Sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 vừa xâm nhập Việt Nam

Biến chủng BA.2.75 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ và đang là dòng phụ Omicron thống trị nước này. Ít nhất 20 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm BA.2.75.

Ngày 16/8, Cục Y tế Dự phòng có văn bản khẩn gửi các sở y tế về việc tăng cường công tác quản lý, báo cáo trường hợp mắc Covid-19.

Đáng chú ý, Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron là BA.2.75 (bên cạnh BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 đã thông tin trước đó) với khả năng lây nhanh.

Đây là biến chủng đang gây ra làn sóng Covid-19 mạnh tại Ấn Độ và được cho là có thể thống trị toàn cầu thay cho BA.5.

Biến chủng phụ BA.2.75 là gì?

BA.2.75 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào đầu tháng 5. Kể từ đó, nó đã được tìm thấy ở châu Âu và Mỹ. Thống kê mới nhất cho thấy BA.2.75 đã được ghi nhận ở 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) lần đầu đề cập đến dòng phụ hoàn toàn mới của Omicron trong bản tin công bố đầu tháng 7. Các chuyên gia gọi BA.2.75 là biến chủng "Omicron tàng hình", cho rằng đây là phiên bản virus tồi tệ nhất với khả năng né khỏi hệ miễn dịch nhanh chưa từng thấy.

Nhà khoa học hàng đầu của WHO, tiến sĩ Soumya Swaminathan, cho biết BA.2.75 dường như đã đột biến theo cách giúp chúng thoát khỏi hệ miễn dịch một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có đủ dữ liệu để biết tác động của nó sẽ nghiêm trọng như thế nào.

Bà Soumya Swaminathan nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của BA.2.75. Theo bà, vẫn còn quá sớm để biết liệu Centaurus có đặc tính xâm nhập miễn dịch bổ sung hay không.

“Chúng ta không biết điều đó, vì vậy, chúng ta phải chờ xem”, vị chuyên gia nói thêm.

BA.2.75 vốn là “đứa con” của BA.2 – biến chủng từng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều quốc gia. BA.2.75 có nhiều đột biến hơn BA.5 và điều đó khiến các nhà nghiên cứu lo lắng.

Biển chủng này đặc biệt phổ biến ở Ấn Độ và đang cạnh tranh với Omicron để chiếm ưu thế. Tuy nhiên, WHO vẫn chưa liệt kê BA.2.75 vào nhóm các biến chủng đáng quan ngại.

Sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 vừa xâm nhập Việt Nam-1
Việt Nam là quốc gia mới nhất ghi nhận ca nhiễm BA.2.75. Ảnh: Financial Times.

Hơn 80 đột biến

Theo Firstpost, một nhà khoa học chuyên về gene của Ấn Độ cho biết BA.2.75 có hơn 80 đột biến, BA.2 có khoảng 60 đột biến. BA.2.75 có nhiều đột biến mới trên gai protein, trong đó hai đột biến đáng chú ý là G446S và R493Q. Chúng cho phép biến chủng này có khả năng lẩn tránh nhiều kháng thể và dễ xâm nhập vào tế bào. Điều này có nghĩa BA.2.75 dễ lây nhiễm cho người từng mắc Covid-19, đã tiêm vaccine hơn.

TS Ulrich Elling, nhà sinh học phân tử, cảnh báo việc Mỹ có thể "phải chuẩn bị" cho làn sóng "Centaurus". Ông Elling "không hề thích những đột biến được quan sát".

Vị chuyên gia nói thêm: “8 đột biến bổ sung trong BA.2.75 rất đáng chú ý. Delta có tổng cộng 8 điểm tăng đột biến. Ba đột biến có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn (BA.5). Do đó, 11 đột biến khác biệt giữa BA.5 và BA.2.75 có thể tạo ra làn sóng khác vì khả năng miễn dịch với BA.5 có thể không bảo vệ được chúng ta".

Theo Fortune, cùng với các đột biến Omicron thông thường, "Centaurus" có tới 9 thay đổi bổ sung, không có thay đổi nào liên quan từng cá thể.

“Nhưng tất cả cùng xuất hiện một lúc là vấn đề khác”, nhà virus học Tom Peacock, khoa Bệnh truyền nhiễm, Đại học Imperial ở London, Anh, nhận định. Theo vị chuyên gia này, tốc độ tăng trưởng nhanh một cách rõ ràng và phạm vi địa lý rộng của nó là mối quan tâm.

Sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 vừa xâm nhập Việt Nam-2
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên phát hiện ca nhiễm BA.2.75 và cũng đang là nước có tỷ lệ nhiễm chủng này nhiều nhất thế giới. Ảnh: Financial Times.

Thông tin ít ỏi

Trên thực tế, "Centaurus" là tên gọi không chính thức mà một người dùng trên Twitter - Xabier Ostale - đặt cho chủng này vào tháng 7. Anh ta đặt tên BA.2.75 theo tên chòm sao Nhân Mã và nhiều người cũng dùng cách gọi này. Tuy nhiên, đây không phải tên gọi chính thức mà WHO đưa ra.

Cách đây một tuần, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công bố nghiên cứu cho thấy BA.2.75 có thể chiếm ưu thế trên toàn cầu sau làn sóng BA.4 và BA.5.

“Lợi thế tăng trưởng của Centaurus so với BA.5 ở Ấn Độ đã trở nên rõ ràng hơn”, giáo sư Yunlong Richard Cao, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh. Ông và các cộng sự của Đại học Bắc Kinh đã xem xét dữ liệu trong gần một tháng để đưa ra kết luận này.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ giải mã trình tự hơn 1.000 mẫu của BA.2.75 từ tháng 5. Theo nhà virus học Shahid Jameel, Đại học Oxford, Vương quốc Anh, khoảng 2/3 số ca mắc mới hiện nay ở Ấn Độ là do BA.2.75 gây ra.

Nhà sinh vật học tiến hóa Tom Wenseleers, Đại học Leuven ở Bỉ, cũng nhận định biến chủng này dường như có lợi thế lây nhiễm khá lớn so với BA.5 ở Ấn Độ.

Ông nói: “Điều này chắc chắn sẽ gây ra làn sóng lây nhiễm". Vị chuyên gia cũng lưu ý số ca mắc được xác nhận - vốn chỉ là một phần nhỏ con số thực tế - đang tăng lên khắp Ấn Độ.

Điều đáng nói, BA.2.75 dường như không khiến số ca nhập viện hoặc tử vong ở Ấn Độ gia tăng. Theo New York Times, quốc gia này báo cáo 49 ca tử vong liên quan Covid-19 mỗi ngày trong tuần qua. Con số giữ nguyên so với hai tuần trước.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho hay “vẫn chưa rõ” tại sao chủng này lại có khả năng lây nhiễm ở Ấn Độ nhiều hơn các chủng khác. Nhưng họ đặt giả thuyết một đột biến quan trọng liên quan khả năng liên kết với tế bào người của virus có thể giải thích cho điều này.

Ấn Độ đã phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm Delta kinh hoàng vào mùa hè năm 2021 và giáo sư Cao cho rằng BA.5 có chung một đột biến cụ thể với Delta nên người dân ở Ấn Độ có thể được bảo vệ tốt chống lại BA.5. Tuy nhiên, đến BA.2.75, câu chuyện lại khác.

Các chuyên gia hy vọng hiện tượng này sẽ lặp lại ở những nơi khác, do dù biến chủng tiếp theo là BA.2.75 hay bất kỳ điều gì khác. Bởi khả năng miễn dịch của chúng ta ngày càng cao, hậu quả mà Covid-19 gây ra đang ngày càng ít nghiêm trọng hơn với hầu hết người dân.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/su-nguy-hiem-cua-bien-chung-covid-19-vua-xam-nhap-viet-nam-post1346259.html

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.