Câu hỏi lớn sau thảm kịch sân cỏ khiến 125 người chết ở Indonesia

Cảnh sát Indonesia đang phải đối mặt với câu hỏi về việc họ xịt hơi cay vào cổ động viên trong vụ bạo loạn sân cỏ tối 1/10, khiến nhiều người phải giẫm đạp lên nhau để tháo chạy.

Tối 1/10 đã có thể là một kỷ niệm vui cho những cổ động viên của câu lạc bộ Arema, đội bóng được yêu thích nhất ở thành phố Malang (Indonesia), theo New York Times.

Hàng chục nghìn người đã tập trung kín sân vận động Kanjuruhan vào tối 1/10, với hy vọng chứng kiến đội nhà đánh bại Persebaya Surabaya. Họ đã liên tục đánh bại Persebaya trong 23 năm.

Tuy nhiên, Arema đã thua với tỷ số 2-3, và các cổ động viên tức giận bắt đầu đổ xô vào sân. Những gì diễn ra tiếp theo đã trở thành một trong những thảm họa sân vận động chết chóc nhất trong lịch sử: Cảnh sát bắt đầu xịt hơi cay vào đám đông và đánh người hâm mộ bằng dùi cui, các nhân chứng cho biết.

Nhà chức trách hôm 2/10 cho biết vụ bạo loạn tại sân vận động này đã khiến 125 người thiệt mạng và hơn 320 người bị thương, sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay để kiểm soát những cổ động viên chạy vào sân, theo Reuters.

Tâm điểm của sự chú ý
Cảnh sát nói rằng họ đã cố gắng buộc người hâm mộ quay trở lại khán đài và xịt hơi cay, sau khi hai sĩ quan thiệt mạng. Theo cảnh sát, nhiều nạn nhân bị giẫm đạp hoặc chết ngạt, Guardian đưa tin.

Felix Mustikasakti Afoan Tumbaz, một cổ động viên 23 tuổi, có chân phải bị thương do hơi cay.

“Tôi vẫn đang nghĩ: Tất cả điều này có thực sự xảy ra không? Làm thế nào mà một thảm kịch như vậy có thể xảy ra và giết chết nhiều người như vậy?", anh đặt câu hỏi.

Sự chú ý trong thảm kịch này đã đổ dồn vào việc cảnh sát địa phương sử dụng hơi cay trong một sân vận động chật cứng người như vậy.

Trên Twitter, một trong những chủ đề phổ biến nhất ở Indonesia là "cảnh sát trưởng quốc gia", với nhiều người kêu gọi cách chức ông.

Reuters nhận định các nhóm cổ động viên bạo lực từ lâu đã là điều thường thấy trong nền bóng đá Indonesia. Pháo sáng thường được ném xuống sân, và cảnh sát chống bạo động có mặt thường xuyên ở nhiều trận đấu.


Câu hỏi lớn sau thảm kịch sân cỏ khiến 125 người chết ở Indonesia-1Cổ động viên Arema tràn vào sân sau trận thua của đội nhà. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Indonesia chưa từng chứng kiến một thảm họa sân vận động nghiêm trọng như vậy. Vụ việc này đã trở thành một trong những sự kiện thể thao chết chóc nhất trên thế giới.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu cảnh sát trưởng điều tra toàn diện nguyên nhân vụ việc. Ông Widodo ngày 2/10 đã ra lệnh cho Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) tạm dừng Liga 1 đến khi đánh giá và cải thiện được công tác an ninh.

Phía cảnh sát bảo vệ việc họ sử dụng hơi cay, khẳng định điều đó là cần thiết để xoa dịu những người hâm mộ quá khích. Nico Afinta - cảnh sát trưởng Đông Java - cho biết hơi cay được sử dụng vì có tình trạng hỗn loạn. Theo ông, những cổ động viên "sắp tấn công cảnh sát và đã làm hỏng nhiều chiếc xe”.

Tuy nhiên, các nhân chứng đã phản đối lời của ông Afinta, nói rằng cảnh sát đã bắn hơi cay bừa bãi vào khán đài, gây ra một vụ giẫm đạp và khiến nhiều người chết ngạt.

Các video trên Twitter cho thấy những người hâm mộ trèo qua hàng rào khi họ cố gắng chạy trốn khỏi những đám mây hơi cay.

Ngoài ra, sân vận động đã vượt quá sức chứa. Trong một bài đăng trên Instagram hôm 2/10, Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud MD cho biết khoảng 42.000 vé đã được bán ra cho trận đấu này, trong khi nó chỉ có sức chứa 38.000 người, theo Reuters.

Cảnh sát cũng đã trang bị hơi cay, mặc dù việc sử dụng nó tại các trận đấu bị Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) cấm sử dụng.

“Việc sử dụng một chiến thuật giải tán như hơi cay trong trường hợp này là cực kỳ nguy hiểm”, Owen West, một giảng viên cao cấp về trị an tại Đại học Edge Hill ở Anh, nhận định. Ông đoán rằng nó đã được sử dụng mà không suy nghĩ về việc hàng nghìn người sẽ chạy đi đâu.

Joshua Nade, một người hâm mộ, cho biết sau khi trận đấu kết thúc, khoảng 2-3 cổ động viên lao xuống từ trên khán đài và thấy la hét vào các cầu thủ.

Cảnh sát đã vào cuộc để đẩy lùi cổ động viên này. Sau đó nhiều người đã vào sân hơn. Một số vụ ẩu đả giữa cảnh sát và người hâm mộ đã khiến các sĩ quan phải bắn những loạt hơi cay đầu tiên vào khoảng 21h30.

Sau đó, vào lúc 23h giờ, lực lượng an ninh bất ngờ bắt đầu bắn hơi cay lên khán đài, nhiều nguồn tin cho biết. Điều đó khiến hàng trăm người đổ xô ra lối thoát hiểm. Theo anh Joshua, các sĩ quan tiếp tục bắn hơi cay trong một giờ.

Sẽ không có bạo loạn nếu không có hơi cay
Bên ngoài sân vận động, hàng trăm cổ động viên xô xát với cảnh sát. Một số lối ra đã bị phong tỏa để ngăn không cho người hâm mộ tràn vào sân. Tuy nhiên, điều đó đã khiến hàng nghìn người bị kẹt lại bên trong.

Joshua cho biết cảnh sát đã đứng bên cạnh và không làm gì để giúp đỡ hàng trăm người đã ngất xỉu vì hơi cay.

“Nếu không có hơi cay, sẽ không có bạo loạn như vậy”, Suci Rahayu, một nhiếp ảnh gia có mặt tại sân vận động, cho biết.


Câu hỏi lớn sau thảm kịch sân cỏ khiến 125 người chết ở Indonesia-2Một chiếc xe cảnh sát bị hư hại sau vụ bạo loạn. Ảnh: Reuters.

Bạo lực bóng đá từ lâu đã trở thành một vấn đề đối với Indonesia và các cảnh sát thường túc trực để kiểm soát những cổ động viên quá khích.

Anh Tumbaz cho biết vào khoảng 23h45, một hộp hơi cay đã rơi trúng chân phải của ông, làm bỏng bắp chân và bàn chân.

Khi cảnh sát ngừng xịt hơi cay, anh cho biết đã giúp các nhân viên y tế khiêng hơn 10 người đã bị ngất xỉu đến lối ra. Anh kiểm tra xem họ có còn sống hay không, và nhịp tim của họ đã yếu nhưng vẫn còn đập. Sau đó, anh đi tìm những người bạn của mình ở bãi đậu xe.

Khi anh quay trở lại, xác của những người bất tỉnh đã đen lại.

“Tôi vẫn nhớ tất cả khuôn mặt của họ. Tôi vẫn nghe thấy họ yêu cầu sự giúp đỡ trong đầu”, ông nói.

Tại Malang vào tối 2/10, hàng trăm người hâm mộ Arema đã tổ chức lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Trong khi đó, những người sống sót cho biết họ vẫn gặp sang chấn.

Bambang Siswanto, cha của Gilang Putra Yuliazah - 19 tuổi, cho biết con trai và cháu trai của ông đã đến xem trận đấu cùng với 3 người khác.

Người cháu trai của ông đã không thể sống sót, trong khi con trai ông đã phải vật lộn với mặc cảm của người sống sót, ông cho biết.

Etri, mẹ của Gilang, cho biết bà từng khuyên con trai mình tham dự trận đấu. Tuy nhiên, con trai bà là người hâm mộ cuồng nhiệt của Arema và yêu bóng đá từ khi còn nhỏ.

Ông Bambang và vợ cho biết sẽ không bao giờ cho phép con trai mình đi xem bóng đá nữa.

"Quá tàn nhẫn. Cảnh sát quá tàn nhẫn”, ông Bambang nói.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/cau-hoi-lon-sau-tham-kich-san-co-khien-125-nguoi-chet-o-indonesia-post1361500.html

Indonesia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.