Thầy giáo phanh phui gian lận thi ở Hà Giang: Tôi nhận nhiều đe dọa

“Tôi giờ vẫn còn rất nhiều lo lắng... Có rất nhiều đe dọa, có thể đó không phải đe dọa từ những người trong cuộc mà cả những người không liên quan nhưng họ cứ đe dọa”.

“Tôi giờ vẫn còn rất nhiều lo lắng... Có rất nhiều đe dọa, có thể đó không phải đe dọa từ những người trong cuộc mà cả những người không liên quan nhưng họ cứ đe dọa”- Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (giáo viên ở Hà Nội) là một trong 3 người đầu tiên phát giác, tố cáo những tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang và một số tỉnh khác chia sẻ.

Gian lận thi cử  ở Hà Giang và giờ là Sơn La, Lạng Sơn đang khiến dư luận xôn xao vì tính chất nghiêm trọng của nó. PV đã có cuộc phỏng vấn với thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, một trong những người góp phần đưa gian lận ở Hà Giang ra “ánh sáng”. 

Không ngờ phức tạp thế

PV: Sao Thầy lại chọn Hà Giang là tỉnh để tố cáo tiêu cực đầu tiên?

Thầy Vũ Khắc Ngọc: Trên mạng xã hội, học sinh phản ánh (về tiêu cực ở rất nhiều nơi). Tuy nhiên, từ câu chuyện thí sinh phản ánh cho đến việc chứng tỏ có gian lận hay không thì lại là con đường rất dài. Chúng tôi chọn Hà Giang vì trên dữ liệu điểm thi của tỉnh này nó thể hiện rõ rệt những nghi ngờ gian lận. 

Thầy Vũ Khắc Ngọc.

Tôi nghĩ đến thời điểm này, việc tỉnh nào có sai phạm hay không sẽ chịu sự giám sát của toàn xã hội chứ không còn do phản ánh của một vài cá nhân nữa. Trách nhiệm làm rõ những những nghi vấn này thuộc về Bộ GD&ĐT, Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác. 

PV: Thầy có thể chia sẻ một chút về việc phát hiện và tố cáo về điểm thi bất thường ở Hà Giang?

Thực ra, sai phạm ở Hà Giang xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt đáng chú ý là có nhiều học sinh ở Hà Giang cùng lớp với các thủ khoa "giả" phản ánh trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian đầu những phản ánh này nhận được nhiều phản hồi tiêu cực, phủ nhận và bị đánh giá sai lệch về mục đích. Chúng tôi chỉ đứng ra góp phần định hướng lại cho dư luận chú ý tới những con số thống kê thuyết phục để khẳng định những nghi vấn đó là có cơ sở.

PV: Lúc đầu tố cáo tiêu cực ở Hà Giang, anh có nghĩ  tiêu cực, gian lận trong thi cử ở các địa phương sẽ phức tạp như hiện nay?

Tôi hoàn toàn không hình dung được quy mô, tính chất của sự việc lại nghiêm trọng và phức tạp như vậy.

PV: Các thầy có nhận được những tin nhắn đe dọa không?

Có khá nhiều tin nhắn nạc danh trên mạng xã hội khuyên can, thậm chí cả đe dọa chúng tôi nhưng vì không có tính xác thực nên chúng tôi không đánh giá cao chúng.

PV: Hiện tại, khi sự việc đã đúng là có gian lận trong điểm thi THPT quốc gia. Thầy có thể chia sẻ, cảm xúc của Thầy lúc này như thế nào?

Trước khi phản ánh những tiêu cực này trên mạng xã hội, chúng tôi cũng khá hồi hộp vì không rõ sự việc liệu có được làm sáng tỏ và giải quyết triệt để hay không. Còn tới thời điểm này thì mọi người trong nhóm đều thở phào vì kết quả điều tra, xác minh của Bộ Giáo dục cho thấy sự quyết liệt, dũng cảm của Bộ trong việc xử lý những sai phạm này. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng vào sự chính trực của Bộ Giáo dục và các cơ quan chức năng trong việc giải quyết dứt điểm vụ việc.

Thầy Ngọc cùng 2 thầy phát giác tiêu cực thi cử ở Hà Giang. Ảnh: Nguồn Internet

Có nên chấm lại bài trắc nghiệm ở Sơn La

PV: Thầy có thể cho ý kiến về gian lận ở Sơn La mới được kết luận?

Ở Sơn La, các đối tượng gian lận đã dùng những biện pháp tinh vi nhất mà trước khi tố cáo chúng tôi đã từng tính tới. Thực ra, trong lúc phản ánh hiện tượng ở Hà Giang, chúng tôi cũng đã nghĩ tới những khả năng người ta có thể can thiệp vào bài thi như thế nào nhưng chúng tôi đã không muốn đưa thông tin ấy lên vào thời điểm đó vì như thế là sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”.

PV: Dư luận cho rằng, Bộ GD&ĐT là sẽ phải chấm lại toàn bộ bài thi trắc nghiệm. Ý kiến của Thầy về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, việc chấm thi thẩm định lại cả nước là không khả thi vì nhân sự của Bộ thì không đủ để đảm bảo còn nếu địa phương chấm thì sẽ không khác gì cả.

Dù sao thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã ra thông báo để các tỉnh tự rà soát báo cáo rồi. Trong trường hợp của Sơn La, ông Mai Văn Trinh đã phải rất quyết liệt. Sai phạm rất tinh vi thì phải là người rất có trách nhiệm, quyết liệt mới chỉ ra được những sai phạm như thế.

PV: Còn riêng với Sơn La, theo thầy có nên chấm lại bài thi trắc nghiệm hết không?

Riêng Sơn La để xác định được đúng phạm vi và tính chất nghiệm trọng của gian lận thì vẫn nên chấm lại. Tất nhiên, chúng ta có thể khoanh vùng trong phạm vi các bài thi từ 7 điểm trở lên. Có như vậy mới đủ khả năng vì dữ liệu gốc của bài thi trước khi scan và bài sau này đã khớp rồi thì rất khó phát hiện ra. Vụ việc này phức tạp hơn nhiều so với Hà Giang.

Thậm chí, theo tôi, việc xác định bài thi nào có can thiệp thực sự thì phải có trưng cầu giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an mới có đủ căn cứ để xử lý.

Muốn sự việc đi đến tận cùng

PV: Thầy có mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ làm đến cùng để tìm ra sự thật?

Tôi có. Tôi mong muốn làm đến cùng. Vì làm đến cùng là cách tốt nhất để trả lại niềm tin cho dư luận xã hội. 

PV: Cá nhân thầy có thất vọng về kết luận vụ việc ở tỉnh Lạng Sơn không?

Vụ việc ở Lạng Sơn rất khó nói vì việc kết luận đúng đến đâu, kết luận có sai phạm hay không là của cơ quan điều tra, Bộ GD&ĐT mới có thể kết luận được.

Dư luận có quyền nghi ngờ Bộ GD&ĐT?

PV: Gần đây, dư luận có lên tiếng về việc phổ điểm ở Kon Tum, Điện Biên, Lai Châu đều có những bất thường? Theo Thầy, Bộ GD&ĐT có nên xác minh ở những tỉnh này để có câu trả lời chính xác?

Thực sự hiện nay rất nhiều người đã chỉ ra những bất thường ở Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình,..là tương đối rõ rệt. Tôi nghĩ, ngay từ khi có kết quả của tỉnh Hà Giang thì lòng tin vào một kỳ thi nghiêm túc rất thấp rồi cho nên ít nhất Bộ Giáo dục phải giải quyết những nơi mà có dư luận phản ánh có nghi vấn đã.

Xin cảm ơn thầy!


Theo Tiền Phong


điểm thi THPT quốc gia 2018

gian lận thi cử

kỳ thi THPT Quốc gia

kỳ thi THPT quốc gia 2018


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.