Nhân chứng thảm kịch Indonesia: Khi nhắm mắt, tôi vẫn nghe lời kêu cứu

Cho đến giờ, ông Joshua vẫn nghe thấy tiếng kêu cứu trên sân Kanjuruhan văng vẳng bên tai mỗi khi nhắm mắt lại.

Nhân chứng thảm kịch Indonesia: Khi nhắm mắt, tôi vẫn nghe lời kêu cứu-1Một người đàn ông được đưa ra khỏi sân vận động giữa cuộc bạo loạn. Ảnh: Reuters.

Ông Joshua đã đến sân vận động Kanjuruhan cùng vợ và 13 người bạn. Tất cả đều là những người hâm mộ của đội bóng Arema.

Tuy nhiên, khi thi đấu trên sân nhà vào tối 1/10, đội bóng mà ông thần tượng đã để thua với tỉ số 2-3 trước đội khách Persebaya Surabaya.

Với nhiều người, việc đội bóng họ yêu thích thua cuộc thật khủng khiếp. Đó mới chỉ là trận thua thứ hai của Arema kể từ năm 2019.

Sau khi trọng tài thổi còi mãn cuộc, các cầu thủ và ban lãnh đạo câu lạc bộ đã đứng trên sân xin lỗi về bàn thua. Thế nhưng, 2-3 cổ động viên giận dữ đã đi xuống từ khán đài và hét vào mặt các cầu thủ, ông Joshua kể lại.

Các nhân viên cảnh sát đã vào cuộc để yêu cầu các cổ động viên quay lại khán đài, nhưng điều đó dường như càng kích động nhiều người tràn vào sân hơn, New York Times đưa tin.

Vụ bạo loạn xảy ra tại sân vận động vào hôm đó đã khiến 125 người thiệt mạng và hơn 320 người bị thương sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay để kiềm chế đám đông, theo Reuters.

Phát biểu vào sáng 2/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết giới chức cần đánh giá kỹ lưỡng an ninh tại các trận đấu và sự việc tại sân vận động Kanjuruhan phải là "thảm kịch bóng đá cuối cùng của đất nước".


Nhân chứng thảm kịch Indonesia: Khi nhắm mắt, tôi vẫn nghe lời kêu cứu-2Những người hâm mộ đội bóng Arema tràn vào sân sau khi đội này để thua Persebaya Surabaya trong trận đấu tại sân vận động Kanjuruhan, Malang. Ảnh: Antara Foto.

“Đáng nhẽ không có bất cứ thương vong nào"
Bạo loạn lan ra ngoài sân, khi ít nhất 5 xe tuần tra của cảnh sát bị lật và phóng hỏa. Theo ông Joshua, một số vụ ẩu đả giữa cảnh sát và người hâm mộ đã dẫn đến làn đạn hơi cay đầu tiên được bắn vào khoảng 22h30 (theo giờ địa phương).

Trong 30 phút tiếp theo, những tiếng nổ lớn vang lên lẻ tẻ. Nhiều người đã cố gắng rời đi sau đó, nhưng các nhân viên sân vận động đã đóng cửa nhiều lối ra vì một số cuộc xung đột nổ ra giữa người hâm mộ và cảnh sát bên ngoài.

Sau đó, vào lúc 23h, lực lượng an ninh bất ngờ bắn thêm chùm đạn hơi cay lên khán đài, ông Joshua nói.

Ngồi ở khu vực VIP, ông Joshua và bạn không bị trúng đạn trực tiếp. Nhưng hơi cay bắn ra không ngừng khiến họ hoảng sợ và đám khói tỏa ra làm nhiều người trong số họ cảm thấy khó thở.

Theo ông Joshua, việc bắn hơi cay đã diễn ra trong một tiếng.

Động thái trên khiến hàng trăm cổ động viên trở nên hoảng loạn, tranh nhau rời khỏi sân qua cổng thoát hiểm, gây ra một vụ giẫm đạp và nhiều trường hợp ngạt thở

Tuy nhiên, mỗi khu vực chỉ có một làn hẹp để người dân thoát ra. Vì vậy, để ra ngoài, một số người đã phải cố gắng để mở rộng hàng rào ra khoảng 5 m, thậm chí là dẫm lên những khán giả đang hoảng loạn khác.


Nhân chứng thảm kịch Indonesia: Khi nhắm mắt, tôi vẫn nghe lời kêu cứu-3Cảnh sát bắn hơi cay trong cuộc bạo loạn sau trận đấu. Ảnh: Antara Foto.

“Họ cố gắng thoát ra khỏi sân vận động để tránh sự hỗn loạn, nhưng họ không thể vì cũng xảy ra xung đột giữa người hâm mộ và cảnh sát bên ngoài sân vận động”, ông Joshua nói.

Nhiều người đã ngất xỉu, ông kể lại và cho biết thêm rằng cảnh sát đã đứng bên cạnh nhưng không làm gì cả. Trong lúc hỗn loạn, ông nhìn thấy một cậu bé khoảng 13-14 tuổi đang khóc và la hét.

Theo ông Joshua, hầu hết người thiệt mạng là khán giả trên khán đài, chứ không phải những người trên sân.

“Nếu không bắn hơi cay vào khán đài thì đã không có bất cứ thương vong nào”, ông nói. “Họ hoảng loạn và lựa chọn duy nhất của họ là thoát ra từ các lối thoát hiểm hoặc tìm nơi ẩn náu trên sân vận động. Đó là lý do tại sao có nhiều người xuống sân. Họ thực sự đang cố gắng tự cứu mình".

Dù hơi cay vốn bị Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) cấm sử dụng tại các sân vận động, nó đã được bắn ra mà không báo trước, ba nguồn tin nói với Guardian.

Thế nhưng, Nico Afinta - cảnh sát trưởng khu vực Đông Java - cho biết việc sử dụng hơi cay là phù hợp với quy trình của cảnh sát. Hơi cay được bắn ra vì những người hâm mộ đã hành động phá hoại và tràn vào sân, ông nói.

“Nếu người hâm mộ tuân thủ các quy tắc, sự cố này đã không xảy ra”, ông Afinta nói.

“Tôi không muốn đến sân xem bất kỳ trận đấu nào nữa"
Cuối cùng, khi ông Joshua trốn thoát được thì đã quá nửa đêm. Ông nhìn thấy nhiều người nằm trên cáng được mang ra khỏi sân vận động, với các mảnh kính vỡ khắp nơi và xe hơi bị đốt cháy.

Ông cho hay đêm qua ông không thể ngủ được vì những hình ảnh ấy ra liên tục xuất hiện trong tâm trí.

“Khi tôi nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng kêu cứu”, ông nói. “Nó văng vẳng bên tai tôi. Tôi không muốn trở thành một cổ động viên bóng đá nữa. Tôi không muốn đến sân xem bất kỳ trận đấu bóng đá nào của Indonesia".


Nhân chứng thảm kịch Indonesia: Khi nhắm mắt, tôi vẫn nghe lời kêu cứu-4Những người hâm mộ Arema thắp nến trong một buổi cầu nguyện bên ngoài sân vận động Kanjuruhan. Ảnh: Reuters.

Giống như Joshua, Firari Vilallah cùng anh trai may mắn sống sót thoát khỏi sân vận động. Nhưng sau đó, anh nhìn thấy bạn của mình, Evi Syaila, đang nằm bất động gần lối ra.

Cô gái 18 tuổi được đưa về nhà vì mọi người nghĩ cô không bị thương nghiêm trọng. Thế nhưng, khi tỉnh dậy vào sáng 2/10, Syaila không thể ăn uống.

"Mọi thứ đều đau. Bụng tôi đau quặn", cô cho biết.

Syaila sau đó được đưa đến bệnh viện ở Malang, nơi các bác sĩ nói cô cần nhập viện. Cô nói rằng bản thân đã bị ai đó giẫm lên người trong lúc tháo chạy nhưng cô không nhớ rõ chính xác chuyện gì đã xảy ra tại sân vận động.

"Mọi chuyện quá đột ngột. Tôi chỉ cảm thấy kinh hoàng", Syaila cho hay.

Trong khi đó, Vilalllah chia sẻ với Channel News Asia rằng mặc dù sống sót sau thảm kịch, anh đã mất 4 người bạn.

"Tôi chỉ biết tin này vào khoảng 3h sáng. Một nam và ba nữ", anh nói.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nhan-chung-tham-kich-indonesia-khi-nham-mat-toi-van-nghe-loi-keu-cuu-post1361507.html

Indonesia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.