“Dẹp” dạy thêm - học thêm: Phụ huynh không nên chạy đua thành tích!

Để công bằng cho chính con em chúng ta đang ngày ngày cắp sách tới trường thì phụ huynh không nên chạy đua thành tích, hay sợ thầy cô trù dập

Để công bằng cho chính con em chúng ta đang ngày ngày cắp sách tới trường thì phụ huynh không nên chạy đua thành tích, hay sợ thầy cô trù dập mà hãy bình tâm, đồng hành cùng con trong những năm tháng đi học. Phụ huynh cần hiểu rõ, học thêm hay không học thêm là tự nguyện.

Chuyện dạy thêm - học thêm hiện nay được xem như “vấn nạn” nhức nhối, càng tìm cách dẹp thì càng bùng phát dữ dội ở mức độ tinh vi hơn. Tôi nghĩ, để công bằng cho chính con em chúng ta đang ngày ngày cắp sách tới trường thì phụ huynh không nên chạy đua thành tích, hay sợ thầy cô trù dập mà hãy bình tâm, đồng hành cùng con trong những năm tháng đi học. Nếu con được rèn bản lĩnh ngay từ nhỏ thì con sẽ có phản xạ tốt, không rúm ró sợ sệt nếu thầy cô có những lời gợi ý, đe nẹt, hăm dọa. Phụ huynh cần hiểu rõ, học thêm hay không học thêm là tự nguyện, chẳng thầy cô nào bắt được con em chúng ta phải tới nhà thầy cô phụ đạo cuối ngày, cuối tuần. Phải chăng chính sự im lặng, thế nào cũng xong từ phía cha mẹ mà các em học sinh phải “oằn mình” học thêm.

Nhớ lại thời đi học của tôi, đi học thêm ở trường ngày ấy chỉ có 2 nhóm bạn: Một vài bạn giỏi của trường được bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; một vài bạn học yếu nhất của cả khối lớp đi học phụ đạo để đẩy học lực lên mức trung bình. Ngày ấy chuyện một vài bạn đúp học lại năm nào cũng có, gia đình có chút xấu hổ nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận.

Học sinh thời nay không có chuyện đúp, học lại vì sẽ ảnh hưởng đến thành tích của lớp, của trường. Cuối học kỳ, con em đạt học sinh trung bình là cha mẹ đã thấy sốt xình xịch, nóng ran mặt mũi vì tức giận, thất vọng, đau khổ. Chỉ có cách là thúc ép con đi học thêm tối ngày để con luôn có thành tích tốt nhất. Nhiều giáo viên có khi chưa kịp gợi ý thì phụ huynh đã chủ động gửi gắm con cho thầy cô kèm cặp, dạy dỗ.

Ở khu tập thể tôi ở, tôi thấy đa số các em đi học thêm. Có em học giỏi nhất lớp, ý thức tự giác học tại nhà rất tốt nhưng bố mẹ vẫn cho em đi học thêm đều đặn ngay từ năm em học lớp 1. Tôi từng có lần nói chuyện với cháu, hỏi xem cô giáo dạy thêm ra sao, cháu kể rất thật. Cô giáo chia học sinh làm 3 nhóm, dạy theo học lực từng nhóm từ giỏi, khá đến trung bình. Các em nhóm giỏi học thêm chỉ để nhuần nhuyễn thêm bài vở, chứ không phải bồi dưỡng thi học sinh giỏi của trường, của huyện.

Điều này tôi thấy quá phi lý, vì sao con đã học tốt mà phụ huynh vẫn cho con đi học thêm? Rõ ràng cha mẹ đang đặt quá nhiều kì vọng vào con, muốn con chỉ có học và học, học thuộc lòng như cháo chảy để kì thi học kỳ sẽ rinh về toàn điểm 10 đỏ chói. Tôi đã quan sát khá nhiều em đi học thêm mà học lực vẫn như cũ: Em nào giỏi thì vẫn đạt học lực giỏi, em nào khá vẫn khá, em nào trung bình thì vẫn cứ trung bình.

Học sinh tiểu học ở TPHCM đi học thêm. (Ảnh minh họa)
Học sinh tiểu học ở TPHCM đi học thêm. (Ảnh minh họa)

Nhiều phụ huynh nói, Các thầy cô bây giờ quá giàu, họ không sống vì lương mà sống vì dạy thêm. Tôi chỉ cần nhẩm 1 phép tính đơn giản, một giáo viên cấp 1 dạy thêm chừng 30 em học sinh, chỉ cần dạy tuần 1 buổi với mức thu phí là 30.000đ/em/buổi học thì cô đã có thêm thu nhập gần 4 triệu/tháng. Đấy là những giáo viên dạy thêm cực ít, còn những giáo viên quen chạy xô thì mức thu nhập dạy thêm gấp vài lần lương. Thế nên bây giờ, giáo viên ăn mặc thời trang sành điệu, nhiều người ăn diện, đi xe xịn, ăn nói nhã nhặn tinh tế vì có đời sống khá giả.

Bây giờ kiếm đâu ra những thầy cô giáo ăn vận mộc mạc, giản dị, gần gũi thương mến học trò như thời xưa. Cũng có những thầy cô giáo hết lòng vì học sinh nhưng phải nói thật là càng ngày càng ít đi.

Thậm chí, em gái tôi từng nói: “Nghề giáo bây giờ không có gì gọi là cao quý, cũng bình thường như tất cả các nghề nghiệp khác trong xã hội, nghề giáo cũng là nghề kinh doanh, nghề bán chữ kiếm lời”. Em tôi không làm giáo viên, nhưng tôi nghĩ em đã nói thẳng nói thật suy nghĩ khi hiện tượng dạy thêm - học thêm tràn lan như hiện nay.

Giáo viên có nhiều cách để phụ huynh phải cho con đi học thêm như gọi điện trao đổi việc con em học kém, gửi sổ liên lạc, thậm chí gặp trực tiếp để phản ánh. Phụ huynh lo lắng nên lập tức cho con học thêm tại nhà cô. Bạn tôi nói: “Biết con học kém, cho đi học thêm về kiểm tra lại, con vẫn chậm chạp, viết ẩu, làm toán sai như trước”. Tôi khuyên bạn: “Tốt nhất nên để con ở nhà, mẹ kèm con học và phải chấp nhận con tiến bộ rất chậm. Học thêm mà thành học sinh giỏi thì ở lớp con, làm gì còn học sinh trung bình.”

Con tôi đang học lớp 5, không đi học thêm và vẫn đạt thành tích tốt. Mấy chị bạn đồng nghiệp thấy tôi bình thản cho con tự học ở nhà, không quan tâm chút nào chuyện học thêm đã thay đổi quan điểm. Mấy chị đều đồng loạt cho con nghỉ học thêm tại nhà cô giáo và tự học tại nhà. Sức học của con mình ra sao, tự phụ huynh có thể kiểm soát và kèm cặp, đồng hành cùng con.

Nếu mỗi phụ huynh đều có cái nhìn thấu đáo về việc con nên hay không nên đi học thêm thì chuyện cô giáo gợi ý này kia đâu có gì đáng phải lăn tăn lo nghĩ. Tôi từng biết, có phụ huynh đã vào Zalo mắng giáo viên vài câu về chuyện cô đối xử không công bằng vì con không đi học thêm, cô giáo đã phải tức tốc xin lỗi để giữ hòa khí. Phụ huynh im lặng thì đừng mong con cứ học thêm là giỏi, chỉ là “thiệt đơn, thiệt kép” vì con đi học tối ngày mỏi mệt, tốn kém tài chính mà chẳng ích lợi gì. Chỉ có giáo viên là hưởng lợi vì kiếm tiền quá dễ dàng mà vẫn được tiếng là do cha mẹ các em tha thiết nhờ cậy.

Theo Dân Trí


học thêm

dạy thêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.