4 giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết: Giai đoạn 3 cần chú ý vì dễ nguy hiểm

Các chuyên gia cảnh báo dịch sốt xuất huyết đang phức tạp, số ca mắc không tăng nhưng số bệnh nhân trở nặng do bệnh lại tăng.

4 giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết: Giai đoạn 3 cần chú ý vì dễ nguy hiểm-1

So sánh Covid-19 và sốt xuất huyết

Theo Viện Paster TP.HCM, tình hình sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam tính đến tuần 16/2022 giảm 23% số ca mắc/100.000 dân so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây nên. Virus Dengue được truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian là muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn). Sốt xuất huyết có thời gian ủ bệnh từ 5 - 7 ngày.

Còn bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc giao tiếp, tiếp xúc gần. Thời gian ủ bệnh có thể lên đến 14 ngày, trung bình từ 4 - 5 ngày tính từ khi có tiếp xúc với mầm bệnh.

Sốt xuất huyết và Covid-19 khi khởi phát thường có những biểu hiện tương đối giống nhau và dễ gây nhầm lẫn:

Triệu chứng của sốt xuất huyết: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục từ 39 - 40 độ trong 2 - 7 ngày liền, chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng. Xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ chích, chảy máu cam, ói ra máu.

Triệu chứng Covid-19: sốt (trên 37,5 độ) hoặc ớn lạnh, mệt mỏi. Ho, hụt hơi hoặc khó thở, đau đầu, đau họng, đau cơ hoặc đau cả người, mất vị giác hoặc khứu giác, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy.

Theo bác sĩ BS CKI. Lê Thị Thúy Hằng – BV Đại học y dược cơ sở 3, sốt xuất huyết chia làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn ủ bệnh: Thời kỳ này sẽ kéo dài trung bình từ 3 – 7 ngày. Virus Dengue tùy theo từng cơ địa và khả năng miễn dịch của từng người mà nhân lên dần dần, đến khi đủ số lượng sẽ gây ra nhiều triệu chứng cụ thể.

Giai đoạn sốt Dengue: Giai đoạn này kéo dài từ khoảng 2 – 7 ngày và bắt đầu triệu chứng sốt kèm nhức đầu, đau họng, buồn nôn, người mệt mỏi và đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt cao (từ 39 đến 40 độ C).

Giai đoạn nguy hiểm: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất nhưng người bệnh thường chủ quan do tình trạng sốt đã giảm đáng kể. Ở thời kỳ này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu đi rất nhiều. Vì thế mà bạch cầu, tiểu cầu giảm đáng kể, ảnh hưởng đến khả năng đề kháng của người bệnh.

Lúc này, các triệu chứng xuất huyết bắt đầu xuất hiện rõ rệt như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam,… Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa… vô cùng nguy hiểm.

Giai đoạn phục hồi: là giai đoạn mà cơ thể của người bệnh dần hồi phục. Khi đó, tiểu cầu tăng dần, nhịp tim và huyết động ổn định, đi tiểu nhiều, có cảm giác thèm ăn và khát nước.

4 giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết: Giai đoạn 3 cần chú ý vì dễ nguy hiểm-2
Bệnh nhân sốt xuất huyết tại TP.HCM.

Làm gì khi mắc sốt xuất huyết

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh nên thường xuyên đo nhiệt độ để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt. Khi sốt, người bệnh thường xuyên mệt mỏi, dễ mất nước, đối với trẻ em cần bổ sung 1,5 lít nước trong ngày, với người lớn thì khoảng 2 lít, có thể uống nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh) hoặc nước cháo loãng với muối.

Bệnh nhân nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt. Mặc quần áo thoáng mát và mỏng, tốt nhất là được may từ vải cotton. Nếu bị sốt trên 38.5, người bệnh nên uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ cách nhau 4 đến 6 tiếng 1 lần.

Nên ăn những loại thức ăn dạng lỏng như cháo, súp hoặc cơm nát. Đồng thời tránh những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu, đầy bụng.

Người bệnh đặc biệt chú ý đến việc tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ, kể cả khi ngừng sốt vẫn phải tái khám. Trong trường hợp người bệnh có hiện tượng vật vã, lừ đừ, li bì hoặc buồn nôn, đau bụng dữ dội, xuất huyết, tay chân lạnh, khó thở, tiểu ít thì cần đi khám càng sớm càng tốt. Người bệnh không uống nước ngọt màu đỏ sẽ gây nhầm lẫn với hiện tượng chảy máu dạ dày nếu bị nôn.

Khi bị bệnh, người bệnh nên tắm rửa bình thường. Tuy nhiên, thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, mặc dù sốt có thể sẽ giảm nhưng có tình trạng xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau do hạ tiểu cầu nên cần tránh kỳ cọ mạnh sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ.

Nên tắm bằng nước ấm vì dùng nước lạnh để tắm gội vì sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra, dẫn đến nguy cơ tử vong.

BS Hằng nhấn mạnh bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng đa dạng và có thể chuyển biến nhanh dẫn tới biến chứng vô cùng nghiêm trọng nhưng chưa có vaccine dự phòng và không có thuốc đặc trị.

Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi bởi bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.

Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, cần lưu ý tái khám thường xuyên, không được chủ quan mà phải nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu như: Mệt mỏi, khó chịu dù giảm sốt hoặc hết sốt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; chân tay lạnh; mệt lả; bứt rứt; xuất huyết mũi, chân răng…

Theo Trí Thức Trẻ

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ttvn.toquoc.vn/4-giai-doan-cua-benh-sot-xuat-huyet-giai-doan-3-can-chu-y-vi-de-nguy-hiem-8202235155220901.htm

sốt xuất huyết


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.