Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào

Có rất nhiều câu chuyện cảm động sinh ra ở trong tâm dịch, và một trong số đó là câu chuyện của 2 mẹ con nữ y tá tại tâm dịch Cẩm Giàng (Hải Dương).

Ngày đầu tiên của năm mới, thông tin "chiếm sóng" trên khắp các trang mạng xã hội đó là những cập nhật về tình hình dịch Covid-19 tại Hải Dương. Một trong những hình ảnh được chia sẻ khá nhiều và khiến cho không ít bà mẹ có con nhỏ không cầm được nước mắt chính là bức ảnh một em bé 2 tuổi với gương mặt mếu máo, đang gọi điện cho mẹ - nữ y tá đang chiến đấu tại tâm dịch của Thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).

Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào-1

Hình ảnh em bé 2 tuổi với gương mặt mếu máo, đang gọi điện cho mẹ - nữ y tá, đồng thời là F1 đang chiến đấu tại tâm dịch của Thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).

Đây là hình ảnh của bé Nấm (tên gọi thân mật ở nhà của bé) và mẹ là chị Trịnh Thị Trang Nhung - hiện đang là y tá tại Trung tâm y tế Thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Ngày sinh nhật chị, 7/2 cũng chính là ngày chị nhận nhiệm vụ vào khu cách ly của Thị trấn để làm việc.

Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào-2

Ngày sinh nhật chị, 7/2 cũng chính là ngày chị nhận nhiệm vụ vào khu cách ly của Thị trấn để làm việc.

Clip: Bé Nấm hát Chúc mừng sinh nhật mẹ khi mẹ vào khu cách ly để làm nhiệm vụ.

Sau đó 5 ngày, ngày cuối cùng của năm cũ, cũng là ngày những người còn lại trong gia đình chị nhận thông báo phải vào khu cách ly vì trở thành F1.

Đêm 30 Tết, gia đình chị đã có một cái Tết thực sự không thể nào quên, khi chỉ cách con mấy bức vách chưa đầy 30m, nghe tiếng con khóc đau xé lòng mà chị không thể đến bên con: "Hôm đầu bạn ấy lên là đêm giao thừa, nghe tiếng con khóc bên này em đau lòng lắm, xót con nhưng không muốn mọi người nhìn thấy nên phải trốn ra sau nhà khóc".

Thế nhưng với bản lĩnh mạnh mẽ của một người làm ngành y, chị đã nén lòng trước tiếng khóc của con, vì chị cho rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều bà mẹ có con nhỏ chỉ hơn 1 tuổi vẫn phải cai sữa để con ở nhà vào khu cách ly để làm nhiệm vụ.

Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào-3

Đây là lần thứ 2 chị được phân công vào làm nhiệm vụ trong khu cách ly y tế của thị trấn. Lần đầu là đợt cao điểm của dịch Covid-19 giữa năm 2020. Cả 2 lần chồng chị đều là hậu phương vững chắc cho vợ đi làm nhiệm vụ.

Bé Nấm là thành quả chữa chạy 4 năm hiếm muộn của 2 vợ chồng chị Nhung. Sự khó khăn và vất vả trong quá trình có con và mang thai khiến người mẹ này càng cảm thấy nhớ và thương con hơn bao giờ hết. Bé Nấm theo lời kể của chị, là một em bé rất hiểu chuyện và ngoan ngoãn, nên dù mới chỉ hơn 2 tuổi, nhưng khi nhìn thấy mẹ, được giải thích về quy định cách ly, mặc dù rất nhớ mẹ nhưng bé cũng chỉ đứng chào mẹ từ xa để mẹ đi làm nhiệm vụ mỗi ngày.

Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào-4

Mỗi ngày 2 mẹ con được gặp và chào nhau một lần vào buổi sáng. Chị Nhung mặc áo bảo hộ, đứng cách con 3m.

Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào-5

Bé Nấm mặc dù mới hơn 2 tuổi nhưng rất "hiểu chuyện" và tuân thủ quy định cách ly, nên mặc dù vô cùng nhớ mẹ, bé vẫn ngoan ngoãn đứng chào mẹ từ xa để mẹ đi làm nhiệm vụ mỗi ngày.

Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào-6

Hàng ngày, được ở cùng bà ngoại và bố, nên dù ở trong khu cách ly, bé Nấm vẫn được vui chơi thỏa thích. Trừ việc không được gặp mẹ.

Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào-7

Những hôm đầu mới vào, bé vừa lạ nhà, vừa nhớ mẹ nên cũng khóc ròng rã. Nhưng sau khi nghe bố và bà giải thích: Mẹ đi giúp các ông bà và các bác chữa bệnh, thì bé lại nín.

Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào-8

Đến bây giờ, hôm nào cô bé cũng dậy rất sớm và chờ đến giờ mẹ chuẩn bị đi làm để chào mẹ.

Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào-9

Rồi lại ngồi từ xa nhìn mẹ và các cô chú làm việc.

Cẩm Giàng: Nữ y tá cách con 30m trong tâm dịch, nghe tiếng con khóc xé ruột gan mà không thể chạm vào-10

Clip 2 mẹ con tập thể dục và chào nhau mỗi sáng.

Câu chuyện của mẹ con chị Nhung cũng là một trong vô vàn những câu chuyện cảm động khác trong những khu cách ly của dịch Covid-19. Và mặc dù bị phong tỏa, cách ly, vừa chiến đấu với dịch bệnh, vừa phải chăm sóc điều trị, đảm bảo an toàn cho gần 100 người trong khu cách ly nhưng những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch như chị Nhung vẫn không hề nao núng, vẫn bền tâm, vững chí để quyết chiến quyết thắng đại dịch Covid-19. Hải Dương rồi sẽ chiến thắng, như Việt Nam đã từng chiến thắng đại dịch Covid-19 rất nhiều lần.

NÍN ĐI CON!  

(Thơ của cô Bùi Thị Thùy Linh tặng 2 mẹ con)

Nín đi con! Mẹ không thể ở nhà 

Khi Cô vi điên cuồng đi các ngả 

Dẫu ngày đêm chặn dịch mệt lả 

Mẹ vẫn không nề, mơ hạnh phúc về ta... 

Nín đi con! Dẫu chẳng ở cách xa 

Nhưng không thể về ôm con như trước 

Nguy cơ lây nhiễm làm sao tránh được 

Khi tiếp xúc gần với dương tính bệnh nhân... 

Phải bỏ dở trận chiến cùng nhân dân 

Mẹ đi cách ly mà trái tim đau thắt 

Thương đồng nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch 

Thiếu mẹ rồi việc vất vả bằng hai... 

 Nín đi con! Hãy mạnh mẽ lên con! 

Cách ly rồi sẽ qua, buồn đau rồi sẽ hết 

Toàn dân ta đã đồng lòng gắng sức 

"Giặc" sẽ thua, toàn thắng ắt về ta. 

 Rồi ngày mai, ngày ấy không xa 

Cả đất nước khải hoàn ca hạnh phúc 

Cẩm Giang mình sẽ rạng ngời hết mực 

Khi nắng xuân về xua bão táp phong ba...

Theo Dân Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc https://danviet.vn/cam-giang-nu-y-ta-cach-con-30m-trong-tam-dich-nghe-tieng-con-khoc-xe-ruot-gan-ma-khong-the-cham-vao-20210219220746351.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.