Tôi năm nay 70 tuổi, đã về hưu hơn chục năm. Chồng tôi mất sớm, một mình tôi nuôi hai người con khôn lớn. Cả hai đứa đều hiếu thảo, thương mẹ. Con gái lấy chồng xa, con trai cưới vợ xong thì vợ chồng nó đón tôi về ở cùng trong căn nhà mới xây 3 tầng khang trang ở thành phố. Nhiều người nghĩ tôi may mắn, tuổi già không cô đơn, con dâu có hiếu, nhà cửa đàng hoàng. Nhưng để giữ được sự bình yên ấy, tôi hiểu rằng không thể chỉ ngồi chờ con tốt với mình, mà bản thân cũng phải học cách lùi một bước, bớt một lời, nhường một nhịp.

Dưới đây là 5 điều tôi tự nhắc mình mỗi ngày, như “kim chỉ nam” để không gây hiềm khích với con trai, con dâu.

Chồng mất sống cùng vợ chồng còn trai ở tuổi 70 tôi nhận ra 5 điều để giữ hòa khí gia đình
Ảnh minh họa.

1. Con dâu là người dưng, yêu thương là phải vun đắp

Nhiều người hay nói: “Con con, rể khách”, nhưng tôi chưa bao giờ tin vào câu đó một cách tuyệt đối. Con dâu không sinh ra từ tôi, không lớn lên trong nếp nhà này, nên sẽ có khác biệt. Muốn sống hòa thuận, không thể mong con dâu tự nhiên mà yêu thương mẹ chồng như mẹ ruột, mà mình người lớn phải là người đi trước trong ứng xử, tử tế và bao dung.

Tôi không ôm tâm lý "làm mẹ chồng là có quyền", mà nghĩ đơn giản: Mình đến nhà chúng nó ở, muốn sống yên thì phải hiểu và tôn trọng nếp sống của chúng. Có những hôm con dâu đi làm về mệt, cơm nước chưa kịp nấu, tôi không trách, mà nhẹ nhàng nấu giúp. 

2. Việc nhà, việc cháu: giúp thì giúp, đừng tranh giành

Tôi thương cháu nội vô cùng. Từ ngày có cháu, tôi dồn hết tâm sức chăm bẵm. Nhưng tôi luôn tự nhắc: giúp con là giúp, không phải giành quyền. Ngày xưa tôi từng là một người mẹ trẻ, tôi hiểu cảm giác bị mẹ chồng chen vào từng bữa ăn, giấc ngủ của con mình là thế nào. Vì thế, dù ở nhà cả ngày, tôi vẫn để việc dạy con là quyền của bố mẹ nó. Tôi chỉ góp ý khi con dâu hỏi, còn lại không can thiệp quá sâu.

Khi giúp con dâu việc nhà, tôi làm bằng cái tâm. Giặt giũ, nấu nướng, đưa đón cháu đi học đều làm trong khả năng. Nhưng cũng không biến mình thành người giúp việc toàn thời gian để rồi lại tủi thân hay trách móc.

3. Không so sánh, không kể công, không nhắc chuyện xưa

Ba điều này tôi luôn ghi nhớ mỗi khi bắt đầu thấy chạnh lòng. Nhiều người già sống chung với con hay bị một thói: kể khổ, kể công, rồi so sánh với nhà khác. Tôi thì nghĩ, đã sống cùng, phải vui vẻ, chứ không phải để thiệt thòi.

Tôi chưa từng kể chuyện ngày xưa nuôi con cực khổ ra sao. Tôi cũng không bao giờ so con dâu với con gái hay những nàng dâu nhà hàng xóm. Mỗi người một nết, một hoàn cảnh. Hễ nhắc đến “ngày xưa”, là tôi tự bịt miệng mình lại. Bởi vì tôi biết, quá khứ không thay đổi được, hiện tại mới quan trọng.

4. Trò chuyện cởi mở, nhẹ nhàng

Là người lớn, tôi hiểu sức nặng của lời nói. Một câu nói của mẹ chồng có thể khiến con dâu ám ảnh cả đời. Bởi vậy, tôi tập nói chuyện nhẹ nhàng. Có điều gì không hài lòng, tôi tìm lúc thích hợp, riêng tư để góp ý. Không kể lể, không bắt lỗi trước mặt con trai hay cháu nhỏ.

Có lần, tôi thấy con dâu mua đồ xa xỉ, không hợp hoàn cảnh. Tôi không quở trách. Tôi chỉ nói: “Mẹ biết con làm ra tiền, nhưng nhà mình còn nhiều thứ cần lo, để dành một chút phòng khi con ốm, cháu đau.” Nó nghe xong, tự sửa. Tôi không phải mắng một lời.

5. Nhớ rằng: mình đang sống nhờ con, không phải sống cùng con

Đây là câu tôi nhắc mình nhiều nhất. Tôi dọn về ở cùng con trai con dâu, tức là tôi chọn sống trong nhà của chúng nó. Mặc dù là con mình, nhưng nhà là nhà chúng. Đừng đòi hỏi chúng phải sống theo ý mình. Tôi không phật lòng khi con dâu đi làm về muộn, hay lỡ bữa không ăn cùng. Tôi cũng không ghen tị khi con trai đưa vợ đi chơi, mua quà cho vợ mà quên mẹ. Vì tôi hiểu: chúng nó là một gia đình và tôi là người đang nương vào hạnh phúc ấy.

Tuổi 70, tôi không mong gì hơn ngoài một mái nhà yên ấm, bữa cơm có tiếng cười, cháu gọi “bà ơi” ríu rít mỗi chiều. Để có điều đó, tôi học cách sống biết điều, biết đủ và biết nhún. Có thể không phải mẹ chồng nào cũng như tôi, nhưng nếu ai đang khổ tâm vì sống chung với con dâu, tôi mong chị em hãy thử lùi một bước. Biết đâu, lại tiến được một chặng đường dài trong yên ấm.

Theo Thương Trường