Cứ đưa bố mẹ già vào viện dưỡng lão là bất hiếu?

Nên có một cái nhìn công bằng hơn cho những gia đình có bố mẹ sống trong viện dưỡng lão thay vì vội vàng kết luận họ là những người con bất hiếu.

Vừa qua, vụ việc cụ bà Lương Thị Bi 92 tuổi (trú tại khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) ngồi khóc ngoài đường với một số vết thương trên người bị cho là do con trai đánh, đuổi đi đã được dư luận đặc biệt quan tâm.

Rất nhiều ý kiến phẫn nộ và yêu cầu xử lý người con “bất hiếu” của cụ, tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế được biết một phần do cụ Bi cao tuổi, tính nết và cách cư xử có phần không bình thường.

Theo lời kể của ông Trần Văn Thông (sinh năm 1959) là người con trai ở cùng cụ Bi thì cụ rất khó tính, “không ai chịu nổi”, chính vì vậy, những người con khác của cụ cũng ít về thăm. Ông mong xã hội hãy nhìn vào thực tế của gia đình rồi hãy đánh giá.

Hàng xóm xung quanh và một số người thân khác trong gia đình cũng xác nhận cụ Bi tuổi cao nên có phần lẫn, trái tính trái nết, nói năng thiếu minh mẫn và không đúng sự thật. Thực tế, điều này có thể hiểu được bởi vì hiện nay không ít người già mắc chứng lẫn.


Hình ảnh cụ Bị 92 tuổi ngồi ngoài đường giữa đêm khuya được cộng đồng quan tâm

Nhiều ý kiến độc giả bày tỏ sự cảm thông với gia đình có người già bị lẫn.

Bạn Trần Minh cho rằng: Những gia đình nào có người thân cao tuổi thì mới có thể hiểu đâu là sự thật. Bây giờ những thông tin kiểu này dễ làm tổn thương những người thân trong gia đình họ.

Bạn Tường Lynh cũng đồng quan điểm: Đúng vậy, người già lẩm cẩm nên họ cũng không ý thức được và cũng không kiểm soát bản thân họ. 92 tuổi chứ có phải 29 tuổi đâu. Con cái cần phải hiểu mà thương mẹ như vậy mai mốt mình già như vậy con cái mới thương mình chứ.

Bạn đọc tên Thương bày tỏ: Gia đình nào có người già nửa lẫn nửa tỉnh rồi sẽ hiểu và thông cảm thôi. Có cụ thì hiền hòa, nhưng có cụ thì trái tính trái nết lắm, chỉ có con cái mà phải có tình thương mới... chịu nổi.

Bên cạnh đó một số ý kiến đề cập đến việc nên đưa các cụ vào viện dưỡng lão. Cụ thể, một bạn đọc tên Thảo nhận định: Đúng là ai cũng có bố mẹ già yếu và không phải bố mẹ nào cũng giống tính nhau. Thôi làm phận con thì ráng chịu cho đến lúc bố mẹ nhắm mắt thôi. Thế nên, văn minh nhất là để người già vào viện dưỡng lão tốt vì con cái cũng phải lo cuộc sống và con cái mình, không ở nhà chăm bố mẹ suốt được. Nhưng ngặt nỗi ở Việt Nam nhiều người vẫn cho rằng đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu. Với lại, có tiền mới ở viện dưỡng lão được.

Ý kiến của bạn Thảo cũng được khá nhiều bạn đọc đồng tình. Thực tế, không chỉ trí nhớ thiếu minh mẫn, một số cụ già còn thay đổi hẳn tính nết, thậm chí hung hãn tấn công con cái, nói những điều không đúng sự thật có thể làm ảnh hưởng tới con cháu trong nhà như bất đồng quan điểm, tìm cảm rạn nứt….

Trong hoàn cảnh đó, con cháu phải hết sức thương yêu, thông cảm và cả chịu đựng mới có thể sống cùng và chăm sóc các cụ. Một số gia đình không có điều kiện theo sát chăm sóc thì việc đưa các cụ vào viện dưỡng lão cũng có thể là một phương án hợp lý để các cụ được đảm bảo an toàn và chăm sóc tốt hơn. Đặc biệt, nhiều cụ còn có bệnh, nếu người thân không có nghiệp vụ và biết cách điều trị hợp lý sẽ rất nguy hiểm.

Mặc dù việc này từ lâu đã phổ biến ở phương Tây nhưng ở Việt Nam còn hạn chế bởi tâm lý cho rằng con cái không chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi về già là bạc đãi, bất hiếu. Vậy nên, nhiều gia đình dù có khả năng về kinh tế, thậm chí các cụ có nguyện vọng được vào viện dưỡng lão để tránh phiền hà thì các con cũng còn rất e dè trước phương án này.

Tintuconline mời độc giả cùng chia sẻ ý kiến về vấn đề này. Nên chăng có một cái nhìn đúng đắn và công bằng hơn cho những gia đình có bố mẹ sống trong viện dưỡng lão thay vì vội vàng kết luận họ là những người con bất hiếu.

Ý kiến xin gửi về địa chỉ mail tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết. Ban biên tập Tintuconline xin chân thành cảm ơn!

Vân Khánh/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.