Người phụ nữ ung thư có nụ cười sáng bừng sức sống: Bí quyết không run sợ, không kiệt sức

Căn bệnh ung thư ập đến với Bằng An được chị coi là một cơ hội để thấu hiểu cơ thể mình hơn. Mỗi ngày trôi qua, chị đều lắng nghe cơ thể mình từ nhịp đập trái tim đến hơi thở.

Căn bệnh ung thư ập đến với Bằng An được chị coi là một cơ hội để thấu hiểu cơ thể mình hơn. Mỗi ngày trôi qua, chị đều lắng nghe cơ thể mình từ nhịp đập trái tim đến hơi thở.

Bàng hoàng khi phát hiện thấy khối u to như quả táo

Năm 2012, khi thấy ở ngực phải có một hạch nổi lên, chị Nguyễn Bằng An vào Khoa Ung bướu của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) khám, sinh thiết. Bác sĩ kết luận chị có u lành. 8 tháng sau, hạch lại nổi lên, to dần. Lần này vào khám, bác sĩ cho biết: chị bị u vú ác tính, lúc này đã to bằng quả táo xanh (táo ta).

Bàng hoàng, triền miên lo lắng, hoang mang và theo quan niệmk "có bệnh thì vái tứ phương". Chị nghe người ta "mách nước" chữa ung thư bằng thuốc lá, tức là chữa bằng Nam dược. Chị cũng uống, nhưng rồi cơn đau dữ dội vẫn tiếp diễn.


Người phụ nữ ung thư có nụ cười sáng bừng sức sống: Bí quyết không run sợ, không kiệt sức - Ảnh 1.


Lo sợ không dứt và luôn bị ám ảnh bởi án tử, suy nghĩ kĩ, chị nhập viện điều trị tại khoa Ung bướu, bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Lúc này, ung thư đã di căn vào xương. Cơ thể yếu dần, liệt tay, đau nhức toàn thân. Sau khi truyền 3 đợt hóa chất, bác sĩ quyết định mổ "quả táo" cho chị.

"Một điều may mắn là, trong quá trình truyền hóa chất, da của tôi vẫn đẹp. Bác sĩ có truyền chất thải độc và kê cho tôi uống thêm một loại thuốc nữa, mỗi ngày một viên", chị Bằng An kể lại. Ngoài ra, chị còn uống thêm tam thất, nghệ, sữa dành cho người ung thư.

Sau mổ, chị phải truyền thêm 3 lần hóa chất nữa, rồi bước tiếp vào hành trình xạ trị với 21 mũi. Để đảm bảo sức lực, trước mỗi lần xạ trị, chị cẩn thận lên thực đơn để người nhà chuẩn bị cho việc ăn uống được đủ đầy và không bị ngán. Cứ như thế, có thực mới vực được… bệnh.

Mất một năm để cơ thể làm quen với hóa chất, xạ trị. "Kể cũng nhanh…", chị nói với giọng ngắt quãng, như thể an ủi một năm đầu chiến đấu với ung thư. Ra viện, cứ vài tháng lại kiểm tra tất cả chỉ số ung thư, theo đúng y lệnh.

Những cơn đau vẫn tiếp tục dồn về trong cơ thể chị, báo hiệu xấu cho sức khỏe. Lúc này, chị mang tất cả hồ sơ bệnh án của mình vào gặp bác sĩ của bệnh viện K, với ý chí của một bệnh nhân muốn được bác sĩ giỏi chữa trị cho mình.

Một lộ trình mới cho việc trị bệnh được bác sĩ chỉ định. Lần thứ nhất, tại bệnh viện K, cơ thể chị không đáp ứng thuốc khi truyền hóa chất. Bác sĩ lại chỉ định: Xạ trị trước, truyền hóa chất sau.

Lại xạ trị tại bệnh viện K. Cứ 5 giờ sáng, chị vào viện, xạ trị xong lại đến công ty để làm việc. Chị vẫn là một phụ nữ hay cười nói, một bệnh nhân không tắt hy vọng vào phác đồ điều trị. Điều đáng lo nhất là cơn đau tập trung ở vùng cổ, họng khiến cho việc ăn uống khó khăn vô cùng. Chị gần như không ăn được gì, chỉ uống sữa đậu nành không đường.

"Từ năm 2013 đến giờ, tháng nào tôi cũng phải vào viện. Tôi đã sống chung với ung thư, thêm 8 đợt truyền hóa chất nữa. Tóc cứ rụng rồi mọc, mọc rồi rụng", chị Bằng An tổng kết về cuộc chiến ung thư của mình.

Một kinh nghiệm được chị rút ra sau gần 5 năm điều trị ung thư là: Khi biết mình bị ung thư thì nên tìm hiểu kĩ thông tin về căn bệnh này; Hãy tiếp cận sớm bệnh viện chuyên khoa về ung thư; Tuân thủ nghiêm ngặt y lệnh và lời dặn dò của bác sĩ điều trị; tích cực lắng nghe cơ thể mình và phản hồi kịp thời với bác sĩ.

Người phụ nữ ung thư có nụ cười sáng bừng sức sống: Bí quyết không run sợ, không kiệt sức - Ảnh 2.


Chữa bệnh bằng cả tinh thần "quẳng gánh lo đi mà vui sống"

Ngắm chị ở văn phòng làm việc, thực sự phong thái, nụ cười và giọng nói vẫn toát lên nét đẹp của một phụ nữ sáng bừng sức sống.

Chị đã khoe ảnh chụp cái đầu trọc của mình trên facebook cá nhân. Chị gọi đó là "quả đầu đẹp". Thực sự, đó là cái đầu tỉnh táo của một phụ nữ chữa bệnh theo y lệnh, và chữa bệnh bằng cả tinh thần "quẳng gánh lo đi mà vui sống".

Một lần, chị nghe GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương chia sẻ, các chỉ số xét nghiệm thường không thể hiện đầy đủ kết quả của bệnh. Vì vậy, các bệnh nhân không nên chỉ nhìn vào kết quả đó để đoán bệnh của mình.

Rất nhiều bệnh nhân khi biết kết quả đã rất ủ rũ, buồn bã dẫn đến ảnh hưởng quá trình điều trị, khiến bệnh nặng hơn. Tốt nhất, bệnh nhân không nên để ý nhiều đến các kết quả đó mà cần phải tuân theo đúng y lệnh, phác đồ điều trị của bác sĩ.

Nghe lời bác sĩ nói, chị An "phớt lờ" mọi chỉ số xét nghiệm, không cố công dò hỏi bác sĩ, tuyệt đối tuân theo y lệnh. Làm được điều này, tinh thần được giải thoát khỏi áp lực ghê gớm của hành trình điều trị dài lâu, tâm không muộn phiền, không lo lắng.

Chính căn bệnh ung thư ập đến không ngờ, đối với chị, lại là một cơ hội để thấu hiểu cơ thể mình hơn. Mỗi ngày trôi qua, chị đều lắng nghe cơ thể mình, từ nhịp đập trái tim, đến hơi thở, đến tỉ mỉ những nhu cầu hưởng thụ vật chất khác.

"Trước mỗi lần truyền hoá chất, tôi thường ăn hải sản để không bị thiếu hồng cầu"

PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, rất nhiều bệnh nhân bị thiếu hồng cầu khi xạ trị và truyền hoá chất. Điều này khiến bệnh nhân bị mệt mỏi và đau đớn trong khi điều trị. Vì vậy, việc bổ sung dinh dưỡng cần thiết trước khi vào viện điều trị là rất cần thiết.

Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của người bệnh. Đồng thời, nó cũng làm tăng giá trị tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong của bệnh nhân ung thư.


Người phụ nữ ung thư có nụ cười sáng bừng sức sống-1

Chị An thường xuyên gặp gỡ những người bạn.

Dường như với chị, điều trị ung thư chỉ là một thử thách trong cuộc sống. Thử thách đó đòi hỏi người chơi cần phải tỉ mỉ, khéo léo và thông minh để xử trí vượt qua. Dinh dưỡng lúc này có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị nặng nề.

"Tôi đã đọc và tìm hiểu rất nhiều về chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh ung thư. Vì vậy, tôi rất coi trọng việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị đều nhằm đến mục tiêu là tăng cường thể lực cho bản thân.

Trước khi bước vào một đợt xạ trị và truyền hoá chất, tôi thường ăn rất nhiều hải sản trước 2 ngày để đảm bảo đủ chất đạm, sắt và không bị thiếu hồng cầu. Chính vì điều đó, mấy năm qua, tôi chưa bao giờ có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức như những bệnh nhân khác", chị An tâm sự.

Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng thực sự mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị bệnh. Nó không chỉ mang lại sức khoẻ mà còn khiến chị có đủ dưỡng lực để chống chọi với những cơn đau trong khi truyền hoá chất.

Trở về nhà với cuộc sống đời thường, chị thiết kế cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý từng bữa ăn đầy đủ dưỡng chất cần thiết.

"Mình chỉ kiêng 3 món: trứng vịt lộn, thịt chó (món này từ lâu đã không ăn vì là người niệm Phật) và hạn chế ăn thịt bò. Còn lại mình ăn tất cả các loại thực phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo thực phẩm an toàn vệ sinh, mình thường lựa chọn nhóm rau củ và hoa quả theo mùa chứ không bao giờ ăn rau, quả trái mùa", chị An cho biết thêm.

Chị nói, trong cuộc đời không ai muốn mình mắc phải một căn bệnh nào đó. Nhưng với chị, bệnh tật dường như làm chị thấy được bản chất thật và khả năng phi thường của mình.

"Đôi khi, tôi tự nhủ và thầm cảm ơn vì bệnh tật đã đến với tôi bởi điều đó khiến con người tôi khác hẳn với trước đây. Thay đổi từ một người phụ nữ chỉ biết học tập, làm việc kiếm tiền trở thành một người biết yêu thương bản thân mình hơn, biết trân quý những điều thường ngày diễn ra trong cuộc sống.

Đặc biệt, bệnh khiến tôi biết được cách sống tỉ mỉ, biết nhiều hơn về dinh dưỡng, một tinh thần thép khiến mình kiên định hơn và có thể chăm sóc tốt hơn những người thân xung quanh. Hơn nữa, tôi nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống là sức khoẻ, là tình yêu", chị An chia sẻ.

Tìm bình an trong câu kinh niệm Phật

Với chị An, chưa khi nào chị nghĩ mình đã khỏi bệnh ung thư, mà liên tục duy trì phác đồ điều trị để đặt cơ thể vào trạng thái ổn định. Vẫn đi làm, vẫn lạc quan để đầy lùi mọi đau đớn của bệnh tật, chị nói thật lòng: "Mình vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu người khác, bởi còn được sống, có gia đình bên cạnh, có việc để làm".

Sự thật, chị đã tận mắt chứng kiến nhiều bệnh nhân ung thư chết dần chết mòn vì tinh thần yếu đuối, vì cách nghĩ luẩn quẩn, vì cứ nghĩ ung thư là dấu chấm hết của sự sống.

Từ trải nghiệm của bản thân, chị cho rằng điều cực kì quan trọng đối với bệnh nhân ung thư là cần một tinh thần sáng suốt và yêu đời.

"Tôi không biết mẹ mình có khóc vì bệnh tình của mình không, nhưng tôi tuyệt đối không bi quan", chị Bằng An chia sẻ.

Như một nhu cầu tinh thần tự nhiên, khi biết mình bị bệnh, chị chăm đi lễ chùa và cầu kinh niệm Phật. Chị tìm thấy trong cuốn "Niệm phật chuyển biến tế bào ung thư" có những câu chuyện có ý nghĩa như điểm tựa tinh thần cho mình. "Khi tinh thần căng thẳng, tôi chẳng để ý đến xung quanh, mà cứ niệm Phật liên tục, liên tục", chị Bằng An nói.

Thực tế, đã có những trường hợp dùng sức mạnh tư tưởng để chống lại bệnh tật thành công. Ví dụ như ông David Servan - nhà thần kinh học người Pháp, người đã 20 năm trời chống chọi bệnh ung thư. Trước khi chết ông đã để lại cuốn sách "Phòng chống ung thư" kể lại quãng thời gian chiến đấu với bệnh tật.

Một trong các phương pháp đã giúp ông chống chọi được căn bệnh nan y này trong 20 năm là luôn giữ một tinh thần khỏe mạnh không bi quan. Từ đó, chị An đã lĩnh hội ý nghĩa của câu chuyện Davia Servan, và trong sâu thẳm của liều thuốc tinh thần ấy là cả một niềm ham sống vượt qua cú đánh bệnh tật của chị.

Vui tươi giữa đời, chị đã và đang sống đúng với tiêu chí của một người bệnh khỏe mạnh. Thỉnh thoảng, chị vẫn đi chơi với bạn bè, người thân để "mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" theo cách của mình.

Mỗi ngày, khi đi làm về, chị An vẫn vào bếp nấu những bữa cơm ngon cho gia đình mình. Hơn bất kì lúc nào, chị trân quý hơn những ngày tháng nhiều gian nan nhưng đầy hy vọng này.

Còn đối với người thân và bạn bè, chị luôn là niềm tin và nguồn truyền năng lượng sống.

"Bạn cười. Nụ cười xua tan đi tất cả những nỗi đau bệnh tật. Nụ cười truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Ít ai nghĩ rằng bạn có 5 năm chống trọi với nó.

Sau ca mổ của năm đầu tiên phát hiện bệnh, ròng rã từ đó đến nay tháng nào bạn cũng vào viện truyền hóa chất. Điều trị hoá chất giúp tiêu diệt các tế bào ung thư đang nhân lên, nhưng cũng gây hại cả cho các tế bào lành của cơ thể.

Nhiều lúc trong người mệt, đau, buồn nôn, rụng tóc… song người ta không thấy bạn sợ hãi, nao núng mà vẫn thấy bạn cười.

Nụ cười sẵn sàng đối mặt với trò đùa của số phận, nụ cười đã xóa hết những lo toan, nhọc nhằn. Nụ cười thay đổi cuộc sống. Nên nụ cười của bạn lúc nào cũng đẹp", chị có nick name Bống Bắp chia sẻ.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.