mạch tăng 6%. Ví dụ, người ăn lúc 9h có nguy cơ cao hơn 6% so với người ăn lúc 8h.
Tạp chí International Journal of Epidemiology cũng khảo sát hơn 100.000 người, chia thành 3 nhóm, ăn trước 8h, 8-9h và sau 9h. Kết quả cho thấy, nhóm ăn sau 9h có nguy cơ tiểu đường tuýp 2 cao hơn 59% so với nhóm ăn trước 8h.
Gợi ý bữa sáng lành mạnh
- Tinh bột: Ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang giàu chất xơ.
- Đạm: Trứng, thịt, sữa giúp tăng cường trao đổi chất.
- Rau củ và trái cây: Bổ sung vitamin, khoáng chất, hỗ trợ tiêu hóa.
- Hạt dinh dưỡng: Theo Hướng dẫn Dinh dưỡng Trung Quốc 2022, mỗi ngày nên ăn khoảng 10g hạt.
Lưu ý: Bài viết mang tính tham khảo, không thay thế chỉ định y tế. Mọi vấn đề sức khỏe cần tư vấn bác sĩ chuyên khoa.

Theo Thương trường