Vụ sản phụ cầm dép đánh chồng vì không được tiêm giảm đau khi đẻ: Mũi tiêm này có đáng sợ như nhiều người nghĩ?

Theo các bác sĩ, gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giúp giảm khoảng 70-80% các cơn đau, làm cho cuộc "vượt cạn" của sản phụ không còn quá đau đớn, ít mất sức, cuộc chuyển dạ diễn ra dễ dàng hơn...

Mới đây, một đoạn video ghi lại cảnh một sản phụ mới sinh tại Trung Quốc liên tục la hét, thậm chí rút cả chiếc dép đang đi để đánh chồng ngay tại bệnh viện đã khiến cộng đồng mạng xôn xao.

Được biết, nguyên nhân của hành động này bắt nguồn từ khi cô vợ trong quá trình trở dạ đau đớn đã yêu cầu được tiêm thuốc giảm đau nhưng người mẹ chồng lại không đồng ý vì sợ rằng thuốc sẽ gây ảnh hưởng đến cháu của bà khi sinh ra.

Vụ sản phụ cầm dép đánh chồng vì không được tiêm giảm đau khi đẻ: Mũi tiêm này có đáng sợ như nhiều người nghĩ?-1
Sản phụ cầm dép lao đến đánh chồng vì không được tiêm giảm đau khi đẻ. Ảnh TL

Đứng giữa mẹ và vợ, anh chồng cuối cùng quyết định nghe theo mẹ, không cho vợ tiêm thuốc giảm đau. Người vợ sau đó đã phải vượt cạn trong đau đớn mà không có biện pháp hỗ trợ giảm đau nào. May mắn, đứa bé được sinh ra an toàn, khỏe mạnh. Tuy nhiên, ngay sau khi vừa hồi sức sau sinh, người vợ đã ngay lập tức tìm chồng để "tính sổ" vì đã không cho cô tiêm mũi giảm đau này.

Phương pháp giảm đau hiệu quả cho sản phụ

Theo BS Tào Tuấn Kiệt, Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Từ Dũ), hiện nay, để giảm đau trong sinh thường, phương pháp gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật hiệu quả và phù hợp nhất cho cả mẹ và bé. Kỹ thuật này được thực hiện để giảm đau do cơn co thắt tử cung trong chuyển dạ.

Theo đó, bác sĩ gây mê hồi sức sẽ đặt một ống thông rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng ở cột sống lưng. Ống thông này sau đó được dán cố định bằng băng keo dọc theo lưng về phía vai của sản phụ. Thuốc gây tê sẽ được truyền liên tục qua ống thông này để ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh, ngăn chặn cơn đau trong quá trình chuyển dạ.

Kỹ thuật này được thực hiện khi cổ tử cung mở từ 3 đến 8 cm, tuy nhiên cũng có thể được thực hiện sớm hơn nếu thai phụ đau nhiều gây mất sức hoặc trong một số trường hợp thai phụ có bệnh lý, không nên kéo dài thời gian chuyển dạ.

Cũng theo BS Kiệt, phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp giảm khoảng 70-80% các cơn đau, làm cho cuộc "vượt cạn" của sản phụ không còn quá đau đớn, ít mất sức, cuộc chuyển dạ diễn ra dễ dàng hơn mà không làm mất cảm giác rặn. Đây là phương pháp được khuyến cáo trên những sản phụ có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp hoặc hen phế quản.

Gây tê ngoài màng cứng có nguy hiểm cho con không?

Vụ sản phụ cầm dép đánh chồng vì không được tiêm giảm đau khi đẻ: Mũi tiêm này có đáng sợ như nhiều người nghĩ?-2
Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật hiệu quả và phù hợp cho cả mẹ và bé. Ảnh minh họa

Xung quanh việc nhiều người lo ngại phương pháp giảm đau này sẽ gây đau lưng sau sinh, thậm chí ảnh hưởng đến đứa trẻ khi được sinh ra, BS Tào Tuấn Kiệt cho biết, về phương diện khoa học, không một nghiên cứu nào chỉ ra rằng đau lưng sau sinh là do gây tê ngoài màng cứng.

"Trên thực tế, 50% sản phụ không dùng phương pháp "đẻ không đau" khi đi sinh, vẫn gặp đau lưng sau sinh. Đau lưng sau sinh có thể do những nguyên nhân như: sự biến đổi hình dạng cột sống khi mang thai, giãn dây chằng vùng cột sống lưng, tư thế không phù hợp trên bàn sinh do đau…", BS Kiệt cho biết.

Còn với em bé, theo BS Kiệt, thuốc tê sử dụng để gây tê ngoài màng cứng không gây nguy hiểm gì cho bé. Gây tê ngoài màng cứng chỉ ngăn chặn dẫn truyền thần kinh (cảm giác đau) ở bà mẹ, không gây độc cho bé.

Theo các bác sĩ, thực tế, mũi tiêm giảm đau khi sinh rất an toàn cho mẹ và bé, song cũng có một số tác dụng phụ nhất định. Một số sản phụ có thể cảm thấy khó chịu do tình trạng hạ huyết áp thoáng qua.

Đôi khi có thể xuất hiện cảm giác lạnh run và ngứa. Sản phụ cũng có thể thấy tê 2 chân hoặc hơi nặng, khó khăn khi nhấc lên. Tình trạng này sẽ hết sau 24-48 giờ sau khi sinh.

Ai không được thực hiện phương pháp gây tê ngoài màng cứng?

- Sản phụ sốt cao không rõ nguyên nhân, có nhiễm trùng tại vùng thắt lưng (có mụn mủ, nhiễm trùng da…)

- Sản phụ có bệnh lý vùng cột sống thắt lưng, bệnh lý thần kinh, bệnh lý rối loạn đông máu hoặc đang chảy máu.

- Những trường hợp thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, vẹo cột sống...

Theo các bác sĩ, một số người vẫn thường nhầm lẫn giữa hai phương pháp là gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống, thậm chí coi chúng là một. Tuy nhiên, đây là hai phương pháp khác nhau. Gây tê tủy sống là phương pháp vô cảm áp dụng trong mổ lấy thai còn gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật áp dụng để giảm đau trong chuyển dạ sinh thường và cả giảm đau sau mổ đẻ.


Theo giadinh.net.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giadinh.net.vn/song-khoe/vu-san-phu-cam-dep-danh-chong-vi-khong-duoc-tiem-giam-dau-khi-de-mui-tiem-nay-co-dang-so-nhu-nhieu-nguoi-nghi-20210415171657925.htm

giảm đau


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.