Đang nấu cơm, người phụ nữ bất ngờ bị rắn cắn

Trong lúc đang đứng nấu cơm, người phụ nữ thấy đau nhói ở chân. Nhìn xuống dưới, bà phát hiện con rắn đang bò.

Nữ bệnh nhân 61 tuổi, ở huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bàn chân phải sưng nề, ngón chân bị rắn cắn thâm đen có nguy cơ hoại tử.

Bệnh nhân cho biết thời điểm bị rắn cắn là lúc bà đang đứng nấu cơm. Khi vừa bật bếp ga ít phút, bà bỗng thấy đau nhói ở ngón chân. Nhìn xuống, thấy con rắn màu đen bằng ngón tay cái ở sàn nhà. Định thần lại, bà gọi chồng đập chết con rắn.

Đang nấu cơm, người phụ nữ bất ngờ bị rắn cắn-1
Nữ bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Ngay sau đó bà được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân đã được các bác sĩ truyền huyết thanh kháng nọc rắn độc. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe nữ bệnh nhân ổn định hơn nhưng ngón chân bị rắn cắn có nguy cơ hoại tử, phải cắt bỏ.

Theo nữ bệnh nhân này, gần đây ở khu vực gia đình sinh sống cũng có người bắt được rắn vào nhà nên gia đình cũng rất cẩn thận đóng các cửa. Tuy nhiên, có thể con rắn này bò vào nhà qua cửa chính rồi nấp sau bếp, lúc bà nấu cơm thì rắn bò ra tấn công.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Trung tâm đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó người bị rắn lục, rắn hổ mang, rắn cạp nong, cạp nia cắn. Bệnh nhân đến trong tình trạng tổn thương tại chỗ, vết cắn sưng nề, hoại tử vùng bị cắn... Có trường hợp bị rắn hổ mang cắn gây liệt cơ thể, rối loạn đông máu, phải thở máy, điều trị tích cực.

Đang nấu cơm, người phụ nữ bất ngờ bị rắn cắn-2
Tổn thương của bệnh nhân sau khi bị rắn cắn

Theo bác sĩ Nguyên, số lượng rắn độc tại Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là rắn hổ mang, tiếp đó là rắn lục đuôi đỏ. Tuy nhiên, rắn hổ mang vẫn là loài đáng sợ nhất do có thể gây hoại tử ngay lập tức bộ phận bị cắn.

Khả năng thích nghi của rắn hổ mang rất tốt. Chúng có thể tồn tại trong mọi ngóc ngách, từ đống gỗ, đống gạch đến đống rác. Thức ăn của rắn hổ mang là trứng, gà con, cóc, chuột... Do đó, người dân cần kiểm tra kỹ lưỡng môi trường sinh hoạt và làm việc.

"Khi bị rắn cắn nên dùng loại băng gạc bản to băng lại vùng bị rắn cắn để nọc độc lan đến cơ thể chậm hơn, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện, không để người bệnh tự đi và vận động nhiều. Người dân cũng không nên tự chữa mẹo tại nhà, không nên tìm mua thuốc không rõ nguồn gốc để đắp vết thương do rắn cắn"- bác sĩ Nguyên khuyến cáo.


Theo Người lao động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/suc-khoe/dang-nau-com-nguoi-phu-nu-bat-ngo-bi-ran-can-20230922114304515.htm?fbclid=IwAR1w7G3ws_QiiF07lHRMxKOGHouFJcxm-zfxqmr25b1vGPAwm7CzLivTrLE

rắn cắn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.