'Tôi mắc nợ Việt Nam' - Những ngày tháng chiến đấu với dịch Covid-19 qua lời kể của công dân Anh sống tại Hà Nội

Việt Nam cũng có thể trở nên tốt hơn, mà thực ra là chỉ cần tiếp tục tốt như thế này thôi là được rồi. Sự minh bạch, cởi mở và đoàn kết của họ đã đưa đất nước lên tầm thế giới và họ cứ việc áp dụng những điều tốt đẹp đó cho mọi thứ, để nó trở thành một tiêu chuẩn mới.

*Bài viết của tác giả Steve Jackson, một người Anh hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội đăng tải trên trang Medium.

Tôi có một người bạn đang sống tại một quốc gia Châu Á khác, còn mẹ già của cô ấy thì đang ở Anh. Cô ấy tâm sự với tôi rằng đại dịch này như một "nỗi đau quay chậm" ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Và mỗi lần đọc được tin tức cô ấy đều khóc, nước mắt tiếp tục rơi kể cả trong những lần chạy bộ.

Tôi thừa nhận rằng mình cũng đã mất ngủ. Mọi điều nhỏ nhặt liên quan đều dễ dàng khiến tôi xúc động và tôi còn không dám nghĩ nhiều về tương lai vì mọi thứ dường như chỉ là một màn đen tăm tối.

Trải qua những ngày dịch bệnh khó khăn tại một đất nước Châu Á

Sau Vũ Hán, mọi chuyện cũng diễn biến khá nhanh ở Việt Nam. Nhà trẻ của con tôi đóng cửa. Đeo khẩu trang trở thành điều bắt buộc. Dấu vết người nhiễm bệnh được truy tìm khắp mọi nơi. Điều đặc biệt nhất là một ứng dụng đã được tạo ra để dành riêng cho việc chống dịch, bạn chỉ cần nhấn nút là các nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ sẽ có mặt ngay.

Tôi mắc nợ Việt Nam - Những ngày tháng chiến đấu với dịch Covid-19 qua lời kể của công dân Anh sống tại Hà Nội-1

Ông Steve Jackson

Các ca có nguy cơ lây nhiễm được phân loại F0 - F4, trong đó người nhiễm bệnh (F0) phải nhập viện, người tiếp xúc trực tiếp (F1) được cách ly ở xa và các ca liên quan (F2) cũng được cách ly.

Trong thời điểm những quy trình này đang được thực hiện nghiêm ngặt ở Việt Nam, dịch bệnh ở Châu Âu đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Hàng trăm người tử vong mỗi ngày ở Ý và nước Anh thì vẫn không chịu tin vào mức độ nghiêm trọng của Covid-19.

Nhà trẻ của con gái vẫn đóng cửa hàng tuần liền, rồi lại lên đến hàng tháng. Còn tôi thì làm việc tại nhà. Ban đầu, chúng tôi vẫn cố gắng cùng nhau xoay xở nhưng điều đó cũng không hề dễ dàng. Sau một vài tuần, hai vợ chồng đành phải gửi con bé sang nhà ngoại từ thứ 2 đến thứ 6. Nhưng đến 2 tuần tiếp theo thì không còn ai vui nổi nữa, chúng tôi nhớ con và nhận ra sự lo lắng trong những ngày nó không ở bên còn lớn hơn nỗi vất vả khi con quấy khóc.

Chúng tôi quyết định đón con bé về lại và cố gắng để thích nghi với cuộc sống này.

Những nỗi lo lắng và sự hoang mang

Cũng vào giai đoạn đó, một điều khó tin đã xảy ra ở Việt Nam làm cho những người nước ngoài sống tại đây như chúng tôi bắt đầu cảm thấy thực sự phi thường.

Chắc hẳn bạn có thể nhìn thấy sự tương phản trong hai bức ảnh dưới đây. Một bên là những người lính phải nằm ngủ trên nền nhà với manh chiếu mỏng; một bên là những thanh niên trẻ người Việt, có lẽ bay từ nước ngoài về, đang đeo khẩu trang ngồi trên giường tầng và trò chuyện. Sự tương phản khiến tôi phải rơi nước mắt.

Tôi mắc nợ Việt Nam - Những ngày tháng chiến đấu với dịch Covid-19 qua lời kể của công dân Anh sống tại Hà Nội-2Tôi mắc nợ Việt Nam - Những ngày tháng chiến đấu với dịch Covid-19 qua lời kể của công dân Anh sống tại Hà Nội-3

Không chỉ nhường giường của mình cho những người cách ly, những người lính này còn nấu ăn và dọn dẹp. Họ phục vụ người dân, cứu lấy tính mạng của người dân. Đến thời điểm đó, đã có hàng chục ngàn người được cách ly và kiểm soát.

Thế rồi một cô gái trẻ nhiễm bệnh bay về từ Châu Âu. Khi cô ấy được chuyển đến bệnh viện, cả con phố đã bị phong toả. Và cả mạng xã hội Việt Nam như bùng nổ.

Dường như đó chính là sự khác biệt ở nơi đây. Đôi khi minh bạch quá mức có thể trở thành con dao hai lưỡi thì ở Việt Nam, điều đó lại khiến ta cảm thấy mọi trường hợp nhiễm bệnh, mọi sinh mệnh đều được coi trọng như nhau.

Việt Nam vẫn không có ca tử vong.

Rồi dần dần, hàng ngàn người trở về từ nước ngoài và đều được cách ly tập trung. Ai cũng hiểu đây là việc phải làm.

Nếu bạn là một người đàn ông trung niên da trắng, hẳn bạn cũng hiểu thật khó để "lập trình lại" suy nghĩ của mình. Khi bắt đầu bùng dịch, chúng tôi còn đang lo lắng không biết ở đây có đủ máy thở để dùng hay không. Và khi Covid-19 bắt đầu lây lan mạnh hơn, tôi đã nghĩ đất nước này có lẽ sẽ không chống chọi nổi. Ít nhất thì Anh cũng là nước phát triển hơn đúng không, tôi có nên về Anh không nhỉ? Lúc ấy tôi thực sự khó có thể lạc quan được. Làm sao Việt Nam chống chọi với dịch bệnh được đây? Và chống chọi bằng cách nào?

Một bệnh viện ở Hà Nội phát hiện ổ dịch, người ta đã phải huy động toàn lực để có thể khử trùng và kiểm soát dịch bệnh tại nơi đó. Số ca nhiễm tiếp tục tăng.

Chúng tôi vẫn thấp thỏm chờ đợi sự bùng nổ, khi mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Dần dần, biểu đồ được lấp đầy bởi những ca hồi phục, có những ngày không hề có thêm một ca mắc nào mới trong cộng đồng.

Số ca tử vong ở Việt Nam vẫn bằng 0.

Tôi mắc nợ Việt Nam - Những ngày tháng chiến đấu với dịch Covid-19 qua lời kể của công dân Anh sống tại Hà Nội-4

Ảnh: AFP

"Tôi thấy như mình trúng số độc đắc"

Rồi chẳng mấy chốc mà một tuần, rồi đến một tháng trôi qua không có ca nhiễm mới. Trường học được mở lại rồi, vui quá! Tôi hân hoan đến nỗi chỉ muốn đi lấy ngay chiếc cờ vốn hay dùng đi cổ vũ bóng đá để buộc vào xe máy rồi chở con đến trường. Tôi muốn đập tay với tất cả những giáo viên và phụ huynh mà mình gặp.

Cuộc sống của chúng tôi đã bình thường trở lại. Cái việc tắc đường trước kia cũng bỗng trở nên thật tuyệt vời, kể cả trong cái nóng 40 độ mồ hôi ướt đẫm áo. Bầu trời thì trong xanh khác hẳn những ngày đông xám xịt trong ký ức. Tôi cảm thấy như mình đã trúng số độc đắc vậy.

Vẫn là ở Anh cùng lúc đó, cả gia đình tôi đang cố gắng đối phó với dịch bệnh và tôi rất lo lắng cho họ. Các chị em gái của tôi là giáo viên và trường học đang dần mở cửa trở lại. Anh rể vẫn phải làm việc trong suốt thời gian phong tỏa vì nhiều đứa trẻ mà anh dạy thuộc diện có nguy cơ bị phơi nhiễm cao. Lúc ban đầu, bố mẹ tôi hạn chế ra ngoài và chỉ dắt chó đi dạo. Nhưng rồi mọi thứ cũng được nới lỏng hơn, họ đủ thông minh để không đặt mình vào tình thế nguy hiểm nhưng vẫn muốn tận hưởng không khí bên ngoài một chút trong thời điểm cách ly xã hội. Nhưng có lẽ vài năm nữa tôi mới có thể gặp lại họ.

Ở Anh, số ca tử vong vì Covid-19 đã lên đến 42.000 người và trên thực tế, có thể còn cao hơn 50% nữa.

Nhưng ở Việt Nam, vẫn là số 0 tròn trĩnh.

Tôi mắc nợ Việt Nam - Những ngày tháng chiến đấu với dịch Covid-19 qua lời kể của công dân Anh sống tại Hà Nội-5

Ảnh: AFP

Việt Nam không bỏ ai lại phía sau

Thỉnh thoảng, tôi thấy trên các phương tiện truyền thông quốc tế, nhiều tổ chức và học giả tỏ ra hoài nghi về những con số. Liệu có phải đất nước này đang che giấu điều gì đó không? Ít nhất cũng phải có một đến hai ca (tử vong) chứ? Nhưng không, trong lúc hàng ngàn người tử vong ở nơi họ sống, Việt Nam chỉ còn một vài ca nhiễm.

Nhân đây, tôi cũng muốn trích dẫn vài câu từ bài hát "Ghen Cô Vy" - ca khúc cổ động mùa dịch của Việt Nam và sau đó đã trở nên viral khắp thế giới. Mấy tháng trước tôi vẫn phát chán khi cứ phải suốt ngày nghe thấy nó từ loa phường hay những chiếc xe bán tải chạy trên đường, thế mà giờ đây, tôi ngạc nhiên vì bài hát khiến mình hoài niệm rất nhiều.

Tôi mắc nợ Việt Nam. Có thể tôi sẽ đền đáp bằng điều gì đó, hoặc đơn giản là cố gắng làm bản thân trở nên tốt hơn để xứng đáng với nơi đây.

Việt Nam cũng có thể trở nên tốt hơn, mà thực ra là chỉ cần tiếp tục tốt như thế này thôi là được rồi. Sự minh bạch, cởi mở và đoàn kết của họ đã đưa đất nước lên tầm thế giới và họ cứ việc áp dụng những điều tốt đẹp đó cho mọi thứ, để nó trở thành một tiêu chuẩn mới.

#VietnamLeavesNoOneBehind (Việt Nam không bỏ ai lại phía sau) - dòng hashtag này có lẽ đã đủ để nói lên tất cả khi nó có mặt ở khắp mọi nơi trong cuộc chiến chống Covid-19. Đã từng có nhiều người cho rằng Việt Nam rất chăm chỉ, cần cù nhưng lại không sáng tạo. Một bài hát cổ động lại trở thành hit quốc tế rõ ràng đã đập tan định kiến đó. Họ lại nói Việt Nam có thể sản xuất nhưng lại không thể tự phát triển, vậy hãy nhìn vào những bộ kit xét nghiệm và ứng dụng di động trong mùa dịch.

Tôi cũng không dám cá cược gì về việc tạo ra một loại vắc-xin, vì Việt Nam có thể làm được bất cứ điều gì.

Mặc dù đã nghe những lời chỉ trích về "chủ nghĩa dân tộc" hay bất cứ điều gì tương tự ở Việt Nam, nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý. Đó đúng hơn là "lòng tự hào dân tộc". Không chỉ tự hào, mà còn là tự tin.

Cuối cùng, vẫn không có ca tử vong nào ở Việt Nam.

Theo Tổ quốc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://toquoc.vn/toi-mac-no-viet-nam-nhung-ngay-thang-chien-dau-voi-dich-covid-19-qua-loi-ke-cua-cong-dan-anh-song-tai-ha-noi-220202361428806.htm

Covid-19

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.