Bỏ cộng điểm nghề khi tuyển sinh lớp 10: Làm sao để học nghề hiệu quả?

Trước thông tin sẽ bỏ quy định Sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có điểm thi nghề phổ thông, nhiều người cho đây là việc cần làm...

Trước thông tin sẽ bỏ quy định Sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có điểm thi nghề phổ thông, nhiều người cho đây là việc cần làm từ lâu, nhưng cũng có ý kiến làm sao để học nghề hiệu quả chứ không phải cộng điểm hay không cộng điểm.

"Mục tiêu học nghề lệch lạc"

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD&ĐT mới công bố, sẽ bỏ quy định Sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Như vậy, cùng với một số cuộc thi khác, điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng.

Cách đây nhiều năm trước, khi đang dạy học tại Trường THCS Đức Trí (Q.1, TPHCM), cô Tô Thụy Diễm Quyên, đã lên tiếng về việc điểm nghề được cộng vào điểm chuyển cấp.

Học sinh phổ thông được yêu cầu học nghề chỉ để được cộng điểm vào kỳ thi cuối cấp. Các em sẽ được tư vấn học những nghề mà các em dễ đạt loại giỏi để kiếm điểm mà không biết nghề đó có phù hợp với các em không, có giúp các em trong việc hướng nghiệp hay không. Như vậy, theo cô Quyên mục tiêu học nghề đã lệch lạc ngay từ đầu.

Nhiếp ảnh là nghề nhiều học sinh ở TPHCM đăng ký theo học (Ảnh minh họa)
Nhiếp ảnh là nghề nhiều học sinh ở TPHCM đăng ký theo học (Ảnh minh họa)

Việc học không hữu ích, học để lấy điểm cộng nhưng để được điểm cộng này thì cả năm ròng rã, mỗi tuần một buổi các em đến các trung tâm hướng nghiệp để học. Thầy cô, bố mẹ và cả nơi dạy nghề lo nhất là việc quản lý các em. Theo cô Quyên, để được nửa điểm, một điểm, điểm rưỡi cộng mà quá đắt so với thời gian các em đã mất đi.

Từ thực trạng "méo mó" đó, khi Bộ có dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh, học sinh thi vào lớp 10 sẽ không được cộng điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS, cô Quyên rất ủng hộ. Cô đánh giá đây là việc cần làm, Bộ đang có một cái nhìn khoa học, thực tiễn.

Việc lấy điểm nghề cộng vào điểm thi lớp 10 khiến nhiều nơi dạy qua loa, hợp thức hóa điểm số. Cô Quyên cũng nhấn mạnh, học nghề là việc cần thiết, cần trả về đúng ý nghĩa của việc học nghề chứ không phải học vì điểm như lâu nay.

Một nhà giáo khác phân tích, nếu học nghề nghiêm túc, dạy nghiêm túc, thực hành nghiêm túc… thì học nghề rất bổ ích. Nhiều em thông qua học nghề mà biết được những việc trong đời sống, biết sửa điện, nấu ăn… Việc học nghề hiệu quả sẽ hỗ trợ rất nhiều trong cuộc sống và cả định hướng nghề nghiệp cho các các em. Nhất là khi việc học chính khóa còn nặng hàn lâm, lý thuyết thì học nghề càng cần thiết.

Vậy nhưng, thầy cũng đồng tình, việc học nghề còn mang tính hình thức, sự xuề xòa coi nhẹ việc học nghề từ người dạy lẫn người học. Và nhất là nhu cầu học nghề không xuất phát từ thực tiễn, theo khả năng, sở thích của học sinh mà lại xuất phát từ điểm cộng thêm đã dẫn đến một bức tranh vô cùng xấu về thực trạng học nghề ở trường phổ thông.

Cần đầu tư việc dạy - học nghề hiệu quả

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc làm sao là để việc học nghề ở trường phổ thông thực chất, hiệu quả là điều quan trọng nhất. Bộ GD-ĐT chưa đề cập đến vấn đề này mà chỉ mới quan tâm đến việc điểm số. Điểm cộng không cao (như ở TPHCM là từ 0,5 - 1,5 điểm), có thể xem như đó là điểm khích lệ, khuyến khích cho các em.

Thầy Nguyễn Phước Hải, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, TPHCM bày tỏ quan điểm thay vì thắt cái này, cấm cái kia, bỏ cái nọ thì hãy tìm phương án làm sao để nó tốt hơn. Việc học nghề, bỏ điểm cộng, lẽ dĩ nhiên khi có quy định ban hành thì các trường sẽ phải làm theo. Nhưng rốt cuộc vẫn chưa giải quyết được gì ngoài việc trước mắt sẽ xáo trộn.

Nhiều học sinh được tiếp cận với nhiều nghề nghiệp như nấu ăn, điện, chụp ảnh... thông qua việc học nghề (Ảnh minh họa)
Nhiều học sinh được tiếp cận với nhiều nghề nghiệp như nấu ăn, điện, chụp ảnh... thông qua việc học nghề (Ảnh minh họa)

“Rồi thì việc học nghề sẽ như thế nào? Thực tế là không thể phủ nhận việc cộng điểm cũng có mặt tích cực. Nếu không, với việc xem nặng các môn học văn hóa, sẽ chẳng phụ huynh nào cho con đi học những điều hữu ích như nấu ăn, điện, nhiếp ảnh… và lại sẽ dành hết thời gian cho các con học Toán, Lý, Hóa, xem nhẹ các kỹ năng và nghề nghiệp”, thầy Hải lo ngại.

Thầy Hải cho rằng, Bộ nên có một lộ trình rõ ràng, sau khi bỏ điểm cộng sẽ làm gì để việc học nghề hiệu quả? Chỉ đạo các Sở đầu tư cho việc học nghề như thế nào? Đó là vấn đề cốt lõi nhất.

Một quản lý ngành giáo dục ở quận 5, TPHCM bày tỏ thực sự là nhờ cộng điểm nên các em mới có động lực để học nghề, có nhiều em được tiếp cận nghề nghiệp từ đây. Nếu khi Bộ chưa đưa ra được phương án nào hiệu quả trong việc dạy học nghề mà bỏ điểm cộng thì rất lo ngại, các em sẽ càng mất động lực để đi học nghề.

“Chúng ta có chắc bỏ điểm cộng từ điểm học nghề sẽ góp phần giúp việc học nghề hiệu quả hơn không hay ngược lại? Không được cộng điểm học nghề sẽ đẩy các em phải dồn hết mọi sức lực để học thêm, học văn hóa, chỉ học các môn để thi để đảm bảo việc thi đỗ. Khi đó, việc đào tạo nghề sẽ càng lệch lạch, méo mó”, bà nói.

Nhiều ý kiến đồng tình, học nghề là việc bổ ích và hết sức cần thiết cho định hướng nghề nghiệp của học sinh. Bộ cần có một chương trình xuyên suốt và hợp lý từ tiểu học đến bậc THPT. Còn việc học như hiện tại thì quá mất thời gian, tiền bạc mà lại không hiệu quả. Như vậy, vấn đề cần được quan tâm hơn là việc bỏ cộng điểm hay không là cần đi vào thực chất làm sao để dạy nghề có hiệu quả thực tiễn hơn.


Theo Dân Trí

tuyển sinh lớp 10

Bộ GD-ĐT

tuyển sinh THPT

điểm cộng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.