Tái diễn nạn ăn xin trên đường phố: Tình thương cần đặt đúng chỗ

"Tiền mấy đứa nhỏ đem về, cha mẹ chúng lấy chơi số đề, nhậu cả đêm. Mà nhậu sang lắm, uống bia lon, ăn hải sản. Vì vậy, đừng cho họ, phí lắm!" - người dân sống cùng con hẻm với người ăn xin bày tỏ.

Những người thường xuyên đổ xăng tại cây xăng ngay ngã tư Điện Biên Phủ - Cách mạng Tháng Tám (quận 3, TP HCM) đã quen thuộc với hình ảnh 2 bé gái (khoảng 10 tuổi) thường xin tiền tại đây. "Không biết ở đâu, ai chở đến nhưng cứ chiều tối là thấy 2 đứa dắt nhau đến đây xin tiền, khuya thì dắt nhau về" - một nhân viên cây xăng cho biết.

Không đáng để giúp!

Tối 1-2, chúng tôi tiếp tục bắt gặp 2 bé gái nói trên xin tiền tại cây xăng này. Cứ thấy có khách vào đổ xăng, 2 bé chạy ùa lại, đưa chiếc nón ra và đợi chờ những tờ tiền được đặt vào.

Lúc này, phía đối diện cây xăng (đường Cách mạng Tháng Tám) cũng có một phụ nữ (khoảng 30 tuổi) cùng 2 đứa trẻ (khoảng 5 tuổi) ngồi xin tiền trên vỉa hè. Đến khoảng 22 giờ 30 phút, người phụ nữ cùng 2 em nhỏ và 2 bé gái xin tiền ở cây xăng rời đi trên chiếc xe máy đã dựng sẵn trong góc tối, khuất sau gốc cây (trước cổng ký túc xá sinh viên Lào).

Bám theo xe máy người này, chúng tôi đến hẻm 268 Cư xá Đường sắt (phường 1, quận 3), nơi họ thuê trọ. Trò chuyện với nhiều người dân sinh sống lâu năm tại đây, chúng tôi được biết người phụ nữ này là mẹ của 4 đứa trẻ đi cùng. Họ từ nơi khác đến TP HCM bán vé số và ăn xin. Theo nhiều người dân địa phương, có rất nhiều gia đình như vậy đang thuê trọ trong con hẻm này.

Khi chúng tôi ngỏ ý tặng quà để giúp đỡ họ, những người tiếp chuyện vội ngăn cản. "Tiền của chú, chú muốn giúp ai là quyền của chú. Nhưng tôi khuyên thật lòng là không nên giúp, phí lắm! Ở đây có nhiều hoàn cảnh rất đáng thương và thật sự cần giúp đỡ, chú cần thì tôi dắt đến tận nơi chứ mấy người này không đáng để giúp đâu" - bà T.T.Hà (ngụ hẻm 268 Cư xá Đường sắt) nói.

Theo bà Hà, những người này thường bắt con đi bán vé số, rồi ăn xin cả ngày ngoài trời. "Tiền mấy đứa nhỏ đem về, cha mẹ chúng lấy chơi số đề, nhậu nhẹt cả đêm. Mà nhậu sang lắm, uống bia lon, ăn hải sản. Quán ốc kia kìa, ngày nào mà họ không ra đó mua đồ về nhậu" - bà Hà vừa nói vừa chỉ tay về phía quán nhậu bên cạnh.

Tiếp lời bà Hà, một người đàn ông trong xóm cho biết: "Họ có nhiều tiền lắm, ngày nào cũng ăn nhậu, chắc gì chú đã khá bằng họ"!

Người dân trong xóm còn kể những đứa trẻ ăn xin thường bị cha mẹ đánh đập vì lỡ làm mất vé số hoặc không xin được tiền. "Cách đây mấy hôm, có bà đó đánh con quá, tôi dọa báo công an thì mới thôi. Đợt trước Tết, tôi xin được nhiều quần áo trẻ em còn mới, đem qua mà cha mẹ chúng không lấy. Đồ còn mới họ đâu cho con mặc, vì mặc đồ mới thì đi xin người ta không cho tiền" - bà Hà bức xúc.

Tái diễn nạn ăn xin trên đường phố: Tình thương cần đặt đúng chỗ-1
Xe máy dừng đèn đỏ, 2 bé gái lao ra xin tiền. Ảnh: ANH VŨ

Cần xử lý dứt điểm

Sau khi đọc bài viết "Tái diễn nạn ăn xin trên đường phố" (đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 2-2-2023), chị Lê Thị Ngọc Linh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) kể: "Mùng 7 Tết (ngày 28-1), tôi đang đi trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) thì một bé trai khoảng 10 tuổi, gầy guộc, nhem nhuốc lao thẳng ra chắn trước xe. Tôi thắng xe gấp nhưng cũng đã va nhẹ vào đứa trẻ. Thấy đứa trẻ nói đói quá nên làm liều để xin tiền người đi đường, tôi chạnh lòng lấy tiền ra cho. Nhưng mùng 9 Tết, tôi cũng bắt gặp lại bé này với hành động tương tự trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh). Tôi nghĩ có lẽ kẻ chăn dắt dựng "kịch bản", lợi dụng lòng trắc ẩn để trục lợi".

Là người thường xuyên đi phát quà từ thiện trên đường phố, bạn đọc Võ Ngọc Ánh Xuân (quận Bình Thạnh) kể từng nhiều lần chứng kiến mỗi tối, người ăn xin được người nhà chở đến những địa điểm gần bệnh viện, cầu bộ hành, các tuyến đường chính… để chờ những suất quà từ thiện, đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau thì chở về. "Họ chỉ lấy những món quà có giá trị để đem đi bán. Cái nào thấy không bán được, họ vứt đầy đường trong khi còn nhiều người rất cần" - bạn đọc Ánh Xuân cho biết.

Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, TP HCM là thành phố lớn và đông dân, nếu không kiên quyết xử lý, nạn ăn xin sẽ tiếp tục tồn tại và ngày càng trầm trọng. "Cần xử lý quyết liệt, thường xuyên và dứt điểm tình trạng ăn xin trên đường phố, trả lại môi trường đô thị văn minh, sạch đẹp cho thành phố. Đối với các hành vi tổ chức, chăn dắt, trục lợi người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật… để ăn xin, phải nhanh chóng xử lý nghiêm. Chính quyền địa phương cần mở rộng, nâng cao chất lượng các cơ sở phúc lợi xã hội. Các đối tượng có nơi thường trú ngoại tỉnh thì liên hệ chính quyền địa phương để giao trả cho nơi đó giải quyết" - luật sư Tuấn đề xuất.

Tăng cường kiểm tra, rà soát

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM Lê Văn Thinh cho biết việc quản lý người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thực hiện theo Quyết định 29/2017 của UBND thành phố.

Theo đó, các quận, huyện và TP Thủ Đức có trách nhiệm tuần tra, phát hiện, phân loại, lập hồ sơ để Sở LĐ-TB-XH tiếp nhận và chuyển các đối tượng lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Sở LĐ-TB-XH thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, phường, xã, thị trấn để tiếp nhận.

Các địa phương tổ chức, chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với những đoàn thể và UBND phường, xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát địa bàn, kịp thời phát hiện và tập trung người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng, bảo đảm đúng đối tượng, hồ sơ xác lập đầy đủ và chuyển giao theo chỉ đạo của UBND TP HCM.

Tùy điều kiện cụ thể, các quận, huyện chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho họ. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, lập danh sách và có kế hoạch cụ thể trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

 

Theo NLĐ

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/ban-doc/tai-dien-nan-an-xin-tren-duong-pho-tinh-thuong-can-dat-dung-cho-2023020221183442.htm?fbclid=IwAR3nHQuTr10G__SxmYdpLl3KfTdwPCA-kYwT-zy7Cm9Qt4SAON-5fI2Fd54

ăn xin


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.