Hệ lụy ăn chay 'bỏ đói tế bào ung thư'

Không ít bệnh nhân ung thư vú đã bỏ lỡ cơ hội điều trị khỏi bệnh chỉ vì tin dùng thuốc nam cộng với ăn chay có thể 'bỏ đói tế bào ung thư'…

Với kỹ thuật tiên tiến, ung thư vú hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Thế nhưng, không ít bệnh nhân đã bỏ lỡ cơ hội chữa trị vì tin dùng thuốc nam cộng với ăn chay có thể “bỏ đói tế bào ung thư”…

Hệ lụy ăn chay bỏ đói tế bào ung thư-1

Phát hiện, tầm soát sớm ung thư vú

Suy gan, suy thận, vỡ khối u

Chị Vũ Tuyết M. (Hà Nội) đã phẫu thuật, vét hạch nách điều trị ung thư vú được gần nửa năm, đang phục hồi tốt. Tuy nhiên, chị vẫn tiếc một điều “giá mà theo phác đồ điều trị ngay từ khi phát hiện cách đây 9 năm đã không phải chịu nhiều đớn đau, vất vả xạ trị rồi mới được phẫu thuật như thời gian qua”.

Theo chia sẻ, chị M. phát hiện mắc ung thư vú từ năm 2013, ở giai đoạn sớm. Khi đó khối u chỉ nhỏ như quả sấu và không có biểu hiện bất thường khác. Tuy nhiên, khi đó thay vì nhập viện điều trị theo phác đồ của các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, chị M. quyết định dùng thuốc Nam và ăn kiêng để chữa ung thư vú.

“Bác sĩ nam y nói phải bỏ đói tế bào ung thư, nên 1 năm tôi ăn chay 4 tháng, chỉ uống nước lọc và cháo muối… Đáng tiếc một thời gian sau đó, bệnh phát triển rất nhanh. Kết quả đánh giá ung thư đã vào giai đoạn muộn, sức khỏe suy sụp, không có khả năng chống đỡ với bệnh tật.

Đó là tháng 5/2021, khối u bất thường vỡ ra có máu, mủ, hoại tử, khả năng cầm máu không còn. Bác sĩ Hùng - người trực tiếp điều trị phải chỉ định truyền hóa chất 6 lần, ổn mới phẫu thuật được. Nhưng khối u đã xâm lấn nên tiếp tục truyền hóa chất thêm 2 lần nữa. Tôi được mổ vào tháng 1/2022, đến nay chữa ngoại trú, khá ổn định”, chị M. bộc bạch.

Theo PGS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Tuy nhiên, những năm qua các bác sĩ ở trung tâm cũng gặp một số trường hợp đến khi đã muộn.

BS. Phương kể, có trường hợp khi đến bệnh viện, các bác sĩ khám và chẩn đoán có thể điều trị bằng phẫu thuật kèm theo các phương pháp điều trị khoa học khác, nhưng người bệnh không tin, lại nghe theo bạn bè đi uống thuốc nọ, đắp thuốc kia, tự ý bỏ dở điều trị…

“Khi đến viện, khối u đã loét, việc điều trị vô cùng khó khăn, không còn cơ hội chữa khỏi bệnh mà chỉ điều trị triệu chứng. Hay có những bệnh nhân không nghe theo chỉ định của bác sĩ, uống những loại thuốc không chính thống với liều lượng cao dẫn đến suy gan phải điều trị vài tháng hay suy thận phải chạy đến 9 lần mới hồi phục, rồi mới quay lại điều trị ung thư. Như vậy sẽ làm mất thời gian vàng điều trị ung thư khiến bệnh càng nặng thêm”, BS. Phương nói.

Đường, đậu nành… có phải “kẻ thù”?

Về thông tin “đường không tốt cho hệ miễn dịch, nuôi tế bào ung thư” khiến nhiều bệnh nhân băn khoăn, BSCKII. Trần Thị Anh Tường, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho rằng đây là sự hiểu nhầm.

Trong điều kiện bình thường, khi cơ thể sử dụng đường sẽ không làm tăng đường huyết do cơ thể tiết insulin để điều hòa lượng đường trong máu nên không gây tổn hại cho hệ miễn dịch.

Cả tế bào bình thường và tế bào ung thư đều sử dụng đường là nguồn năng lượng. Tuy nhiên, loại bỏ đường ra khỏi chế độ ăn để chống ung thư là điều không thể.

“Chế độ ăn khỏe mạnh là chế độ ăn sử dụng nguồn đường tự nhiên có trong hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt được khuyên dùng”, BS. Tường nói và cho biết, một số chế độ ăn chay vẫn dùng các thực phẩm từ sữa, trứng do vậy vẫn đảm bảo đủ protein, tuy nhiên cần chú ý bổ sung thêm sắt; bổ sung các thực phẩm có chứa canxi, kẽm, vitamin B12 như các loại hạt, đậu, đỗ, khoai lang.

Tương tự với đậu nành, các thực phẩm từ đậu nành như hạt đậu tương, đậu phụ, các đồ uống làm từ đậu nành là những thực phẩm tốt cho sức khỏe và có chứa nguồn estrogen từ thực vật. Ăn các chế phẩm từ đậu nành ngay từ bé có thể giúp giảm nguy cơ ưng thư vú.

Những nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng một lượng vừa phải chế phẩm đậu nành trong bữa ăn là an toàn với bệnh nhân ung thư vú. Vì vậy, không khuyến cáo kiêng các thực phẩm làm từ đậu nành. Tuy nhiên, với các thực phẩm chức năng có thành phần từ đậu nành thì bệnh nhân ung thư vú nên tránh.

Bên cạnh những lưu ý dinh dưỡng cho bệnh nhân, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương cho biết, hiện nay, ngoài các phương pháp tầm soát, chẩn đoán ung thư vú thông thường bao gồm siêu âm và chụp Xquang tuyến vú, Bệnh viện Bạch Mai đã và đang ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến khác như xét nghiệm gen BRCA1/2, siêu âm đàn hồi mô tuyến vú, chụp Xquang tuyến vú 3D, chụp cộng hưởng từ tuyến vú, sinh thiết u vú có hỗ trợ hút chân không cũng như các can thiệp hỗ trợ trong điều trị.

“Với bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn, hiện BHYT chưa chi trả dùng thuốc mới. Hy vọng thời gian tới, quỹ BHYT sẽ tính đến việc chi trả 1 phần với chỉ định dùng thuốc thế hệ mới để bệnh nhân giai đoạn cuối yên tâm điều trị”, BS. Phương chia sẻ.

Theo Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới GLOBOCAN 2020, hàng năm, trên thế giới có hơn 2,2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng 680.000 người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới với hơn 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong.

Theo Báo giao thông


ung thư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.